Để hàng Việt tiến nhanh trên “con đường cao tốc hướng Tây”

Cập nhật: 27/03/2021

VOV.VN - Sàn Thương mại điện tử Việt Nam-EU được đánh giá là cú hích cho doanh nghiệp, là “con tàu siêu tốc” đưa hàng hóa Việt Nam đến với châu Âu.

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Trong năm 2020, với tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều ý kiến cho rằng, dựa trên những thành quả to lớn của công nghệ số, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, tạo ra những đột phá trong việc hỗ trợ các DN khai thác, tận dụng lợi thế từ EVFTA.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện Khoa học quản trị DN và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cho biết, nhằm cung cấp cho các DN Việt Nam một nền tảng số để khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA, trong chương trình hợp tác hỗ trợ DN, Sàn Thương mại điện tử Việt Nam-EU (VEFTA) là Đề án trọng điểm với quy mô quốc gia, được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các DN (B2B Marketplace).

“Sàn Thương mại điện tử VEFTA sẽ hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối DN Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu. Sàn giúp các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp EU, cũng như các đối tác quốc tế khác có thể dễ dàng kết nối và thực hiện các hoạt động thương mại”, ông Hùng nói.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sàn VEFTA hình thành có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn TMĐT sẵn có của các Tỉnh/Thành phố và các ngành hàng, từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các DN Việt.

VEFTA đồng thời là cổng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng DN Việt cũng như các đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. VEFTA cũng xây dựng một hệ sinh thái số hoàn thiện, thông qua các giải pháp số giúp cho DN thực hiện các hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất như thanh toán số, logistics, hóa đơn điện tử, chữ ký số....

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) bày tỏ, VINASME luôn đồng hành cùng với Bộ Công Thương, cùng các hội viên nghiên cứu các giải pháp; đặc biệt tập trung nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, thương mại điện tử nhằm giúp DN Việt Nam tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Đồng thời, VINASME thời gian qua cũng luôn trang bị cho các DN Việt Nam đầy những công cụ, nền tảng số giúp nâng cao nâng suất, đảm bảo chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh với các DN châu Âu.

“Một trong những giải pháp VINASME tin tưởng sẽ giúp DN có thể nhanh chóng đưa hàng hóa “make in Việt Nam” đến với thị trường châu Âu chính là Sàn VEFTA. Đây chính là sự thể hiện khát vọng của cộng đồng DN Việt Nam muốn kết nối, làm ăn với các DN quốc tế, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ, mức độ sẵn sàng về nội lực để tham gia hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Đây chính là cú hích và là “con tàu siêu tốc” chuyên trở hàng hóa Việt Nam đến với châu Âu”, ông Thân tin tưởng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải nhận định, trong cuộc cách mạng 4.0 với sự phát triển của công nghệ, những vấn đề trọng tâm như nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển cơ sở hạ tầng bằng những hướng giải pháp mới có thể tạo ra những đột phá mới.

Trong khi đó, TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt quy mô hơn 11 tỉ USD là cơ sở và cơ hội tốt cho các DN siêu nhỏ, hay thậm chí cả các hộ kinh doanh cá thể xuất khẩu sản phẩm do chính tay họ làm ra, điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới trước đây.

Chính vì thế, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị khác trong Bộ Công Thương cũng như các đối tác, tiếp tục phát triển để hoàn thiện nền tảng sàn TMĐT dành cho DN “make in Việt Nam” hướng tới tăng trưởng xuất, nhập khẩu.

“Các đơn vị tiếp tục phối hợp triển khai những chương trình cụ thể để hỗ trợ DNNVV, từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sàn TMĐT. Nghiên cứu tìm giải pháp tích hợp với các hệ thống của các cơ quan liên quan như Hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, trong đó chú trọng việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn và bảo mật trong quá trình vận hành”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu./.

Từ khóa: sàn thương mại điện tử, VEFTA, hiệp định EVFTA, giao thương, kết nối cung cầu, thị trường eu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập