ĐBSCL vừa chuẩn bị vui Xuân vừa khẩn trương chống mặn
Cập nhật: 12/01/2020
Triển lãm nghệ thuật ánh sáng mùa đông ở Đức (26/11/2024)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
VOV.VN - Hiện nay, nước mặn từ biển đang tấn công nhanh vào đất liền, uy hiếp 7/13 tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Đây là thời điểm chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng vừa chuẩn bị vui xuân, đón tết vừa khẩn trương ứng phó với hạn mặn để làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp và đảm bảo đời sống dân sinh.
Hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL bên cạnh việc chuẩn bị các hoạt động vui Xuân, đón Tết cổ truyền, còn phải khẩn trương triển khai ‘kịch bản” ứng phó với nước mặn đang xâm nhập. Đối với diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020, trong vùng đã giảm xuống còn 1,55 triệu ha, giảm 50.000 ha so với kế hoạch để “né” hạn mặn. Công tác thủy lợi như: gia cố, hoàn thiện hệ thống cống đập để trữ ngọt, ngăn mặn được triển khai cấp thiết. Tại tỉnh Trà Vinh, địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để cứu 27.000 ha lúa Đông Xuân và 8.600 hộ dân có nguy cơ thiếu nước ngọt.
Nước mặn trên 1/1000 từ biển vào sông Tiền đến địa phận thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
|
Ông Đồn Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: "Chúng tôi đã tuyên truyền để người dân không xuống giống khi có khuyến cáo của chính quyền, chuyển đổi mùa vụ sản xuất và chuyển sang cây trồng khác. Thứ hai là tích trữ nước ngọt cho sinh hoạt, trường hợp cấp bách lắm thì cấp các bồn chứa nước ngọt cho hộ nghèo, hộ chính sách. Tăng cường quan trắc nguồn nước, quản lý chặt chẽ, nếu độ mặn trên 1/1000 sẽ đóng toàn bộ. Nếu độ mặn dưới 1 phần nghìn thì sẽ mở lấy nước phục vụ sản xuất".
Theo UBND tỉnh Cà Mau, đã có hơn 16.000 ha lúa, tôm bị thiệt hại hoàn toàn, 16.000 ha lúa giảm năng suất và 4.500 hộ dân bị thiếu nước ngọt do mặn đến sớm. Đây là địa phương đã bị ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất vùng ĐBSCL trong đợt hạn mặn này. Chính quyền và người dân Cà Mau đang tích cực ứng phó với thiên tai.
Riêng tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 176 tỷ đồng để thực hiện 11 công trình “chống hạn” nhằm cứu vãn cho khoảng 20.000 hộ dân và hàng chục nghìn ha lúa có nguy cơ thiếu nước…
Đối với tỉnh Bến Tre do bao bọc bởi 3 cù lao với nhiều sông rạch chằng chịt nên nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Địa phương đã bố trí 46 điểm đo độ mặn, cung cấp tin nhắn về nước mặn đến hơn 1.000 cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua Zalo, SMS… Đặc biệt Bến Tre hoàn thành xây dựng hồ chứa nước tại huyện Ba Tri là nguồn nước cung cấp cho các nhà máy xử lý nước có khả năng phục vụ cho 200.000 hộ dân vùng ven biển. Để bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa kiểng, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương còn vận động và khuyến cáo người dân sử dụng các máy xử lý nước mặn thành ngọt, đầu tư mua túi trữ nước ngọt.
Ông Đào Ngọc Minh, nhà vườn ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, việc sử dụng túi trữ nước ngọt chỉ tốn chưa đến 3 triệu đồng nhưng rất hiệu quả: "Túi trữ nước rất tiện lợi. Túi có thể đặt ở sân hay dưới mương đều được. Mình cũng dễ sử dụng và hiệu quả cao, không quá tốn kém".
Túi nhựa trữ nước - giải pháp chống mặn cấp bách tại tỉnh Bến Tre. |
Cống Xuân Hòa, Tiền Giang đang được Bộ NN&PTNT lắp đặt hệ thống bơm nước công suất lớn để chống hạn mặn. |
Ứng phó với hạn mặn, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre đã thực hiện kéo dài tuyến ống các công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng sâu, vùng hẻo lánh; đắp đập giữ nước ngọt, thổi rửa các giếng khoan. Riêng Cà Mau, Bến Tre Trà Vinh đã cung cấp hơn 20.000 bồn chứa nước cho gia đình chính sách, hộ nghèo để trữ nước ngọt.
Đến thời điểm này, toàn bộ hệ thống cống đập ở khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã đóng kín để ngăn mặn. Nếu nước mặn 3/1000 lấn sâu đến thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho địa phương đắp ngăn kênh Nguyễn Tấn Thành để trữ nước phục vụ cho 2 nhà máy xử lý nước của tỉnh. Tỉnh Bến Tre dự kiến sẽ đắp ngăn nước mặn 3 địa điểm của sông Ba Lai địa phận huyện Châu Thành với kinh phí hàng chục tỷ đồng.
Trong công tác phòng chống hạn mặn, hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp khó nguồn kinh phí để xây dựng hoàn thiện các hệ thống thủy lợi khép kín. Hầu hết các tỉnh đều kiến nghị TW hỗ trợ vài trăm tỷ đồng; riêng Trà Vinh cần khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều công trình do Bộ NN&PTNT đầu tư còn dang dở, chưa phát huy hiệu quả như: Cống đập Ninh Quới (Hậu Giang), cống Xuân Hòa (Tiền Giang); Tân Dinh, Bông Bót (Vĩnh Long)… Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre về lâu dài, các địa phương trong vùng cần có cơ chế quản lý nguồn nước sông Mê Công và xây hồ chứa nước ngọt: "Bến Tre đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách mới, trong việc điều phối sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công; đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương nghiên cứu đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt đặc biệt là vùng Tứ Giác Long Xuyên, để đảm bảo vai trò xả nước điều tiết, hạn chế những đợt triều cường xâm nhập mặn của các cửa sông trong lưu vực ĐBSCL. Đồng thời tạo nguồn nước và hệ thống cung cấp nước thô ổn định, cung cấp nước cho các nhà máy nước của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con trong vùng".
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình xâm nhập mặn sẽ tác động đến hơn 340.000 ha lúa Mùa và Đông xuân 2019-2020 ; hơn 136.000 ha vườn cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn, mặn; khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt… Các địa phương bị ảnh hưởng do hạn mặn nặng nề nhất là: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau... Vấn đề hạn mặn vùng ĐBSCL do tác động của nhiều nguyên nhân; trong đó có yếu tố tác động thượng nguồn kết hợp với triều cường. Do đó, vấn đề quan hệ hợp tác với các quốc gia thượng nguồn trong việc xây dựng các đập thủy điện, việc quản lý nguồn nước sông Mê Công là cần thiết; tăng cường công tác dự báo trung hạn cho toàn vùng để có cơ sở lập kịch bản ứng phó với hạn mặn. Đặc biệt, ngay từ bây giờ, các cơ quan của Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương trong khu vực ĐBSCL phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi, phát huy tác dụng ngay từ mùa khô này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn tại tỉnh Trà Vinh. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: "Cần đẩy nhanh các công trình của chúng ta. Ở đây có 2 nhóm công trình, một công trình của Bộ, quy mô vùng, quy mô liên tỉnh, quy mô tỉnh ở cấp độ lớn theo tinh thần, ít nhất không hoàn chỉnh được thì các chức năng cơ bản của công trình phải đảm bảo được. Tất cả dự án của Bộ tập trung hoàn thành kịp đưa vào sử dụng ứng phó trong mùa này càng nhanh càng tốt. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh cũng vậy, tất cả các công trình thuộc phạm vi tỉnh đầu tư cố gắng làm nhanh nhất, không nhất được toàn bộ thì ít nhất những phần trọng điểm để trữ ngọt. Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp rất tích cực".
Theo các ngành chuyên môn, thời điểm cận Tết cổ truyền nước mặn có chiều hướng gia tăng, tiếp tục uy hiếp vùng ĐBSCL. Do đó, cùng với việc chuẩn bị vui Xuân, đón Tết cổ truyền Canh Tý 2020, chính quyền, ngành chức năng và người dân trong vùng phải chú trọng việc ứng phó với thiên tai để bảo vệ thành quả lao động và ổn định cuộc sống dân sinh để mọi người, mọi nhà hân hoan bước vào năm mới./.
Báo động xói lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ở ĐBSCL
Từ khóa: xâm nhập, chống ngập mặn, ngập mặn ĐBSCL, Cà Màu, trữ nước chống ngập mặn
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN