Dạy và học trực tuyến tại Đà Nẵng còn bộn bề khó khăn
Cập nhật: 17/04/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Rất nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng về chất lượng dạy và học qua truyền hình, mạng internet.
Thành phố Đà Nẵng là một trong 12 tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Học sinh chưa thể đến trường. Việc đẩy mạnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình được xem là giải pháp cần thiết.Thế nhưng, sau 2 tuần triển khai học qua mạng internet, nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy và học.
Buổi học đầu tiên được gặp lại các bạn qua màn hình máy tính, Lê Nhã Uyên, học sinh lớp 3 trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng rất vui. Các em tranh nhau hỏi thăm đủ chuyện. Uyên cho biết, sau khi học vài ngày, em không thể tập trung và dần chán nản khi ngồi nghe cô giảng bài trực tuyến.
Việc học online còn nhiều khó khăn. |
Từ khi trường dạy bài mới qua trực tuyến, anh Lê Anh Tuấn ở quận Hải Châu ngày nào cũng nhắc con mình ngồi vào bàn học nghiêm túc. Khi con học, anh cũng phải ngồi bên cạnh với con. Buổi học chỉ kéo dài 30 phút mà phần mềm học tự động 4 lần trục trặc khiến con anh không thể nghe bài giảng một cách liền mạch.Nhiều lần anh phải liên hệ với cô giáo sau giờ học để hỏi về những phần không nghe thấy.
Anh Lê Anh Tuấn cho biết, thầy cô rất vất vả khi dạy học trực tuyến: "Về góc độ phụ huynh tôi thấy rằng việc học trực tuyến khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ, các ứng dụng rất khó để phụ huynh có thể làm được. Các cháu học sinh chưa thực sự tập trung".
Rất nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng về chất lượng dạy và học qua truyền hình, mạng internet. Với nhiều giáo viên, việc dạy học trực tuyến còn quá mới mẻ, vấn đề kiểm soát học sinh tham gia bài giảng cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh còn nhiều khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên trường THPT Thanh Khê, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: "Dạy học trực tuyến có những khó khăn nhất định như khó có thể quản lý các em về mặt thời gian và không gian. Hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá thì mình phải kiểm tra một cách trực tiếp với học sinh. Hiện tại dạy trực tuyến mà để việc kiểm tra đánh giá năng lực học sinh rất khó. Ngoại trừ việc giao bài tập như các em thực hiện một đoạn phim ngắn, hay thuyết trình".
Còn đối với học sinh ở miền núi thì việc học qua truyền hình và internet thật sự bất cập. Hòa Bắc là xã miền núi khó khăn của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nên việc học trực tuyến còn nhiều trở ngại.
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc cho biết, việc học online ở đây không thể thực hiện được: "Trên địa bàn của chúng tôi rất khó triển khai vấn đề học trực tuyến và để đảm bảo việc học 100% cho các em là không thể triển khai được. Do đó, những em không có điều kiện tiếp xúc với internet, chúng tôi đề nghị các giáo viên bộ môn soạn bài hướng dẫn trên giấy và gửi về nhà trưởng thôn, sau đó trưởng thôn thông báo cho các em đến nhà nhận bài".
Tại thành phố Đà Nẵng, hầu như tất cả các trường học từ tiểu học đến THPT đều triển khai dạy học từ xa thông qua nhiều hình thức khác nhau như dạy trực tuyến bằng các phần mềm, giảng bài rồi ghi hình lại post trên YouTube, trang web của trường, dạy trên truyền hình. Khó khăn chủ yếu hiện nay là học sinh vẫn chưa quen cách học online, thiếu tập trung. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường truyền dẫn tín hiệu kém, việc kết nối giữa giáo viên và học sinh liên tục bị gián đoạn.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, việc dạy và học trực tuyến không thể nào chất lượng như dạy và học trực tiếp trên lớp, nhất là đối với lứa tuổi học tiểu học. Tuy nhiên, trong huống học sinh nghỉ học dài ngày vì ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì ngành giáo dục phải triển khai nhiều biện pháp để học sinh có điều kiện trau dồi kiến thức, kết nối với giáo viên trong việc học tập tại nhà.
"So với các tỉnh bạn thì Đà Nẵng có thuận lợi hơn nhưng vẫn có một số tỷ lệ các em về quê hoặc không có điều kiện về máy vi tính để các em có thể tiếp cận việc dạy học qua internet. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường thông báo đến học sinh theo dõi việc dạy học trên tivi. Sau khi dạy xong các thầy cô sẽ có những bài soạn gửi cho các em, kèm theo đó là có những hệ thống câu hỏi. Các em sẽ nghiên cứu, trả lời các câu hỏi trong bài tập. Có những điều gì vướng mắc thì qua email, gọi cho giáo viên trực tiếp dạy bộ môn đó", ông Mai Tấn Linh cho biết./.
Từ khóa: dạy và học trực tuyến, Đà Nẵng, học trực tuyến bộn bề khó khăn, dịch Covid-19
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN