ĐBQH: Tính sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp để đối mặt kịch bản xấu nhất
Cập nhật: 27/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi tới bờ vực phá sản. Do vậy ngay từ bây giờ phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 27/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, cùng với đó là sự vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội. Đại biểu Cường cho rằng, đây cũng là bài học có giá trị quan trọng trong điều hành đất nước, đặc biệt ở những thời điểm khó khăn, thách thức cần phải vượt qua”.
Chủ động phương án hỗ trợ DN khi rơi vào khủng hoảng
Nhận định năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với nguy cơ vòng xoáy lạm phát và suy thoái, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn do ảnh hưởng đồng thời từ chiến tranh và dịch bệnh, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Theo đại biểu Cường, để vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của kinh tế thế giới là một bài toán vô cùng khó cần phải tìm ra lời giải.
Đồng tình với những mục tiêu và giải pháp Chính phủ đặt ra, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất Chính phủ cần quan tâm thêm một số giải pháp.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngay cả khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Vì vậy, đại biểu Cường đề nghị ngay từ bây giờ cần phải tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước.
Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng, nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường sẽ bị thu hẹp nhưng không bị đóng cửa, do vậy phải khai thác thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, sau hai năm đại dịch, tổng nợ của các doanh nghiệp đang ở mức thách thức rất lớn, rất may nợ công của Việt Nam đang duy trì ở mức thấp hơn 43% với trần nợ công là 60%. Sang năm 2023 thời hạn hỗ trợ chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện trách nhiệm tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ các khoản được giãn hoãn trong 2 năm qua, các khoản nợ đến hạn phải trả.
“Trong bối cảnh kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, thị trường thu hẹp, với những sức ép tài chính trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi tới bờ vực phá sản. Do vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải tính sẵn các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, đối phó với kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa ngược là giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, ông Cường nêu.
Thứ ba, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và trong bối cảnh khủng hoảng thì đầu tư thường rơi vào khu vực sản xuất cuối cùng.
“Do vậy, tôi đề nghị dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ các tập đoàn kinh tế mạnh phát triển một ngành trụ cột công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, ông Cường nêu quan điểm và gợi ý 3 lĩnh vực cần đặt hàng là: Công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Công nghiệp đường sắt, Vận tải biển.
Thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Kiến nghị một số vấn đề cần quan tâm để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị Chính phủ tích cực triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, mở rộng thị trường trong nước.
Nhấn mạnh, 9 tháng đầu năm 2022, bên cạnh sự gia tăng của doanh nghiệp thành lập mới, trung bình mỗi tháng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao của số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Từ khóa: thảo luận kinh tế xã hội, tăng hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp phá sản, khủng hoảng kinh tế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN