ĐBQH: Kỳ họp thứ 8 sôi nổi, thông qua nhiều quyết sách quan trọng
Cập nhật: 27/11/2019
Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc Tết Bộ Tư lệnh Cảnh vệ
Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ
VOV.VN -Đại biểu Quốc hội đánh giá, kỳ họp thứ 8 diễn ra sôi nổi. Đây là kỳ họp tạo nên nhiều dấu ấn vì đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Kỳ họp dài, khối lượng công việc nhiều
Sau 28 ngày làm việc, chiều 27/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIVđã bế mạc. Kỳ họp được đánh giá đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các đại biểu đánh giá, kỳ họp thứ 8 rất quan trọng, bởi ngay trước năm cuối của giai đoạn phát triển 2016-2020 và tạo tiền đề cho năm 2020, năm "bản lề" cho giai đoạn mới 2021-2025.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng). |
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), kỳ họp lần này có khối lượng công việc lớn, thời gian họp dài gấp rưỡi các kỳ họp trước. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ đã chuẩn bị rất chu đáo, giúp các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận cho ý kiến và quyết định những vấn đề lớn cũng như cho ý kiến với nhiều nhân sự quan trọng.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cho rằng, đây là kỳ họp tiếp tục có nhiều đổi mới, từ việc cung cấp thông tin cho đại biểu thông qua hệ thống thông tin điện tử, giúp đại biểu tiếp cận một cách nhanh chóng và linh hoạt hơn với những thông tin được cung cấp, thảo luận tại hội trường, thảo luận tổ... Bên cạnh đó, việc đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giúp đại biểu đến các tư lệnh ngành phát huy tinh thần trách nhiệm rất cao, phát biểu thẳng thắn, dân chủ và có nhiều ý kiến rất sôi nổi, xác đáng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cũng đánh giá, phiên chất vấn tại kỳ họp này để lại nhiều dấu ấn cho đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Tại kỳ họp này, phương thức chất vấn hỏi nhanh, đáp gọn tiếp tục được áp dụng. “Nhiều đại biểu nắm chắc vấn đề, đưa ra câu hỏi rất sắc sảo. Vì vậy đòi hỏi các Bộ trưởng trả lời cũng phải sắc sảo thì mới đáp ứng được yêu cầu của đại biểu”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM). (Ảnh: VNE) |
Tuy nhiên, đại biểu Quyết Tâm cũng trăn trở, trong phiên chất vấn một số tư lệnh ngành còn trả lời chung chung, chưa trúng vấn đề. “Trách nhiệm của Bộ trưởng là phải đưa ra được giải pháp đột phá để tháo gỡ và khắc phục vấn đề. Các Bộ trưởng nên trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, tránh trả lời dài dòng, vòng vo. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là điều mà các Bộ trưởng cũng nên quan tâm lắng nghe ý kiến đại biểu để phần trả lời của mình thuyết phục hơn”- đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.
Cũng như các kỳ họp trước, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Đoàn Chủ tịch khi điều hành các phiên họp. Các đại biểu đều có chung nhận xét, sự điều hành của Chủ tịch Đoàn, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, kiên quyết, thuyết phục, tạo nên một kỳ họp nghiêm túc, hiệu quả nhưng không quá căng thẳng.
Kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Các đại biểu cũng đánh giá, điểm nhấn của kỳ họp là đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) ấn tượng về kỳ họp có rất nhiều nội dung được thông qua. Theo đại biểu, tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.Trong đó, có những dự án luật được người dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Nghị quyết về vấn đề thực hiện giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình). |
“Dự án sân bay Long Thành được đưa ra thảo luận từ Quốc hội khóa 13, đến Quốc hội khóa 14 bây giờ mới thí điểm đưa ra để thực hiện. Đây là điểm đột phá nhằm mở rộng quan hệ, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng đưa sức cạnh tranh của sân bay quốc tế của Việt Nam với các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan...”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại kỳ họp này được nhân dân và xã hội đặc biệt quan tâm. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn). |
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận định, đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết về Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là những điểm mang tính nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách, đối với đồng bào dân tộc và những mục tiêu cần giải quyết. Tuy nhiên, từ đề án đến việc thực hiện còn những bước rất dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân đồng bào các dân tộc trực tiếp tham gia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này, những mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành ở mức cao. Các đại biểu mong muốn giai đoạn tiếp theo phải tạo ra đột phá, từ đó có thể đưa mức thu nhập, năng suất lao động đạt được mức thu nhập trung bình cao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). |
"Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ghi nhận là cao nhưng mức thu nhập lại thấp. Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn ở năm 2020 phải tạo ra được tiền đề mạnh hơn để bứt phá về kinh tế xã hội", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao tại kỳ họp này Quốc hội đã có những quyết định quan trọng liên quan đến bộ máy nhân sự. "Chúng ta cũng làm ngay mà không phải chờ đợi đến kỳ đại hội. Hành động nghiêm túc, quy cách thực hiện chặt chẽ của Chính phủ cũng cho thấy rõ ràng các bước đi định hướng tiếp theo liên quan đến nhân sự bộ máy của Quốc hội", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, kỳ họp đã thực sự thành công tốt đẹp khi đại biểu đã mang được tiếng nói của đồng bào cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Đây là kỳ họp mà Quốc hội đã thực hiện một khối công việc lớn. Theo đại biểu, các luật, Bộ luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế của nước ta, thúc đẩy kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long). |
Tuy nhiên, để hệ thống luật đi vào thực tiễn cuộc sống, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, trước tiên hệ thống văn bản hướng dẫn luật phải được soạn thảo một cách đồng bộ, kỹ lưỡng và kịp thời với việc ban hành luật.
Bên cạnh đó, khi tổ chức triển khai, đòi hỏi nguồn lực con người- những người thực thi pháp luật phải có kiến thức vững chắc, vận dụng luật tốt và có thần trách nhiệm cao. Đồng thời, Chính phủ cũng phải dành nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí để công tác tổ chức thực hiện luật đạt hiệu quả, thực sự đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước./.
Từ khóa: kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, bế mạc kỳ họp, Quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN