Đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội
Cập nhật: 08/01/2021
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
Các địa phương miền Bắc khẩn trương các biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi (29/11/2024)
[VOV2] - "Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ đặt ra vấn đề làm thế nào vừa xiết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước nhưng khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám hành động vì lợi ích chung trong cán bộ, đảng viên".
Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã thu được kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, không ít người lại bày tỏ lo ngại, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ thui chột tính đổi mới, sáng tạo của một số cán bộ, đảng viên. Vậy đây có phải là vấn đề đáng suy ngẫm? Phóng viên VOV2 đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này.
Thưa ông! Qua nghiên cứu và từ thực tế, ông đánh giá như thế nào về kết quả của công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua?
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thì Đảng ta quan tâm từ lâu rồi. Từ thời bác Hồ, Bác đã chỉ ra rằng tệ nạn tham nhũng được ví như giặc nội xâm, nguy hiểm lắm. Đảng ta cũng xác định tệ nạn tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ có thể dẫn đến sự tồn, vong của Đảng và chế độ. Cho nên từ lâu, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, có thể trong nhiệm kỳ XII của Đảng, chính xác hơn là từ sau Hội nghị Trung ương V, khóa XI, khi Ban chấp hành Trung ương quyết định kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là một Ban trực thuộc Bộ Chính trị và đích thân đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban thì có thể nói, trong mấy năm qua công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Chính việc đó đã củng cố và tăng cường niềm tin của người dân vào Đảng.
Trước đây chúng ta nói là không có “vùng cấm” và chúng ta đã làm được một số kết quả tốt nhưng bây giờ, rõ ràng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Đảng nói thế nào thì chúng ta làm đúng như thế nên nhân dân tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào Nhà nước.
Có ý kiến lo ngại, sự quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng sẽ làm thui chột tính sáng tạo của một bộ phận cán bộ đảng viên vì họ sợ làm sai. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Đây là một trong những vấn đề Đảng ta đặt ra. Đó là làm thế nào để vừa xiết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước nhưng phải khơi dậy, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Đây là vấn đề đặt ra mà chắc chắn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ bàn rất kỹ về vấn đề này. Thế còn chuyện có người nói rằng nếu chúng ta đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ cản trở phát triển kinh tế, làm cho nhiều người sợ, ngồi im có đúng hay không? Theo quan điểm của tôi, quan điểm đó hoàn toàn không đúng. Tôi có thể chứng minh bằng những con số. Đó là tại sao trong nhiệm kỳ này chúng ta đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt như vậy nhưng có ảnh hưởng phát triển kinh tế đâu. Kinh tế của chúng ta liên tục phát triển với tốc độ cao. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đạt 6,21%; năm 2017 là 6,81%; năm 2018 là 7,04%; năm 2019 cũng gần 6,8%. Chỉ riêng năm 2010, do dịch covid-19 mà cả thế giới bị đảo lộn thì chúng ta tằng trưởng gần 3%. Tuy nhiên, gần 3% này thì chúng ta cũng là một trong rất ít các nước có tốc độ tăng trưởng dương. Vậy thì ai dám nói rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh thì ảnh hưởng đến kinh tế?! Đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh còn góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì sao? Vì chúng ta đấu tranh quyết liệt với tham nhũng thì đã cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe được. Nhiều người định tham nhũng đã phải rụt tay lại.
Thứ hai, qua đấu tranh chống tham nhũng chúng ta lại kịp thời phát hiện được cơ chế của chúng ta, chính sách của chúng ta, thể chế của chúng ta có cái gì bất cập, cái gì hở, chỗ nào hổng mà những người tham nhũng lợi dụng khe kẽ này thì chúng ta bịt lại. Thế cho nên cơ chế chính sách của chúng ta liên tục được bổ sung, sửa đổi là vì vậy.
Thứ ba, thông qua các vụ án, như tổng kết 8 năm phòng chống tham nhũng vừa rồi, những con số cho thấy mặc dù chúng ta thu hồi chưa hết nhưng không hề nhỏ. Cho nên, những ai nói đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển về kinh tế, ảnh hưởng hay trì trệ…thì những quan điểm đó là không đúng.
Thưa ông! Bộ Chính trị đã có nghị quyết 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo ông, chúng ta cần làm gì để bảo vệ những kết quả tốt đẹp đã đạt được?
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35 về kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể nói, những thế lực thù địch chả có lúc nào không chống phá Đảng nhưng mà phải thấy rằng càng gần đến Đại hội Đảng toàn quốc của nó càng tinh vi hơn nhiều. Chính vì vậy chúng ta phải chủ động chúng ta phải cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, những phần tử cơ hội chính trị. Vậy nói bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là gì? Đó chính là bảo vệ cương lĩnh, bảo vệ điều lệ của Đảng, bảo vệ đường lối đổi mới của Đảng, bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Nói rộng ra, đó là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Vì thế, chúng ta phải hết sức chủ động cảnh giác, đề phòng và kiên quyết phản bác và đấu tranh với những quan điểm sai trái, quan điểm thù địch.
Xin cảm ơn ông!
Từ khóa: Phòng chống tham nhũng, Đại hội Đảng, ông Nguyễn Đức Hà, vùng cấm
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2