Đầu xuân gặp gỡ nhà thơ đặc biệt ở Trường Sa
Cập nhật: 22/01/2023
VOV.VN - 5 năm qua, người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã quen với hình ảnh thầy giáo Nguyễn Hữu Phú ngày ngày đứng lớp. Tuy nhiên, không nhiều người biết thầy Phú còn là một nhà thơ "nặng lòng" với Trường Sa.
PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Hữu Phú, gần đây nhà thơ có sáng tác mới nào về Trường Sa không?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Ở đây luôn luôn có những cảm xúc, câu chuyện để kể… Gần đây nhất là bài "Ba là niềm kiêu hãnh mãi trong con", tôi viết tặng anh Sơn (trung tá Nguyễn Xuân Sơn, cán bộ công tác trên đảo Song Tử Tây – PV). Tháng 7 năm ngoái tôi đi tàu và ở chung phòng với anh ấy, được nghe anh chia sẻ về những cảm xúc lúc xa gia đình, năm nay ăn Tết ở đảo… Bài thơ có đoạn "Có những lúc con cảm thấy rất tủi thân/Vì chẳng được như gia đình các bạn/Nhưng nghĩ lại con tự hào hơn cả/Vì có ba là một anh hùng…" Các bài khác nội dung chủ yếu là về cuộc sống của tôi, của người dân, cán bộ và chiến sĩ trên đảo.
PV: Vậy bài thơ "Ba là niềm kiêu hãnh mãi trong con" đã là sáng tác thứ bao nhiêu của anh về các câu chuyện ở Trường Sa?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Quả thực tôi cũng không nhớ chính xác vì nhiều quá, chắc khoảng 80 sáng tác, có cả thơ, tản văn và một số ghi chép nữa. Đó là chưa kể nhiều tác phẩm còn đang dang dở. Tôi cũng đang tập hợp lại và chăm chút thêm để cố gắng xuất bản một tập thơ đầu tiên cho riêng mình.
PV: Anh bắt đầu làm thơ từ khi nào, có phải khi bắt đầu đến Trường Sa?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Thực ra hồi đi học, điểm môn Văn của tôi rất kém. Sau đó vì hoàn cảnh khó khăn nên việc học hành cũng bị gián đoạn nhiều năm. Mãi đến năm 2015 tôi mới tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành Sư phạm tiểu học. Đến năm 2017 tôi mới có một vài sáng tác đầu tiên về những tâm sự của bản thân, gia đình, biến cố trong cuộc sống…
Năm 2018 tôi lần thứ 2 viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác và được chấp thuận. Cũng trong năm đó tôi có ghi chép đầu tay về Trường Sa, sau hải trình 22 ngày từ đất liền ra đảo. Bài thơ đầu tiên ở Trường Sa tôi viết về mẹ, vì ra đến đảo mới thấy nỗi nhớ gia đình thật sự khắc khoải.
PV: Vậy những sáng tác tiếp theo ở Trường Sa đã đến như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Ở đảo gần 5 năm, tôi gặp gỡ rất nhiều người và được nghe nhiều câu chuyện xúc động. Cuộc sống trên đảo tuy còn khó khăn nhưng mọi người sống với nhau rất tình cảm. Ý thơ có thể đến từ cảm xúc tiễn người đi ở cầu cảng, khi cùng một chiến sĩ đi nhặt vỏ ốc làm cây hoa tặng con gái, hoặc lúc nghe tin có mưa bão ở quê nhà… Cũng có rất nhiều niềm vui, nhất là dịp Tết đến xuân về như những ngày này. Đó chính là những chất liệu để sáng tác.
Ngoài kể câu chuyện của người khác thì tôi cũng có trải nghiệm của riêng mình. Với nghề giáo thì ban đêm tôi thường thức khuya để đọc sách, soạn giáo án… nên những lúc đó cảm xúc thường dâng trào. Cũng vì thế mà tôi dự định đặt tên tập thơ của mình là "Những ký âm đêm".
PV: Tôi thấy anh có viết cả thơ tình. Đó có phải là trải nghiệm riêng mà anh vừa nhắc tới không?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: (cười) Đúng vậy, nhắc tới nhà thơ thì người ta lại nói đến "nàng thơ". Trước đây tôi cũng có cảm xúc với một người con gái là bạn đồng học, khi còn ở đất liền, nhưng cũng chưa đi tới đâu… Hiện tại thì tôi không làm thơ để gửi gắm đến ai mà chỉ viết cho những tâm tư của mình thôi, chủ yếu vẫn gắn với Trường Sa. Như bài "Xuân về trên lối nhỏ" là cảm xúc của chính tôi, một người con nơi xa Tết không được về nhà, hình dung lại kỷ niệm, khung cảnh đường phố trang hoàng cờ hoa các dịp Tết trước đây.
PV: Có mối quan hệ nào giữa việc sáng tác và nghề dạy học không?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Trong chương trình tiểu học thì môn Tiếng Việt chiếm nhiều thời lượng. Khi nghiên cứu bài giảng, bài văn, bài thơ về môn Tiếng Việt này tôi cũng nghiên cứu thêm cách dùng từ, câu cú sao cho bài thơ "chắc" hơn. Ngoài ra nghề giáo đòi hỏi phải đọc rất nhiều, nên tôi cũng dành nhiều thời gian đọc các tác phẩm thơ văn trong nước và nước ngoài.
Ngược lại thơ văn cũng giúp bài giảng của tôi trở nên sinh động hơn. Như khi giảng về tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo thì tôi cũng dùng vài ý thơ để làm ví dụ… Tôi cũng dạy học sinh các bài thơ về Trường Sa, về biển đảo để các em đọc trong các dịp lễ, Tết hoặc khi trở về đất liền sẽ tiếp tục lan tỏa tới bạn bè.
PV: Vậy anh có là "fan" của nhà văn hay nhà thơ nào không?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Tôi đọc nhiều lắm, không riêng thể loại nào. Các tác giả trong nước thì có Nguyễn Nhật Ánh, Nam Cao, Đoàn Thạch Biền… Có lẽ thích nhất là thể loại trào phúng, như tác phẩm "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng.
Bây giờ có công nghệ, mạng xã hội thì tôi còn giao lưu với các nhà thơ không chuyên ở khắp cả nước. Trong các cộng đồng đó, những người yêu văn thơ cùng nhau trò chuyện và chia sẻ rất vui.
PV: Ngoài dự án tập thơ đầu tay, anh còn dự định gì trong năm mới 2023 này?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Phú: Năm 2023 tôi sẽ rời đảo, về công tác trong đất liền. Chắc chắn sẽ rất nhớ học sinh và cuộc sống ở đảo, hi vọng các em học tập tốt, chăm chỉ và tiến bộ hơn. Về phần mình, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục dạy ở một trường tiểu học, mong rằng công việc thuận lợi. Với tập thơ đầu tay, kế hoạch của tôi là xuất bản ngay trong mùa hè năm nay.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hữu Phú./.
Từ khóa: nhà thơ ở Trường Sa, nhà thơ Nguyễn Hữu Phú, thầy giáo trên đảo Song Tử Tây
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN