Để dự án “ma” tồn tại, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm
Cập nhật: 13/11/2020
VOV.VN - Gần đây, việc khách hàng căng băng rôn tại các công ty, dự án đòi chủ đầu tư bàn giao đất, thực hiện đúng tiến độ không còn là chuyện lạ ở Bình Dương.
Thực trạng này không chỉ khiến khách hàng đối mặt nguy cơ mất trắng tiền tỷ, gây mất an ninh trật tự, “rối loạn” thị trường, mà còn phá vỡ quy hoạch đô thị. Trước thực trạng trên, chính quyền Bình Dương khẳng định sẽ cương quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm lĩnh vực đất đai.
Tiền mất, nhưng đất chưa thấy
Những ngày đầu tháng 11, đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng, thuộc phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương trở nên ồn ào khi hàng chục người dân vây quanh trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát. Họ căng băng rôn tố cáo công ty này bán dự án “ma” (?!), yêu cầu công ty trả lại số tiền đã bỏ ra để mua đất dự án.
Chị Vy Thị Thanh Hồng (32 tuổi, ngụ tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) là một trong hàng trăm khách hàng bị Công ty Ba Thành Phát lừa khi bỏ ra hàng trăm triệu để mua 80m2 đất ở dự án Thành Phát City 1 (ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng).
Chị Hồng đã hoàn thành đúng tiến độ khi đóng 296 triệu theo hợp đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất, hay giấy tờ pháp lý liên quan theo như thỏa thuận. Sau nhiều lần đòi quyền lợi nhưng công ty né tránh, cực chẳng đã, chị Hồng và nhiều khách hàng phải gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng và kéo đến trụ sở công ty đòi lại tiền: “Qua nhiều lần công ty thất hứa nên rất bức xúc. Nhiều khi về nhà vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Các anh chị mình mượn tiền ai cũng hỏi vì sợ không có tiền trả. Ai cũng mong muốn có miếng đất để ở nhưng giờ xảy ra trường hợp này nên không thể tin tưởng, chỉ mong công ty trả lại tiền”.
Chuyện khách hàng căng băng rôn tại trụ sở của các công ty kinh doanh bất động sản ở Bình Dương không còn lạ. Mới đây, hàng trăm người, trong đó đa số là công nhân đã phải bỏ công ăn việc làm, đến Văn phòng giao dịch Công ty Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land (ở phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) để đòi sổ đất. Khi Công ty Sài Gòn Land mở bán 266 lô đất ở Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Land, tại thị xã Tân Uyên vào năm 2017 thì đã có hàng trăm khách hàng thanh toán 95% giá trị lô đất, nhưng đến nay vẫn chưa được sở hữu nền đất.
Qua tìm hiểu, khách hàng biết được, công ty đem 266 sổ đất thế chấp ngân hàng. Khi bị khách hàng gây sức ép, công ty lấy ra 66 sổ, còn lại vẫn đang thế chấp ngân hàng. Chị Trần Thị Nguyệt, một khách hàng của Công ty Sài Gòn Land cho biết, nhiều công nhân như chị đã phải gom góp, vay mượn tiền khắp nơi để mua đất dự án. Nay công ty cứ hẹn lùi không bàn giao sổ đất: “Bao nhiêu lần lên công ty đòi quyền lợi công ty hẹn không gặp mặt, giao cho người này người kia. Hỏi nhân viên thì nói không có giám đốc nên không ai giải quyết. Sổ đỏ công ty chiếm dụng vay ngân hàng, trong khi đó người dân khổ sở nợ ngân hàng để mua đất. Công ty làm ăn không có trách nhiệm”.
Bức xúc, chính là tâm trạng chung của hàng trăm khách hàng khi đặt niềm tin vào các dự án: Thành Phát City 1, Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Land, hay dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp (ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một) của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu (có trụ sở tại TP HCM). Bởi, với họ, phải có nghĩa vụ trả tiền đúng hạn hợp đồng, nhưng đến thời gian giao nhà, giao đất thì nhiều dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Chính quyền phải chịu trách nhiệm!
Theo Sở Xây dựng Bình Dương, dự án Thành Phát City 1 của Công ty Ba Thành Phát chưa được cấp phép cho làm dự án; dự án Khu nhà ở Sài Gòn Land của Công ty Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Lan mới có chủ trương đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng vì chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hay như dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu được Sở Xây dựng đồng ý đổi tên thành Dự án Khu nhà ở Suối Giữa; xin điều chỉnh quy hoạch sang nhà ở cao cấp nhưng không phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Dự án này cũng chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Không chỉ 3 dự án nói trên, ở Bình Dương còn nhiều dự án khách hàng phải đi đòi đất, đòi tiền, kêu cứu chính quyền vì chủ đầu tư chậm bàn giao khi chưa có chủ trương, chưa đủ điều kiện nhưng vẫn huy động vốn. Một số dự án, chủ đầu tư tự “vẽ” dự án trên giấy, rồi tổ chức quảng cáo, mời gọi, bán cho khách hàng bằng hình thức như “hợp đồng vay vốn,” hay “đặt cọc giữ chỗ”.
Ông Võ Hoàng Ngân- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã tiến hành kiểm tra, xử lý một số chủ đầu tư vi phạm trong huy động vốn trái phép. Sở cũng sẽ công bố công khai những dự án được UBND tỉnh cho chủ trương, đồng ý được huy động vốn, bán nhà hình thành trong tương lai trên website của sở. Để tránh trường hợp mua phải dự án ma, ông Võ Hoàng Ngân khuyến cáo: “Trong trường hợp có vấn đề nghi vấn người dân trực tiếp hỏi Sở Xây dựng, hoặc chính quyền địa phương, UBND xã, phường, thị trấn nơi có dự án sẽ biết rõ thông tin. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chỉ huy động vốn, bán nhà hình thành trong tương lai khi được thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Dự án nào chưa có thông báo thì chưa đủ điều kiện huy động vốn”.
Việc nhà đầu tư bán dự án trên giấy, bán các dự án không thể hình thành trong tương lai, là bởi quy định pháp luật liên quan còn nhiều kẽ hở. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, thực trạng trên tồn tại là còn có sự tắc trách, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Thực tế, đã có rất nhiều dự án “ảo” được rao bán tưng bừng, thậm chí còn xây dựng hạ tầng nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn, không xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn có sự thờ ơ trong xử lý dứt điểm chủ đầu tư huy động vốn trái phép. Vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian tới: “Công tác tuyên truyền tính pháp lý trong việc giao dịch mua bán đất đai phải được người dân nhận thức đầy đủ. Các nhà đầu tư phải đảm bảo các yếu tố pháp lý, không thể làm theo kiểu mua bán con cá, mớ rau ngoài chợ. Chúng tôi sẽ ngồi lại thống nhất trong vấn đề chỉ đạo, đưa vào sự ổn định trật tự và cương quyết xử lý hậu quả”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, để hạn chế tình trạng người dân sập bẫy dự án bất động sản “ảo”, thời gian tới, ngoài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, cần quy trách nhiệm với chính quyền địa phương nơi để xảy ra sai phạm; chủ đầu tư vi phạm phải bị đình chỉ, thu hồi dự án theo quy định. Về lâu dài, chính quyền địa phương ở Bình Dương cần công khai các dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý lên cổng thông tin địa phương, thì có như vậy mới tránh được tình trạng người dân bỏ công bỏ việc đi căng băng rôn đòi tiền mua nhà mua đất đang diễn ra thời gian gần đây ở Bình Dương./.
Từ khóa: dự án ma, chính quyền chịu trách nhiệm, vỡ quy hoạch đô thị, Sài Gòn Land, đòi sổ đất, mua đất dự án
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN