Đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại, nông nghiệp, logistics Việt-Trung

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Ngày 13/6, tại TP Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), đã diễn ra Tọa đàm hợp tác kinh tế - thương mại nông nghiệp và logistics Việt Nam - Trung Quốc.

Ngày13/6, tại thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc, đã diễn ra Tọa đàm hợp tác kinh tế - thương mại, nông nghiệp và logistics Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và gần 200 doanh nghiệp hai nước.

Đây là hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng - do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc chủ trì, phối hợp chính quyền tỉnh Tứ Xuyên tổ chức - nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành trong nước, các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc và kết nối hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

day manh hop tac kinh te, thuong mai, nn va logistics viet -trung hinh 1
Các đại biểu tham dựTọa đàm hợp tác kinh tế - thương mại, nông nghiệp và logistics Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi khẳng định Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có độ mở lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu ASEAN về tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), với 13 FTA đã được hoàn tất và 3 FTA khác đang được đàm phán, đặc biệt là những FTA có tầm ảnh hưởng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các hiệp định sắp có hiệu lực trong thời gian tới như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Về quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 147,8 tỷ USD (tăng 21,2% so với năm 2017), trong đó Thành Đô là trung tâm kinh tế, tài chính, công nghệ, văn hóa và giao thông lớn của khu vực miền Tây Trung Quốc.

Đến với Thành Đô, các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam không chỉ được tiếp cận với thị trường gần 91 triệu dân, quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 600 tỷ USD, với mức tăng trưởng 8% trong năm 2018, đứng thứ 6 của Trung Quốc, mà còn được tiếp cận với thị trường rộng lớn khu vực miền Tây nước này.

day manh hop tac kinh te, thuong mai, nn va logistics viet -trung hinh 2
Đại sứ Đặng Minh Khôi

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết: “Tứ Xuyên có tuyến đường vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt qua Việt Nam với ASEAN. Như vậy có thể kết nối được thị trường rộng lớn của Việt Nam với ASEAN với cả thị trường Trung Quốc nói chung và cũng như Tứ Xuyên nói riêng. Tôi tin tưởng rằng qua Tọa đàm lần này là bước đầu để khởi động làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên”.

Tại buổi toạ đàm, Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Lý Vân Trạch đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại, nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, Tứ Xuyên nói riêng; đồng thời bày tỏ hy vọng tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất với các địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, du lịch; mở rộng quy mô thương mại giữa Tứ Xuyên và Việt Nam, thúc đẩy hợp tác thường xuyên giữa hai bên trong lĩnh vực logistics, từng bước hình thành chuỗi ngành nghề logistics liên khu vực.

Ông Lý Vân Trạch mong muốn doanh nghiệp hai bên tăng cường tìm hiểu các chính sách pháp luật và tiềm năng hợp tác, để tạo dựng nền tảng hợp tác song phương, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại Tứ Xuyên, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp chất lượng cao của Tứ Xuyên sang đầu tư tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các diễn giả đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội của hai bên đã chia sẻ các thông tin về tình hình kết quả hợp tác cũng như các thời cơ, thách thức trong hợp tác kinh tế - thương mại, nông nghiệp và logistics Việt Nam - Trung Quốc. Gần 200 doanh nghiệp của hai nước cũng có cơ hội để kết nối, trao đổi về khả năng và triển vọng hợp tác trong thời gian tới.

Anh Thái Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Tân Huê Viên – công ty xuất khẩu bánh pía và lạp xưởng của tỉnh Sóc Trăng cho biết:“Hiện nay thị trường Trung Quốc đang đòi hỏi sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì hiện nay bánh pía của chúng tôi có hàng xuất xứ rõ ràng, đã sang Trung Quốc tới nay là 5 năm. Bánh pía của Sóc Trăng hiện nay đang đứng vững tại thị trường Trung Quốc”.

Sau tọa đàm, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp của Việt Nam còn đi thăm và khảo sát các cơ sở kinh tế - thương mại, nông nghiệp, logistics của thành phố Thành Đô và tỉnh Tứ Xuyên./.

Từ khóa: Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, logistics, Việt Trung, Việt Nam, Trung Quốc

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập