Đẩy mạnh chế biến, phát triển thị trường để bớt phải "giải cứu nông sản"
Cập nhật: 28/04/2021
VOV.VN - Thị trường không nở ra, cầu không tăng mà cung tăng thì ắt phải giảm giá và câu chuyện giải cứu nằm ở khúc cua của quy luật thị trường khi bị mất cân bằng cung với cầu. Vì vậy, sản phẩm chế biến là giải pháp để giải quyết vấn đề cung vượt cầu hiện nay.
Hôm nay 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021. Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên tập trung chuyên sâu vào một trong những động lực và dư địa then chốt của tái cơ cấu nông nghiệp.
Hội nghị đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội, đặc biệt trong sự biến đổi linh hoạt và nhanh chóng xu thế công nghệ chế biến của thế giới, vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam; vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bảo hộ khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản. Cục sở hữu trí tuệ đã bảo hộ 84 sáng chế, giải pháp hữu ích, hơn 100 chỉ dẫn địa lý; 464 nhãn hiệu chứng nhận và hơn 1.400 nhãn hiệu tập thể cho nông sản Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, mong muốn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo hộ, khai thác các tài sản trí tuệ của nông sản. Đây là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận, chinh phục thị trường thế giới; đã có một số mặt hàng nông sản sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã mở rộng được thị trường sang nhiều nước trên thế giới. Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng cổng thông tin quốc gia về truy suất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản.
“Nhằm tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến nông sản có thể tiếp cận công nghệ, thiết bị tiên tiến, Bộ cũng đang tích cực phát triển thị trường khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan khác”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hội nghị muốn đi đến mục đích là nâng tỷ trọng nông sản qua chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, giải quyết được tình trạng nông sản vào mùa, khi đó cung vượt cầu thì nông sản giảm giá.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường không nở ra, cầu không tăng mà cung tăng thì ắt phải giảm giá và câu chuyện giải cứu nằm ở khúc cua của quy luật thị trường khi bị mất cân bằng cung với cầu. Vì vậy, sản phẩm chế biến là giải pháp để giải quyết vấn đề cung vượt cầu hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, về phía quản lý nhà nước cũng phải cùng doanh nghiệp để kết nối thị trường hoặc có những nghiên cứu nhà nước về khoa học công nghệ để các doanh nghiệp thị trường hóa nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp để tiếp cận logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến tạo ra kinh tế nông thôn. Mặc dù quy mô có nhỏ nhưng giải quyết được mùa vụ ngay vùng nguyên liệu, từ những sản phẩm đó đưa về các doanh nghiệp lớn để tinh chế sâu hơn thì tạo ra hệ sinh thái hài hòa, tạo ra được nhiều việc làm khu vực nông thôn từ câu chuyện chế biến, sơ chế nông sản.
“Sản phẩm chế biến giải quyết được hai việc đó, một là bớt cung đi, thay vì bán cả vườn thì chúng ta bớt lại sản phẩm đó. Nguyên tắc giá cả là thể hiện sự khan hiếm của hàng hóa, ít thì giá tăng, nhiều thì giá giảm, đó là bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều chỉnh câu chuyện đó. Thành ra câu chuyện không chỉ giúp tạo ra giá trị gia tăng cho một ngành hàng nông sản, mà chúng ta giúp phát triển các ngành nông sản đi vào quy luật chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Việt Nam hiện đang xếp thứ 17 về xuất khẩu nông lâm thủy sản trên thế giới, kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD. Tuy nhiên, mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của thế giới. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ của thị trường còn nhiều dư địa để Việt Nam khai thác, hướng tới./.
Từ khóa: nông sản, chê biến nông sản, sơ chế nông sản, nông lâm thủy sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN