Dạy trẻ làm gì để kỳ nghỉ phòng tránh Covid-19 không bị nhàm chán?

Cập nhật: 04/04/2020

VOV.VN -Việc duy trì học tập nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi hợp lý sẽ giúp trẻ không cảm thấy nhàm chán khi ở nhà.

Tính đến thời điểm này, học sinh đã được nghỉ học hơn 2 tháng để phòng chống dịch Co-vid 19, và chưa biết khi nào các em mới được quay trở lại trường học. Nghỉ học ở nhà quá lâu, lại bị hạn chế ra ngoài không được đi chơi, đi du lịch, vì lo ngại dịch khiến nhiều em buồn chán, còn phụ huynh thì không biết phải làm gì khi con nhớ bạn, nhớ trường.

Để giúp con bớt nhàm chán, theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn cho con em mình, tạo ra nhiều hoạt động, khuyến khích con làm thêm việc nhà, giải trí phù hợp…

day tre lam gi de ky nghi phong tranh covid-19 khong bi nham chan? hinh 1
Trẻ em ở nhà trong lúc đáng lẽ phải đi học luôn là tình huống thách thức với các bậc phụ huynh (ảnh minh họa)

Buồn, nhàm chán, nhớ bạn, nhớ thầy cô và mong dịch Covid-19 qua đi để có thể tới trường là tâm trạng chung của nhiều học sinh khi phải nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch. Đa số các em đều mong ngóng dịch sớm tan để có thể đi học trở lại như chia sẻ của em Nguyễn Khánh Vy học sinh lớp 6, ở quận Đống Đa: "Cháu không được gặp gỡ bạn bè và thầy cô giáo nên cũng khá là buồn chán, vì chỉ được ở nhà làm bài tập. Cháu thường nghe nhạc, đọc sách, xem phim, thỉnh thoảng có chơi game. Cháu muốn đến trường, bởi vì học online cũng có khá nhiều điều bất tiện".

Em Nguyễn Ngọc Phương, ở quận Hoàng Mai Hà Nội cũng chia sẻ:"Nghỉ học lâu quá em ở nhà cảm thấy chán quá, chẳng được ra ngoài chơi với ai. Bố mẹ ở nhà nhưng vẫn phải làm việc. Thỉnh thoảng cuồng chân quá em đeo khẩu trang chạy ra ngõ một tý rồi lại về nhà cho đỡ chán. Em chỉ mong hết dịch để đến trường học với thầy cô và chơi với các bạn.

day tre lam gi de ky nghi phong tranh covid-19 khong bi nham chan? hinh 2
Không được đến trường dẫn đến tâm trạng buồn chán ở trẻ nhỏ.

Không chỉ các em mà các bậc phụ huynh cũng rối bời khi con phải nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch Covid-19. Anh Nguyễn Văn Việt, ở quận Hai Bà Trưng có con đang học lớp 3 cho biết, thời gian đầu, con thấy vui và thích vì ở nhà. Thế nhưng hơn một tháng nay phải học, chơi một mình không được gặp bạn bè, thầy cô con cũng nhanh chóng thấy chán. Anh Việt cũng đã sắp xếp thời gian để con học, chơi và làm một số công việc nhà phù hợp, thậm chí còn cho con sử dụng mạng xã hội và chơi trò chơi điện tử để cho nhanh hết thời gian.

Anh Nguyễn Văn Việt cho biết: "Thật sự chẳng biết làm sao, thấy con ở trong nhà suốt cũng thương. Mình cũng bày cho con nhiều cách để vừa học vừa chơi như là chơi xếp hình, đọc sách… làm việc nhà nấu cơm nhưng con vẫn kêu chán vì chơi đi chơi lại, một mình trong nhà. Thấy con vậy mình cũng cho chơi điện tử khoảng 2 tiếng trong 1 ngày để cho con đỡ buồn nhưng cũng chỉ vài ngày con lại kêu chán, muốn đi học. Con nhớ các bạn, nhớ thầy cô. Giờ mong sao nhanh hết dịch để con đi học bình thường".

Để học sinh đỡ nhàm chán trong thời gian này, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Chuyên gia tư vấn tâm lý Đại học quốc gia Hà Nội, cha mẹ nên dành thời gian nhiều cho con, nhất là vào buổi tối, trò chuyện cùng con. Bởi đây là thời gian để con chia sẻ những khó khăn hoặc các vấn đề gặp phải khi học trực tuyến, hay những vấn đề khác trong cuộc sống.

day tre lam gi de ky nghi phong tranh covid-19 khong bi nham chan? hinh 3
Đối với những bé ở lứa tuổi nhỏ thường có tâm lý rất thích làm việc nhà với cha mẹ.

Với từng độ tuổi của trẻ, phụ huynh đưa ra các hoạt động và giải trí phù hợp. Đối với trẻ bậc mầm non, hiếu động, ham chơi cha mẹ có thể cho con những đồ chơi giúp phát triển kỹ năng như đồ chơi xếp hình, đồ chơi gia đình, búp bê ... Đối với những học sinh đã lớn bên cạnh việc học cũng cần khuyến khích các em tham gia những công việc nhà cùng cha mẹ nhằm giảm bớt đi thời gian dư thừa khiến trẻ rơi vào trạng thái chán nản, buồn tẻ. Cùng với đó, phụ huynh có thể hướng dẫn con sử dụng công nghệ, internet một cách hiệu quả để học bài, tìm hiểu thêm thông tin, giải trí lành mạnh, học ngoại ngữ… thay vì dành thời gian chơi game.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết: "Kỹ năng đầu tiên mà cha mẹ nên tạo cho con sự bận rộncó thể yêu cầu con phải quét nhà, rửa bát, phải nấu cơm, thậm chí là phải dọn dẹp một số đồ đạc trong gia đình dư thừa. Tất cả công việc mà trước đây bố mẹ làm, bây giờgiao dần cho con. Thứ hai là cha mẹ cũng nên dành thời gian để mà chơi với con những trò chơi dân gian như cá ngựa hay cờ vua… Tôi tin rằng con sẽ có được thời gian để phát triển đượcnhân cách cũng như là bận rộn, không có rơi vào trạng thái buồn chán nữa. Cha mẹ hãy cũng dành thời gian để ngồi nói chuyện với con, trao đổi. Tôi nghĩ rằng đây là thời điểmcha mẹ hiểu con mình hơn và qua đó có thể chia sẻ, định hướng cũng như hỗ trợnếu bạn gặp khó khăn. Nếu chúng ta không tạo ra không gian, thời gian cũng như là những mối quan hệ con rất dễ sa đà vào những cái thứ vô bổ mà chúng có thể gặp lại ở trên mạng xã hội giống như trên Internet".

Trong khi học sinh tiếp tục phải nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, dù khó khăn nhưng đây không chỉ là dịp để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự học, tự lập mà còn giúp cha mẹ gần con hơn. Với việc duy trì học tập nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi hợp lý sẽ giúp trẻ không cảm thấy nhàm chán khi ở nhà và không khó khăn khi hòa nhập lại với môi trường học tập tại trường sau mùa dịch./.

Từ khóa: trẻ ở nhà mùa dịch. dạy trẻ mùa dịch, tâm lý buồn chán ở trẻ, trẻ ở nhà tránh covid-19, đại dịch covid-19, trẻ không đến trường mùa dịch

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập