Đầu tư từ ngân sách hiệu quả, tạo nền tảng cho giai đoạn 2020-2025
Cập nhật: 29/10/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Hiệu quả từ đầu tư ngân sách còn thấp, chất lượng tăng trưởng đầu tư chưa cao, nợ phải trả… là những áp lực kinh tế cần giải quyết trong năm 2020.
Từ hôm nay (30/10) đến 1/11, Quốc hội sẽ truyền hình, phát thanh trực tiếp các buổi thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường.
Cụ thể, các đại biểu dành 3 ngày để thảo luận và nghe Chính phủ giải trình về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Cùng với đó là thảo luận về đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Kinh tế tăng trưởng tốt dù có “rung lắc” chính trị thế giới
Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tất cả các chỉ tiêu KT-XH, ngân sách nhà nước được Quốc hội đặt ra cho năm 2019, Chính phủ đều hoàn thành. Trong đó có 12 chỉ tiêu tăng trưởng khá.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá: “Đến giờ phút này, chúng tôi có thể tin tưởng là chúng ta sẽ hoàn thành được 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2019, với tốc độ tăng trưởng cao khả năng là trên 6,8%. Theo dự báo của nhiều tổ chức thì khả năng chúng ta đạt trên 7%. Như vậy đã 4 năm liên tiếp tiếp chúng ta thấy tốc độ tăng trưởng tăng liên tục từ 6,2% lên 6,8% và 7,08%. Nnăm nay chúng ta tiếp tục đà tăng trưởng khoảng 7% nữa”.
Như vậy kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức tăng trưởng 6,5% - 7% giai đoạn 2016 – 2020 đã hoàn thành nhiệm vụ, nhất là tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điểm then chốt cho kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm vừa qua.
“Mặc dù có những thách thức tác động từ bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn kinh tế thế giới liên tục điều chỉnh giảm trong năm năm 2019. Tuy nhiên những “rung lắc” chính trị đó không làm cho kinh tế Việt Nam suy giảm mà vẫn tăng trưởng đạt chỉ tiêu. Đấy là một điểm nổi bật”, đại biểu TPHCM phân tích.
Ông Ngân cũng cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động rất lớn đến kinh tế và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam là điểm giữa. “Chúng ta là xuất siêu sang Mỹ và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. Cho nên chúng ta cân bằng cán cân thương mại của mình và tiếp tục xuất siêu. Vấn đề còn lại là làm sao chúng ta tăng tốc nhanh hơn mà lại bền vững”, đại biểu Ngân nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) |
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhận định bức tranh kinh tế năm 2019 có nhiều điểm sáng, với 12 chỉ tiêu khá tích cực, vượt mốc 7 năm, tạo tiền đề tăng trưởng tốt cho năm 2020.
“Muốn giữ vững đà tăng trưởng, chúng ta cần tập trung những giải quyết những điểm nghẽn và phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những động lực quan trọng là kinh tế tư nhân, khu vực dân doanh mà chúng ta thấy dư địa còn phát triển rất nhiều. Đó cũng là chúng ta thực hiện Nghị quyết số 10 của Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế”, ông Tùng kiến nghị.
Kinh tế tươi sáng nhưng có không ít nguy cơ
Nhìn nhận bức tranh kinh tế tươi sáng năm 2019 cũng như giai đoạn 2016-2020, các ĐBQH vẫn chỉ ra những điểm hạn chế có khả năng làm kìm hãm sự phát triển nền kinh tế một cách bền vững như hiệu quả từ đầu tư ngân sách rất thấp, chất lượng tăng trưởng đầu tư, nợ phải trả…
Một trong những nguyên nhân mà báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra là giải ngân vốn đầu tư chậm, sử dụng những nguồn vốn vay chưa đạt hiệu quả cao và một số vấn đề liên quan tới chất lượng đầu tư, chất lượng tăng trưởng chưa cao; Nền kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều sản phẩm sơ chế thô, chưa có những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, chiếm tỷ trọng lớn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) |
Thêm vào đó, về tình hình ngân sách, tuy vấn đề nợ công và các chỉ tiêu liên quan tới nợ công được kiểm soát và có chiều hướng giảm, tuy nhiên việc kiểm soát này có bền vững được hay không còn dựa vào nhiều yếu tố.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM), chúng ta thấy rằng đỉnh nợ sẽ rơi vào năm 2020. Điều này gây áp lực khá lớn cho ngân sách và cân đối ngân sách chung, đặc biệt là ngân sách cho đầu tư phát triển.
“Do đỉnh nợ rơi vào năm 2020, cho nên cần huy động nguồn lực lớn trong xã hội, kể cả ngân sách phải tập trung cho trả nợ, khiến cơ cấu đầu tư trong cơ cấu chung sẽ bị hạn chế, dẫn tới những hệ lụy phát triển sau này. Bởi vì đầu tư mang tính độ trễ. Vì có độ trễ mà chúng ta tập trung nguồn lực cho trả nợ nhiều, sẽ khiến nguồn lực đầu tư phát huy kém hiệu quả về những năm sau”, đại biểu Trần Anh Tuấn phân tích.
Bức tranh kinh tế phát triển tích cực nhưng còn có nhiều vấn đề còn phải lo lắng như chất lượng tăng trưởng đầu tư, nợ phải trả trong năm 2020 dồn vào đó… có thể dẫn tới những sự kém bền vững về sau.
“Nếu nhìn một cách tổng thể việc phân bổ ngân sách, chúng ta thấy rằng, những vùng tạo động lực phát triển lớn, thì tỷ lệ đầu tư chưa đúng mức. Ví dụ như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tạo ra trên 40% GDP cho cả nước mà đầu tư chỉ chiếm 27%. Đề nghị Chính phủ cân đối phát triển hài hòa để tạo động lực và duy trì tăng trưởng, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách về sau”, đại biểu Tuấn kiến nghị./. Vốn FDI “rót” nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Từ khóa: đầu tư ngân sách, nợ công, kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN