VOV.VN - Việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa, từ đó kịp thời tháo gỡ ngay, không để trì trệ, kéo dài được xem là điều kiện tiên quyết để hoàn thành những dự án cao tốc tại ĐBSCL.
LTS: Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khu vực này có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Với tính bức thiết, khát vọng của vùng đất “Chín rồng” về hạ tầng giao thông huyết mạch, đồng bộ, thông suốt, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên toàn vùng với mục tiêu đến năm 2030 ĐBSCL sẽ có 1.200km đường cao tốc.
Trong loạt 3 bài “Kết nối hạ tầng giao thông, tạo thế và lực để Miền Tây bứt phá” nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV tại khu vực ĐBSCL sẽ nêu rõ sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL.
“Nhận được thông báo bàn giao mặt bằng bà con nông dân đồng tình, thống nhất, trong đó cũng có gia đình tôi bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, cây trồng. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua thì bà con cũng thống nhất và đồng tình, cũng phấn khởi có tuyến đường đi qua thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá để phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
“Ở đây có công trình cao tốc đi qua sẽ góp phần để địa phương mình nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung phát triển. Gia đình tôi cũng đồng thuận để giao mặt bằng cho nhà nước để triển khai công trình cho kịp tiến độ”, ông Huỳnh Văn Hiệp vui mừng cho biết.
Những suy nghĩ, chia sẻ của anh Nguyễn Văn Việt và ông Huỳnh Văn Hiệp ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, 2 trong số nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai máy móc, thiết bị thi công dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn Cần Thơ.
Đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó có 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Đối với dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong tổng số 8 dự án đang triển khai thì có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ. Cụ thể dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang vào Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Cao Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Dự án Cao Lãnh – Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; dự án thành phần 1 Cao Lãnh – An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào năm 2027 nhưng tỉnh Đồng Tháp phấn đấu rút ngắn tiến độ hoàn thành năm 2025. Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi, Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận và Dự án Cầu Rạch Miễu 2.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.
“Để đảm bảo hoàn thành các dự án theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, vượt nắng, thắng mưa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm thông tin.
Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình triển khai thi công các công trình trọng điểm tại vùng ĐBSCL, chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công, các địa phương có nguồn vật liệu và phụ thuộc vào nguồn vật liệu san lấp đã thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm tình trạng chờ “vật liệu san lấp” ở các công trình trọng điểm.
Ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn Cần Thơ có tổng chiều dài trên 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng. Dự án có 5 gói thầu xây lắp, trong đó 4 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu hệ thống an toàn giao thông. Hiện đã triển khai thi công đồng loạt 4 gói thầu xây lắp, tổng giá trị thực hiện các gói thầu xây lắp chậm hơn 15 % so với tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do cung ứng nguồn vật liệu cát cho dự án chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự án đi qua địa bàn Cần Thơ cần khoảng 7 triệu m3, đến nay đã xác định được nguồn cát 5,1 triệu m3. Trong đó tỉnh An Giang 2,4 triệu m3, tỉnh Tiền Giang 2,7 triệu m3 trong tổng số 4,55 triệu m3. Hiện tỉnh An Giang đã cấp bản xác nhận, đủ điều kiện khai thác 2,4 triệu m3. Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thủ tục cấp phép 2,7 triệu m3, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024, và chưa xác định được nguồn 1,85 triệu m3. Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các địa phương về nguồn cát cho dự án.
“Tổng nhu cầu còn thiếu của dự án là khoảng 2,78 triệu mét khối cho cái dự án là đi qua các địa bàn Cần Thơ, thì phần này cũng rất mong về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục hỗ trợ cho Cần Thơ để Cần Thơ đảm bảo cái nguồn cát thực hiện cái dự án đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ”, ông Trần Việt Trường cho biết thêm.
Hậu Giang có 2 dự án cao tốc đi qua gồm Cần Thơ – Cà Mau và dự án Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng, theo (Bí thư tỉnh ủy) Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn Hậu Giang công tác giải phóng mặt bằng đã xong, trong quá trình triển khai thi công nếu có phát sinh thì địa phương sẽ phối hợp xử lý. Còn dự án Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng đang được đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu đến cuối năm đạt khối lượng từ 38 - 40%.
“Về quá trình triển khai thực hiện 2 gói thầu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn ổn, không có vấn đề gì. Còn về vật liệu báo cáo với các đồng chí là đã làm việc với các địa phương rồi, ở An Giang thì đã cấp cho Hậu Giang và đang triển khai khai thác được. Còn về Bến Tre thì đã thống nhất với Bến Tre lập các cái thủ tục rồi, tháng 11 này sẽ triển khai là một mỏ và tháng 12 là một mỏ”, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia vẫn đang trong tình trạng thiếu cát, nguy cơ chậm tiến độ, khó hoàn thành mục tiêu như kế hoạch.
Theo Bộ GTVT, hiện nay trên tất cả các công trường, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực và 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị và 3.000 nhân lực. Tuy nhiên, các dự án, dự án thành phần đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4 – 15% do nguyên nhân chủ yếu là nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chưa đáp ứng nhu cầu. Việc này ảnh hưởng đến thời gian, nguồn lực của các nhà thầu và tiến độ hoàn thành các dự án. Đặc biệt đối với dự Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành dự án vào 31/12/2025.
Trước những khó khăn của các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương, thăm công trình và cùng thảo luận để tháo gỡ điểm nghẽn cho các dự án về nguồn vật liệu san lấp và Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, quyết tâm để đạt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL.
Rõ ràng, việc cùng lúc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia ở vùng ĐBSCL đã gây nhiều khó khăn về nguồn vật liệu san lấp và thực tế trên công trình các dự án đang thi công cầm chừng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cùng tháo gỡ sẽ hoàn thành được mục tiêu giải tỏa cơn khát “cao tốc” cho vùng đất Châu thổ Cửu Long.
Cùng với cả nước, các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.
Trong phần 2 của loạt bài, nhóm phóng viên Cơ quan thường trú VOV tại khu vực ĐBSCL sẽ tập trung làm rõ những điểm nghẽn mà các địa phương gặp phải, những kiến nghị thấu đáo để cùng nhau giải quyết dứt điểm, đảm bảo các dự án về đích đúng tiến độ, đáp ứng niềm “mong mỏi” của người dân vùng đất “Chín rồng”.
VOV.VN - Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 27,4km, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.
Từ khóa: cao tốc, giao thông, hạ tầng giao thông, cao tốc, đbscl