Dạy thêm và học thêm

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Đã từ rất lâu, việc dạy thêm học thêm đã là một vấn đề thời sự. Nhưng dù có bao nhiêu giải pháp, bao nhiêu nỗ lực pháp lý thì dạy thêm, học thêm vẫn cứ là vấn đề dù cách thức khác nhau.

Tôi có một người cháu trong độ tuổi đi học phổ thông. Mỗi lần về quê, tôi đều thấy cháu phải học nhiều lớp học thêm khác nhau, từ các lớp trong trường đến các lớp ngoại ngữ và các lớp học khác. Hầu như cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật cũng thấy cháu phải đi học.

Thực tế, cháu tôi không phải là một học sinh kém, cháu khá thông minh, hoạt bát và có nhiều mong muốn được tham gia các hoạt động giáo dục thể chất để giao lưu với bạn bè tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực học hành đã khiến cháu phải học rất nhiều.

Tôi từng có những cuộc tranh luận khá cởi mở với bố mẹ cháu, nhất là với mẹ cháu là chính, vì mẹ cháu cũng là giáo viên. Khi tôi đề cập câu chuyện rằng, với một lực học như vậy, nên để cháu tự học ở trường là đủ và nên dành thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động thể chất, tập luyện thể thao, giúp đỡ công việc gia đình, tạo ra một thói quen, suy nghĩ gắn với sự trưởng thành và gắn với những hoạt động khác nữa, chứ không phải để cả tuổi thơ chỉ gắn với việc học và đến trường.

Mẹ cháu cũng rất cởi mở khi trả lời với tôi rằng: “Thực ra đúng là chúng em cũng muốn như vậy, nhưng câu chuyện ở đây là nếu như cháu không được học nhiều, nếu không ôn thi tốt, thì để xin vào những ngôi trường tốt khi lên bậc học THPT hoặc Đại học sau này sẽ rất khó khăn và gia đình rất lo lắng”.

Mặc dù tôi cũng không hoàn toàn đồng ý, nhưng tôi buộc phải thông cảm với lý lẽ như vậy.

Việc học thêm dạy thêm có một nguyên nhân sâu xa, đó chính là áp lực thi cử, là chất lượng chưa đồng đều ở các trường phổ thông. Một lý do nữa, đặc biệt là ở các đô thị và các vùng tập trung dân cư lớn, đó là thu nhập và đãi ngộ của giáo viên chưa thực sự cạnh tranh, nhất là giáo viên ở vùng nông thôn, miền núi, việc dạy thêm trở thành một phương án tăng thu nhập.

Đồng thời, tâm lý của phụ huynh đa phần đều lo sợ con mình thua kém, không đủ hiểu biết, không đủ khả năng để vượt qua những kỳ thi và đạt được thành quả trong học tập. Do đó, dẫn đến việc họ đầu tư tối đa cho con đi học thêm.

Văn hóa trọng bằng cấp, văn hóa thi cử trong xã hội của chúng ta cũng tác động rất lớn đến quyết định liệu có cho trẻ con học thêm hay không. Điểm số, thành tích học tập được lấy làm thước đo cho hầu hết mọi thứ trong xã hội, cũng chính là một lý do khiến việc học thêm, dạy thêm nở rộ.

Vài chục năm trước, học sinh giỏi là một thứ đặc biệt. Nhưng giờ đây, có thể nói vui là học sinh trung bình, học sinh yếu mới là hiếm, mới là cá biệt. Nhưng nếu như tất cả đều là học sinh giỏi thì việc phân loại không còn có ý nghĩa nữa! Nếu như không phải là học sinh giỏi, thì có rất nhiều cơ hội sau này trong cuộc sống, trong cuộc đời sẽ có thể bị đóng lại.

Tôi nghĩ, mới đây, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024 đưa ra những khung pháp lý khác nhau để cố gắng ngăn chặn dạy thêm, học thêm bất hợp lý là phù hợp và cũng là một việc cần làm.

Tất nhiên, dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay sẽ có rất nhiều hậu quả, từ việc tạo ra gánh nặng đối với kinh tế của các gia đình có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, tạo ra bất bình đẳng trong giáo dục.

Thứ hai, khi chi phí học hành, chi phí học thêm tăng cao, dẫn đến e ngại chuyện sinh đẻ, có con ở những người trẻ, khiến tỷ lệ sinh thay thế thấp (thực tế Việt Nam của chúng ta đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thay thế đang giảm một cách rất nhanh, rất đáng ngại).

Tuy nhiên, chỉ với sự vào cuộc của Bộ Giáo dục - Đào tạo với quy định trực tiếp về việc dạy thêm học thêm tôi nghĩ là chưa đủ mà cần phải có những giải pháp căn cơ, giải pháp có tính quyết liệt, có tính “cách mạng” để ít nhất là giải quyết được tận gốc những vấn đề có thể phát sinh việc dạy thêm học thêm. Ví dụ như làm thế nào để giải tỏa áp lực học hành, áp lực thi cử, chạy đua thành tích, áp lực về văn hóa trọng bằng cấp…

Việc dạy thêm học thêm hiện nay là một thực tế cần phải thay đổi. Nhưng dù có một Thông tư hay có những chủ trương khác nhau nữa của ngành giáo dục, tôi nghĩ là không đủ để thay đổi. Chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, có tính quyết liệt, có tính hệ thống hơn và không phải chỉ là là của một mình ngành giáo dục.

Giải "tận gốc" vấn đề dạy thêm, học thêm thế nào?

VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết tận gốc những tiêu cực xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Khi học sinh không còn chịu quá nhiều áp lực từ các kỳ thi vượt cấp, các em sẽ có thời gian theo đuổi đam mê, khám khá năng lực bản thân...

Từ khóa: dạy thêm, học thêm, áp lực thi cử, ngành giáo dục

Thể loại: Xã hội

Tác giả: phạm quang vinh/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập