ĐBQH: Cần đòn bẩy để giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ
Cập nhật: 15/06/2020
VOV.VN - Giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ được xem là một trong những giải pháp tích cực có thể giúp khôi phục sự phát triển của nền kinh tế hậu Covid-19.
Theo số liệu thống kê, vốn đầu tư công năm 2020 từ nguồn năm 2019 chuyển sang và kế hoạch của năm 2020 khoảng 700.000 tỷ, một số tiền rất lớn.
Đánh giá của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, với tiến độ giải ngân hiện nay để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn, khi mới chỉ giải ngân đạt 89.300 tỷ đồng bằng 18,98% kế hoạch năm.
Không thể giải ngân đầu tư công bằng mọi giá
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và yếu vốn là điểm nghẽn không mới của nền kinh tế trong nước, tuy nhiên, trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19, việc này càng được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều hơn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội (Ảnh: Quốc hội) |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội nêu ý kiến, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, trong khi những nhiệm vụ 4 năm trước lại chưa thực hiện được, sẽ là áp lực rất lớn đối với 6 tháng còn lại. Tiến độ giải ngân đã có chuyển biến nhưng cũng chưa đạt yêu cầu. Đến hết Quý I vẫn còn 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân dưới 5%.
“Có rất nhiều ý kiến cho rằng đẩy nhanh tiến độ giải ngân là yếu tố quan trọng. Quan điểm đó hoàn toàn đúng, nhưng theo tôi là chưa đủ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06%. Nếu hạ một lần chỉ số ICO thì GDP tăng 1,42%. Như vậy, giải pháp chúng ta phải theo đuổi lâu dài đó phải là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư chứ không phải giải ngân bằng mọi giá”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Liên quan đến kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách và việc trước mắt chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công. Hiện nay, Nghị quyết 1023 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư công hiện hành.
“Nếu như chúng ta không có văn bản thay thế thì sẽ không có căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021. Vì vậy, chúng tôi đề nghị có biện pháp xử lý”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp (Ảnh: Quốc hội) |
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng đầu tư công hay giải ngân đầu tư công là vấn đề hết sức quan trọng để kích cầu tăng trưởng GDP, nhưng không thể đòi hỏi mức tăng trưởng GDP cao để giải ngân bằng mọi giá.
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chi ngân sách và sẽ dẫn tới những vấn đề không đúng với quy định rất nguy hiểm. Việc Chính phủ đề xuất giải ngân vốn đầu tư công rất phù hợp nhưng cần có những tính toán chi ly hữu hiệu để chi đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả và trọng tâm nhất”, đại biểu Phạm Văn Hoà nêu rõ.
Gắn giải ngân đầu tư công với trách nhiệm người đứng đầu
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM thì cho rằng cần cố gắng phấn đấu để giải ngân đầu tư công đúng theo tiến độ nhưng không phải làm bằng mọi cách giải ngân hết. Việc này phải được làm dựa theo tiêu chí đảm bảo tiến độ và hiệu quả của công trình, giám sát việc chi đầu tư công tránh lãng phí và thất thoát.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM (Ảnh: Quốc hội) |
Cùng với đó, Chính phủ nên một cơ chế linh hoạt từ nguồn vốn từ khu vực này nếu gặp khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì chuyển hướng sang khu vực khác.
Còn theo đại biểu Phạm Đình Toản, đoàn Hưng Yên, để sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công của năm nay, cần tháo gỡ vướng mắc, trong đó gắn trách nhiệm với người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương giữa các dự án. Đồng thời, cần thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp./.
Từ khóa: giải ngân, đầu tư công, Covid-19, Quốc hội, đại biểu Quốc hội
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN