Đề cử nội các của ông Trump khiến phe Cộng hòa tại Thượng viện lo sốt vó

Cập nhật: 16/11/2024

VOV.VN - Nỗ lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm bổ nhiệm những người trung thành vào nội các của ông đang tạo ra phép thử lớn đầu tiên cho phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện. Lãnh đạo của phe này hiện phải quyết định xem họ sẵn sàng đi xa đến đâu để phản đối các nhân vật được ông đề cử mà họ cho là không đủ năng lực.

Thế khó của Phe Cộng hòa tại Thượng viện

Vấn đề trên chỉ được nêu ra vài giờ sau khi Thượng nghị sĩ John Thune, đảng Cộng hòa của Nam Dakota, được bầu làm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện khóa mới. Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ chọn nhà lập pháp đảng Cộng hòa Matt Gaetz, bang Florida làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nếu đề cử được chấp thuận, ông Gaetz sẽ vừa trở thành công tố viên hàng đầu của nước Mỹ, vừa đảm nhiệm người đứng đầu Bộ Tư pháp. Với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp, ông Gaetz cũng sẽ giám sát các cơ quan như Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Quyết định của ông Trump đã gây tranh cãi vì ông Matt Gaetz từng phải đối mặt với loạt cuộc điều tra với cáo buộc về hành vi không đúng mực và trái luật, trong đó có cáo buộc sử dụng ma túy bất hợp pháp, nhận quà tặng “không phù hợp”. Ngày hôm sau, ông Trump tuyên bố đã chọn ông Robert F. Kennedy Jr., một người hoài nghi về vaccine, làm lãnh đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Trước đó, các nhà lập pháp đã bị “sốc” trước kế hoạch của ông Trump đề cử người dẫn chương trình của Fox News Pete Hegseth làm bộ trưởng quốc phòng và cựu nghị sỹ đảng Dân chủ Tulsi Gabbard của Hawaii, người bị cáo buộc quảng bá cho chiến dịch tuyên truyền của Nga, làm Giám đốc tình báo quốc gia.

Sau khi chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025, ông John Thune sẽ phải cân bằng giữa quyền lực của Thượng viện với các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về bổ nhiệm các thành viên trong nội các.

Ông Trump đã có động thái mạnh khi yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa cho phép ông bổ nhiệm các quan chức chủ chốt mà không cần thông qua bỏ phiếu tại Thượng viện. Trong thông báo trên mạng xã hội ngày 10/11, ông Trump tuyên bố bất kỳ thượng nghị sĩ Cộng hòa nào muốn giữ vị trí lãnh đạo tại Thượng viện phải đồng ý với việc bổ nhiệm trong kỳ nghỉ. Điều này có thể cho phép ông lấp đầy các vị trí hành chính cấp cao mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi Quốc hội chưa nhóm họp, đồng thời giúp củng cố quyền lực của tổng thống và hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới của ông. Theo giới phân tích, động thái trên có thể đẩy ông John Thune vào tình thế khó xử, đồng thời dẫn tới khả năng xảy ra mâu thuẫn ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Hiện giờ, các thành viên của Thượng viện sẽ phải đối mặt với một thử thách khác, đó là có nên từ bỏ thẩm quyền theo Hiến pháp của họ để xem xét thông qua các đề cử ứng viên trong nội các ngày càng gây tranh cãi của ông hay không.

Nhiều thượng nghị sĩ ở cả hai đảng đã bày tỏ lo ngại về một số lựa chọn của ông Trump, nhưng tổng thống đắc cử nói rằng ông hy vọng Thượng viện sẽ thử nghiệm một cơ chế cho phép ông bỏ qua quá trình xác nhận.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Thune, người được bầu giữ chức lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, thay vì một ứng cử viên có quan điểm gần gũi hơn với ông Trump, đã tránh đưa ra ý kiến ​​về bất kỳ ứng cử viên nào. Phát biểu với báo chí, ông Thune cho biết, ông muốn tránh việc bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ mới trong thời gian Quốc hội nghỉ giải lao nhưng không loại trừ khả năng đó.

“Chúng tôi mong đợi các ủy ban của mình thực hiện đúng công việc của họ, đưa ra lời khuyên và sự chấp thuận theo yêu cầu của Hiến pháp", ông Thune nhấn mạnh.

Phản ứng của các thành viên đảng Cộng hòa

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho biết, họ có xu hướng nhượng bộ ông Trump về tất cả các đề cử ngoại trừ những đề cử bất hợp lý như việc chọn ông Matt Gaetz, làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc đối đầu nếu ông Trump cố gắng lách luật của Thượng viện để bổ nhiệm một loạt các ứng cử viên không không phù hợp.

Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, thành viên đảng Cộng hòa tại Bắc Dakota cảnh báo: "Tôi nghĩ rằng tất cả các ứng viên, ngoại trừ ông Gaetz đều phù hợp. Nhưng nếu ông Trump cố gắng làm suy yếu vai trò của Thượng viện bằng cách buộc Thượng viện phải giải lao để ông có thể lách luật thì cái kết sẽ được dự đoán trước”.

Về mặt công khai, ông Thune và các nhà lãnh đạo Cộng hòa khác đều tin rằng quá trình xác nhận tại Thượng viện có thể giải quyết mọi thứ.

"Chúng tôi sẽ không biết kết quả như thế nào cho đến khi chúng tôi bắt đầu quá trình xác nhận. Đó là những gì chúng tôi dự định làm với ông Gaetz và tất cả những ứng viên tiềm năng khác mà ông Trump đề cử", ông nói với các phóng viên vào thứ năm, khi được hỏi về ứng cử của ông Gaetz.

"Tổng thống sẽ đề cử, sau đó các ứng viên sẽ có phiên điều trần tại Thượng viện để được thông qua việc xác nhận trước khi đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trong nội các", Thượng nghị sĩ John Barrasso, thành viên Đảng Cộng hòa cho biết.

Nhưng đảng Cộng hòa đang chia rẽ về việc Thượng viện nên điều tra sâu sắc đến mức nào các đề cử của ông Trump - đặc biệt là ông Gaetz. Ngày 14/11, Thượng nghị sĩ John Cornyn, thành viên Đảng Cộng hòa tại bang Texas, nói rằng ông "muốn xem mọi thứ" về ông Gaetz, trong đó có những báo cáo điều tra đang chờ xử lý của Ủy ban Đạo đức Hạ viện.

"Tôi nghĩ rằng tôi sẽ có trách nhiệm tìm hiểu thêm về từng ứng cử viên mà tôi không thực sự hiểu rõ", Thượng nghị sĩ Todd Young, thành viên đảng Cộng hòa của bang Indiana nhấn mạnh.

Một số người cho rằng, trách nhiệm đảm bảo quá trình xác nhận diễn ra suôn sẻ thuộc về ông Trump, chứ không phải Thượng viện.

"Nếu các ứng cử viên có thực lực và phù hợp với vị trí được giao, họ có thể dễ dàng vượt qua quá trình đề cử và điều đó sẽ tốt cho tổng thống. Nhưng khi bạn đưa ra những lựa chọn thực gây tranh cãi, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn", Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, thành viên Đảng Cộng hòa của bang Alaska nêu rõ.

Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ dường như không có sự chuẩn bị để giải quyết yêu cầu của ông Trump bổ nhiệm các ứng viên mà không cần quá trình xác nhận nếu Thượng viện đang trong kỳ nghỉ dài. Mặc dù Hiến pháp quy định Thượng viện có thể đưa ra lời khuyên và chấp thuận hay phản đối những người được đề cử, nhưng Hiến pháp cũng trao cho tổng thống thẩm quyền hoãn phiên họp của Quốc hội nếu có bất đồng giữa hai viện.

Một số nhà phân tích suy đoán, nhiều khả năng Đảng Dân chủ sẽ phản đối hầu hết những nhân vật được ông Trump đề cử. Tuy vậy đảng này cho biết, họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn do vai trò của Thượng viện, được nêu trong Hiến pháp là đánh giá và phê duyệt những người được đề cử làm tổng thống.

“Chắc chắn đây là cơ hội để xem liệu có bất cứ thách thức nào đối với tổng thống và các kế hoạch của ông nhằm biến Bộ tư pháp trở thành vũ khí cho mục tiêu chính trị hay không”, Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy, thành viên Đảng Dân chủ tại bang Connecticut lưu ý.

Từ khóa: thượng viện, tổng thống Trump, Donald Trump, đề cử, nội các, Trump bổ nhiệm nội các, phe cộng hòa tại thượng viện, thượng viện Mỹ, nội các của ông Trump,phép thử với thượng viện

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập