Để né hạn mặn, Vĩnh Long chia làm 3 đợt xuống giống vụ lúa Hè Thu

Cập nhật: 04/04/2024

VOV.VN - Xác định vụ lúa Hè Thu sẽ là vụ thiếu nước sản xuất, tỉnh Vĩnh Long đã chia làm 3 đợt xuống giống đế né mặn. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long hiện đang triển khai tốt kế hoạch này nhằm hạn chế thiệt hại do mặn gây ra.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 35.000 ha, chia làm 3 đợt phù hợp với điều kiện canh tác ở từng địa phương như: đợt 1 là 4.000 ha, đã xuống giống dứt điểm hồi tháng 3 ở những vùng ven Quốc lộ 54 thuộc huyện Trà Ôn, thị xã Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2 là 25.000 ha, xuống giống từ nay đến 18/4. Đây là đợt xuống giống chính, phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 là 6.000 ha, xuống giống từ 1/5 đến 31/5, phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng có nguy cơ nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tát và vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, do đất sản xuất lúa của tỉnh nằm ở khắp địa phương trong tỉnh có độ cao thấp khác nhau và nằm xen kẽ với đất trồng cây ăn trái, nên việc lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cũng có những đặc thù riêng ở từng địa phương. Do đó việc xây dựng kế hoạch xuống giống lúa ở từng giai đoạn khác nhau rất cần thiết.

Thực hiện kế hoạch này cán bộ nông nghiệp ở các xã trong tỉnh đến thông báo đến bà con nông dân chấp hành tốt lịch thời vụ này. Anh Võ Văn Sở, một nông dân ở xã Trung Hiệp huyện Vũng Liêm cho biết hàng năm anh đều chấp hành tốt lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đưa ra, nếu không sẽ không đủ nước ngọt để sản xuất.

“Chính quyền địa phương có thông báo xuống giống, mình cũng đã chủ động trước, mình chuẩn bị làm đất, chủ động máy bơm nước lên, Khi chuẩn bị sạ thì bơm nước trong kênh này lên là đủ xài luôn. Giai đoạn này mình phải thăm lúa thường xuyên, khi thấy khô thì mình đem máy bơm nước lên” - anh Võ Văn Sở nói.

Tại huyện Trà Ôn, một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do mặn gây ra cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn mặn, chấp hành tốt lịch thời vụ do sở NN&PTNT đưa ra. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ trách thiệt hại do thiếu nước tưới tiêu. Đồng thời triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương, di tu sửa chữa cống bọng để đảm bảo phục vụ sản xuất trong mùa khô này.

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho biết: “Trong năm 2023 và 2024  được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng 8 cống hở lớn để nhằm trữ ngọt dẫn mặn. Huyện sẽ phối hợp với huyện Cầu Kè để thực hiện việc đóng mở cống lớn Tân Vinh, cống lớn giữa 2 huyện để làm sao việc trữ nước ngọt cho 2 huyện phục vụ công tác tưới tiêu”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, trong vụ Hè Thu, giải pháp về điều kiện chế độ nước là quan trọng, nhất là đối với những địa phương có chịu tác động của xâm nhập mặn. Do đó, các địa phương phải tăng cường giám sát mặn, khuyến cáo người dân chấp hành tốt lịch thời vụ xuống giống và sử dụng các giống lúa ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn, đặc biệt quan tâm về hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngoài vận động bà con xuống giống đúng lịch thời vụ để né mặn, tỉnh triển khai đồng bộ kế hoạch nạo vét kênh mương để trữ nước ngọt, đồng thời theo dõi sát diễn biến của nước mặn để có biện pháp đóng mở cống lấy nước phù hợp hơn.

“Biện pháp mà chúng tôi đề xuất hiện nay là công tác tuyên truyền. Bởi vì việc giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại của hạn mặn để người dân chủ động phối hợp với ngành chuyên môn của chúng tôi để có giải pháp chuẩn bị ngay từ đầu. Nếu chúng ta biết mặn sẽ xâm nhập ở vùng này thì chúng ta có kế hoạch chuẩn bị, chúng ta trữ nước ngọt để tưới thì sẽ chủ động hơn” - ông Nguyễn Văn Liêm nói.

Ông Nguyễn Văn Liên cho biết thêm, thời điểm đầu vụ Hè Thu này, nắng nóng xảy ra, cây lúa sẽ phát triển trong điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là khan hiếm nước nên cỏ dại có điều kiện phát triển, các đối tượng dịch hại nhiều hơn; cuối vụ, thời tiết lại bước vào mùa mưa, lúa dễ đổ ngã hoặc mắc các bệnh lem lép hạt, bệnh đạo ôn, cháy lá. Do đó nông dân cần phối hợp tốt với ngành nông nghiệp địa phương để có biện pháp đối phó hiệu quả hơn.

Hiện nay độ mặn ở Vĩnh Long đang bước vào cao điểm. Vào ngày 3/4 độ mặn đo được tại Vàm Nàng Âm là 0,8 phần ngàn, Vàm Vũng Liêm 0,7 phần nghìn, chợ Vũng Liêm 0,2 phần nghìn. Các cống tại khu vực này đã được đóng lại để bảo vệ sản xuất.

Từ khóa: lúa Hè Thu, lúa Hè Thu,hạn mặn,Vĩnh Long,vụ lúa Hè Thu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: chanh tuy/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan