Đề cao vai trò và trách nhiệm của nhà giáo
Cập nhật: 20/11/2024
VOV.VN - Ngày 20/11 hàng năm là dịp để chúng ta tôn vinh những người làm công tác giáo dục, nhưng không chỉ là để nhớ đến họ, mà còn là lúc để nhấn mạnh tầm quan trọng của họ trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trong thế kỷ 21, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, vai trò của nhà giáo không hề bị phai nhạt. Ngược lại, nhà giáo luôn là nền tảng để xây dựng nên những con người có văn hóa, năng lực, phẩm chất đạo đức, và khả năng tư duy sáng tạo để phục vụ cho sự phát triển của xã hội.
Từ ngàn xưa vai trò của các thầy đồ trong làng xã Việt Nam dưới ách thống trị của ngoại bang đã được thực tế khẳng định. Họ chính là những người trí thức trong làng truyền bá lịch sử, tri thức cho người dẫn và thông qua đó bản sắc văn hóa luôn được bảo tồn mà không bị đồng hóa bởi ngoại bang. Những cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ thời phong kiến thực dân không thể không có vai trò của những người thầy trong việc truyền bá truyền thống yêu nước đánh giặc cho nhiều thế hệ.
Ngày nay, mặc dù những tiến bộ xã hội và KHCN đã mang lại những thay đổi lớn cho nền giáo dục, câu nói "Không thầy đố mày làm nên" vẫn mang giá trị vững bền. Không thể phủ nhận rằng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, và các nền tảng học trực tuyến đã làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận kiến thức. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ phát triển đến đâu, vai trò của nhà giáo vẫn không thể thay thế.
Nhà giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng, động viên, và giúp học sinh định hình nhân cách và các giá trị sống. Công nghệ chỉ có thể cung cấp kiến thức, nhưng không thể thay thế được sự kết nối tình cảm và định hướng từ những người thầy, người cô. Chính vì vậy, câu nói trên vẫn luôn đúng trong mọi thời đại, vì nhà giáo không chỉ đóng vai trò dạy dỗ mà còn là người đồng hành, người khơi dậy ước mơ thắp nên những ngọn lửa đam mê học hành, yêu nước, yêu nhân loại và giúp học sinh trở thành những con người có ích cho xã hội. Nhà giáo chính là người mở ra cánh cửa tri thức và định hướng con đường tương lai cho học sinh. Trong bối cảnh hiện đại, khi kiến thức có thể được tiếp cận một cách dễ dàng qua internet và các nguồn tài liệu mở, vai trò định hướng của nhà giáo càng trở nên quan trọng.
Nếu không có tấm gương đạo đức và học tập và thiếu sự hướng dẫn đúng đắn của nhà giáo, học sinh dễ rơi vào tình trạng tiếp thu kiến thức một cách hời hợt, thiếu hệ thống, và thiếu khả năng tư duy phản biện. Nhà giáo giúp các em phân loại và đánh giá thông tin, rèn luyện kỹ năng học tập suốt đời và biết cách thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Từ đó, các em không chỉ học để lấy kiến thức, mà còn học để phát triển bản thân, để thành công trong sự nghiệp và đóng góp cho xã hội. Chương trình đổi mới GDPT đã cho thấy vai trò càng quan trọng của người thầy.
Để đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chúng ta cần có những nhà giáo có tâm huyết và có năng lực cũng như phẩm hạnh tốt. Chính vì thế, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để phát triển và duy trì một lực lượng giáo viên chất lượng cao. Các chương trình đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cần được cập nhật, mở rộng để nhà giáo có thể học hỏi và thích nghi với những đổi mới trong giáo dục. Ngoài ra, cơ chế đãi ngộ và điều kiện làm việc mà sắp tới đây sẽ được luật hóa sẽ là những yếu tố quan trọng để giữ chân những người có năng lực và nhiệt huyết trong nghề.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng giáo dục, đồng thời đảm bảo sự công bằng trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm giáo viên. Mỗi nhà giáo cần được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng của mình, thay vì bị gò bó trong những quy định hành chính cứng nhắc và thiếu linh hoạt, giảm bớt tối đa các cuộc họp, thủ tục sổ sách, phong trào thi đua không mang lại nhiều ý nghĩa. Một khi giáo viên được thỏa mãn về cả vật chất lẫn tinh thần, họ sẽ cống hiến hết mình cho công việc và không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy.
Không chỉ nhà nước, mà mỗi nhà giáo cũng cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giáo dục. Trước tiên, trong bối cảnh thay đổi thường xuyên, kiến thức và kỹ năng của nhà giáo học được ở trường đại học, cao đẳng nhanh chóng trở nên lạc hậu trong thời gian ngắn. Vì thế, nhà giáo cần không ngừng học hỏi, tự nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy. Một nhà giáo tận tâm không chỉ là người có kiến thức sâu rộng mà còn biết cách truyền đạt và tạo cảm hứng học tập cho học sinh. Họ phải là người gương mẫu trong cả học tập lẫn cuộc sống, từ đó giúp học sinh nhận ra giá trị của sự học và truyền bá chân giá trị tới các thế hệ học trò.
Thêm vào đó, mỗi nhà giáo cũng cần phát triển khả năng sáng tạo và linh hoạt trong giảng dạy. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của người lao động cũng không ngừng phát triển. Nhà giáo không nên chỉ bám sát sách vở mà cần chủ động đưa những tình huống thực tế, các vấn đề xã hội vào bài giảng để giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Chỉ có như vậy, họ mới có thể đào tạo ra những con người tự tin, sáng tạo và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại.
Nhà giáo là có vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để phát triển đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm và có tài năng sư phạm, không chỉ cần đến sự hỗ trợ và quan tâm của nhà nước mà còn cần sự cố gắng tự thân của mỗi nhà giáo. Dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, giá trị của nghề giáo vẫn luôn được khẳng định, bởi chính nhà giáo là người gieo mầm cho những thành công và đóng góp của từng thế hệ. Câu nói "Không thầy đố mày làm nên" không chỉ là lời nhắc nhở về sự cần thiết của nhà giáo, mà còn là lời tri ân cho sự cống hiến của nhà giáo trong sự nghiệp trồng người".
Từ khóa: nhà giáo, nhà giáo, vai trò của nhà giáo, trách nhiệm của nhà giáo
Thể loại: Xã hội
Tác giả: ts hoàng ngọc vinh
Nguồn tin: VOVVN