Đau nhức xương khớp hậu Covid-19
Cập nhật: 23/03/2022
Chồng đã ngoại tình còn ngang nhiên mang tiền cho gái
Vợ đẹp, con ngoan nhưng tôi vẫn muốn "qua lại" với người yêu cũ
[VOV2] - Cùng với các di chứng về hô hấp, tim mạch hay tâm thần, đau nhức cơ xương khớp hậu Covid-19 cũng là một vấn đề lớn ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Lần thứ 2 mắc Covid-19, chị Trần Mai Vy ở Cầu Giấy, Hà Nội thấy sức khỏe suy yếu hơn lần 1, các triệu chứng của bệnh diễn tiến nhanh khiến chị không kịp chống đỡ. Chị Vy có biểu hiện ớn lạnh, sốt, ho và đau mỏi người, không thể ngồi dậy để làm vệ sinh cá nhân.
Những tưởng sau khi hết sốt, cảm giác đau ê ẩm người sẽ đỡ, thế nhưng đã kéo dài suốt một tháng nay, kể cả khi đã test nhanh âm tính trở lại. Điều này ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động hàng ngày của chị Vy.
“Sau khi âm tính thì vẫn còn nhiều di chứng hậu covid, cái đầu tiên là khi đi lên cầu thang thì cảm thấy hụt hơi, ho nhiều và vẫn đau mỏi cơ, nhất là khi mới ngủ dậy cảm giác các cơ nó mỏi nhừ và người uể oải..;chủ yếu đau thắt lưng, đầu gối và vai." Chị Vy chia sẻ
Để cải thiện tình trạng đau nhức mỏi hậu Covid-19 chị Vy cũng đã thử tập các bài tập vùng thắt lưng và uống bổ sung thêm thực phẩm chức năng tuy nhiên tình trạng cải thiện rất chậm.
Còn bà Lê Tuyết Mai, 77 tuổi ở Hà Nội đã khỏi Covid-19 được gần tháng nhưng các cơ vùng chi vẫn luôn cảm thấy yếu mỏi, rã rời. Được biết trước đó bà Mai có tiền sử tai biến mạch máu não, khi mắc Covid-19 bà phải điều trị thở máy 2 tuần. Sau khi ra viện, bà Mai không tự sinh hoạt bình thường mà cần có sự trợ giúp của con cái
Theo BS Trần Nam Chung – Phó trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E, hiện tượng đau, nhức, mỏi cơ xương khớp ở bệnh nhân hậu Covid-19 khá phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân hậu Covid-19 có các di chứng về cơ xương khớp, nhiều trường hợp đau mỏi kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Di chứng đau nhức xương khớp ghi nhận cả hai nhóm bệnh nhân, gồm những người trước đó chưa từng bị các bệnh lý về cơ xương khớp và những người đang điều trị bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp...Nhiều trường hợp, trước đó những bệnh nền này đã được kiểm soát ổn định, song sau khi mắc Covid-19, người bệnh rơi vào đợt bùng phát bệnh mới, rầm rộ hơn. Xương khớp người bệnh dễ bị tổn thương hơn, tăng mức độ nặng của bệnh, điều chỉnh thuốc cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là bệnh nhân viêm khớp tự miễn đang sử dụng thuốc sinh học. Nhiều trường hợp có thể tự khỏi sau vài ngay nhưng cũng có những trường hợp đau nhức kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Để giảm thiểu tình trạng đau nhức cơ xương khớp hậu Covid-19, BS Trần Nam Chung khuyến cáo người bệnh cần lưu ý 3 điểm chính:
-Với những người bị đau nhức xương khớp, có nhiều cách giảm đau từ chườm, bôi thuốc, uống thuốc đến các phương pháp trị liệu bảo tồn không dùng thuốc không xâm lấn như trị liệu nắn chỉnh cột sống, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Các phương pháp điều trị bảo tồn này đều có mục đích là phục hồi khả năng vận động, tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện sức khỏe tinh thần do di chứng hậu Covid-19 để lại.
-Bên cạnh đó, giữ cho hệ hô hấp ổn định sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông tối đa, hỗ trợ quá trình phục hồi đau xương khớp diễn ra thuận lợi và hiệu quả, cải thiện tình trạng thở gấp hoặc khó thở, người bệnh có thể tập thở theo 2 bài tập thở phổ biến như thở cơ hoành và thở mím môi.
- Người bệnh có thể tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất và hợp lý, bổ sung đủ nước, chất xơ protein, tinh bột và vitamin trong rau xanh và trái cây. Hạn chế ăn đường. Không uống rượu, cafe, trà vì có thê gây khó ngủ. Lưu ý không hút thuốc vì gây hại cho phổi - cơ quan bị suy yếu nhất sau quá trình chống chọi với virus SARS-CoV-2.
Từ khóa: Covid-19, hậu covid-19, đau nhức cơ xương khớp, BS Trần Nam Chung, Bệnh viện E
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2