Đau nửa sọ mặt, bệnh gì?
Cập nhật: 31/03/2020
Nước ép hành tây có tốt cho bệnh đau dạ dày?
TPBVSK Gumar Plus lần thứ 3 liên tiếp nhận Huy chương Vàng vì sức khỏe cộng đồng
VOV.VN - Nhiều người đến gặp bác sĩ vì thấy đau nhức dữ dội vùng ½ sọ mặt một bên.
Ban đầu, người bệnh thấy đau ở tai, có thể ở vùng gáy sau tai, vùng trán, vùng da mặt… cảm nhận đau có thể ở nhiều mức độ khác nhau, tuy nhiên khi đã phải tìm đến với thầy thuốc thường là khi người bệnh đã có những cảm giác đau đến không ăn không ngủ được. Vậy đó là bệnh gì?
Những vùng có thể bị đau khi mắc hội chứng đau nhức sọ mặt |
“Hội chứng đau nhức sọ mặt”
Cảm giác đau này xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân vì vậy được xếp thành “Hội chứng đau nhức sọ mặt”. Các nguyên nhânbao gồm các bệnh lý có liên quan đến các dây thần kinh vùng sọ mặt như dây thần kinh V, IX, X. Trong đó dây thần kinh V chi phối cảm giác các xoang mặt, vùng mặt, da đầu, đáy sọ. Dây IX, X chi phối cho vùng họng và tai. Đau dây thần kinh V thường gặp hơn dây IX, X. Dây thần kinh V là dây thần kinh hỗn hợp. Các nhánh vận động của dây V chi phối tất cả các cơ nhai, còn các nhánh cảm giác của nó thì chi phối cảm giác các vùng trên mặt và khoang miệng.
Đau dây IX đảm nhận vùng lưỡi, miệng và họng, đau ít gặp hơn, thường gặp ở người lớn > 60 tuổi, cảm giác đau rát họng, lưỡi 1 bên, nguyên nhân thường do Zonna vi rút.
Biểu hiện có thể bạn cảm nhận được là các cơn đau dữ dội như dao đâm hoặc có thể cảm thấy như bị điện giật,cảm giác nóng rát. Các cơn đau tự phát hoặc bị kích hoạt bởi những thứ như: chạm vào mặt, nhai, nói hoặc đánh răng...
Vị trí đau: má, hàm, răng, lợi, môi,amydal, ở ống tai ngoài, đáy lưỡi, lan tỏa về phía tai và góc hàm, sau gáy có thể cả mắt và trán. Thường người bệnh thấy đau tăng lên khi nuốt, ho, xoay đầu, rất hiếm đau khi nói, há miệng và nhai. Đau có thể kèm theo ho, tăng tiết nước bọt, loạn nhịp tim (ngất, hạ huyết áp). Đau tập trung tại một điểm hoặc lan rộng hơn, thường ở bên trái. Cơn đau kéo dài từ vài giây đến vài phút, hoặc đau dai dẳng, kéo dài nhiều ngày, vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn.
Khi người bệnh đến khám, bác sĩ sẽ hỏi kỹ về tính chất cơn đau mà người bệnh mô tả như: cách thức xuất hiện cơn đau, thời điểm đau, vị trí đau. Thày thuốc cũng sẽ thăm khám trực tiếp, khám tai mũi họng, mắt, thần kinh… và cũng có thể sử dụng một số phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) chụp hệ mạch…. Từ đó, kết luận bệnh và đưa ra phương án điều trị.
Những ai hay bị cơn đau ½ sọ mặt?
Chúng ta cần biết yếu tố này để cẩn thận phòng tránh và nhận biết khi mắc phải. Những người hay bị cơn đau nửa vùng sọ mặt là những người hay bị viêm nhiễm vùng tai mũi họng: hay viêm nhiễm vùng tai mũi họng: viêm mũi xoang, Zonna vi rút, hội chứng cổ, cơ địa dị ứng; những người mới bị chấn thương vùng sọ mặt, những người bị viêm nhiễm vùng mắt, hay có các khối u vùng mũi, xoang, tai, họng như ung thư tai, ung thư sàng hàm, ung thư vòm, ung thư amiddan, ung thư thanh quản, ung thư hạ họng…; hoặc những người mà cơ thể đang có các thay đổi về nội tiết như: tiền mãn kinh, sau mổ cắt tuyến giáp.
Điều trị ra sao?
Bạn đừng quá lo lắng vì sau khi thăm khám, kết luận, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp , thường chủ yếu điều trị nội khoa bằng các thuốc: thuốc chống co giật, làm giãn cơ, an thần hoặc tiêm botox.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, hoặc châm cứu, hoặc trị liệu thần kinh cột sống và vitamin hoặc liệu pháp dinh dưỡng.
Biện pháp phòng bệnh
Như đã nêu trên, những người có nguy cơ mắc bệnh cần cảnh giác chữa triệt để những bệnh ban đầu. Cần điều trị triệt để khi bị viêm nhiễm vùng tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt…; phẫu thuật sớm các khối u; bổ sung nội tiết tố phù hợp trong tiền mãn kinh, sau phẫu thuật tuyến giáp đặc biệt là sau cắt toàn bộ tuyến giáp./.
Từ khóa: Hội chứng đau nhức sọ mặt, đau nửa sọ mặt, đau ở tai, đau ở vùng gáy sau tai, đau vùng trán
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN