Đâu là cuộc chiến “cay đắng” nhất giữa đế chế Nga và đế chế Anh?

Cập nhật: 28/10/2019

VOV.VN - Suốt hàng thế kỷ, đế chế Nga và Anh là kẻ thù của nhau, nhưng 2 bên hiếm khi chạm mặt trên chiến trường mà thường thích dẫn đầu chiến tranh ủy nhiệm.

Cuộc chiến 7 năm (1756-1763)

Đối đầu với nhau ở một trong cuộc chiến đẫm máu nhất của thế kỷ 18, đế chế Nga và Anh lại chưa bao giờ thực sự chạm mặt nhau trên chiến trường trong giai đoạn này. Trong khi Anh chiến đấu chống lại kẻ thù truyền thống là Pháp trên bộ, trên biển, thì đồng minh của họ - Vua Phổ Frederick Đại Đế lại đang đối phó với người Nga và người Áo.

dau la cuoc chien "cay dang" nhat giua de che nga va de che anh? hinh 1
Sự thất thủ của pháo đài Kolberg năm 1761 trước lính Nga. Ảnh: RBTH

Khi nước Phổ suy tàn đang trên bờ vực sụp đổ năm 1761, điều được gọi là “sự kỳ diệu của Ngôi nhà Brandenberg” đã xảy ra. Peter đệ tam kế thừa ngôi vị sau khi Nữ hoàng Elizabeth của Nga qua đời. Peter đệ tam, một người gốc Phổ và rất ngưỡng mộ Frederick Đại Đế, đã ngay lập tức thỏa thuận hòa bình với Phổ và trả lại vùng đất Đông Phổ mà Nga đã chinh phục, đưa mọi cố gắng của đế chế Nga về con số 0.

Dù Peter đệ tam sớm bị lật đổ sau đó, nhưng chiến tranh đối với nước Nga đã kết thúc. Mất hơn 130.000 binh sỹ và chẳng đạt được điều gì ngoại trừ vị thế quân sự lớn. Về phần mình, Vương quốc Anh lại trở thành “siêu cường thuộc địa” lớn nhất.

Chiến dịch Ấn Độ của Nga (1801)

Cuộc chiến chung kéo dài của Nga và Anh chống lại Napoleon và cuộc cách mạng Pháp bị ngắt quãng năm 1800 vì Malta bé nhỏ. Giải phóng được hòn đảo khỏi Pháp, Anh đã giữ lại cho riêng mình thay vì trả lại cho Các Hiệp sỹ Malta.

Hoàng đế của Nga lúc này là Paul đệ nhất, coi đây là một sự sỉ nhục cá nhân. Thay đổi chính sách ngoại giao một cách chóng mặt, ông kết bạn với cựu thù là Napoleon và cùng Pháp tiến hành chiến dịch chung vào Ấn Độ - nguồn thịnh vượng chính của đế chế Anh.

22.000 lính Cozak được gửi tới Ấn Độ, cùng với quân đội chung Nga-Pháp 70.000 người dưới sự chỉ huy của André Masséna. Tuy nhiên, ngày 23/3/1801, Paul đệ nhất bị ám sát trong một sự kiện mà Anh đóng một vai trò lớn. Người kế vị, Alexander I đã ra lệnh cho lính Cozak quay trở về và ngay lập tức khôi phục quan hệ đồng minh với Anh.

Cuộc chiến Anh-Nga (1807-1812)

Ngày 14/6/1807, Napoleon đánh bại quân đội Nga trong Trận chiến Friedland, Nhà vua Alexander I bị buộc phải ký hiệp ước hòa bình với Pháp và tham gia cuộc “Cấm vận lục địa” nhằm làm tê liệt thương mại Anh.

dau la cuoc chien "cay dang" nhat giua de che nga va de che anh? hinh 2
Tàu Vsevolod của Nga bị phá hủy ngay trước mắt Hạm đội Nga trên Vịnh Rogerwick năm 1808. Ảnh: RBTH

Suốt vài năm, Nga và Anh đụng độ nhau ở biển Baltic và Bạch Hải. Anh tấn công và bắt giữ tàu hàng, tàu chiến, cướp phá các vùng ven biển Nga và cố gắng phong tỏa các cảng biển của Nga. Tuy vậy, sự đối đầu chưa bao giờ bị đẩy đến một trận hải chiến quy mô lớn mà chỉ hạn chế ở các cuộc đụng độ riêng biệt.

Sự thù địch lên tới cao trào trong cuộc chiến giữa Nga với Thụy Điển được Anh hậu thuẫn, với kết quả là Thụy Điển để mất Phần Lan. Kể từ 1811, người Nga và người Anh đã có các cuộc đàm phán bí mật để dỡ bỏ cấm vận - điều đã gây thiệt hại cho cả 2 bên. Với cuộc xâm lược của Napoleon vào Nga năm 1812, cuộc chiến không cần thiết này cuối cùng cũng chấm dứt.

Chiến tranh Crimea (1853-1856)

Giữa thế kỷ 19, đế chế Nga đã có tầm nhìn về việc lợi dụng sự suy yếu của Đế chế Ottoman để giành được ảnh hưởng lớn ở Balkans. Tuy nhiên, những ý định như vậy lại bị liên minh gồm Anh, Pháp và Vương Quốc Sardinia phản đối.

Bất chấp cái tên của nó, cuộc chiến tranh này lại không chỉ xảy ra ở Crimea, mà còn ở Balkans, Biển Baltic, vùng bắc Nga và thậm chí là Viễn Đông Nga. Sau 3 năm, Nga đã vấp phải thất bại cay đắng trong cuộc xung đột này.

Cuộc chiến đã làm tổn hại nghiêm trọng vị thế của Nga trên trường quốc tế, chưa kể việc để mất quyền triển khai hạm đội trên Biển Đen. Mặt khác, chính thất bại này đã thúc đẩy nhà cầm quyền ở Nga tiến hành cải cách kinh tế, quân sự quy mô rộng ở nước này.

Ván cờ lớn

Thế kỷ 19, toàn bộ vùng Nam Á và Trung Á trở thành đấu trường cho sự xung đột giữa đế chế Nga và đế chế Anh. Hai bên “đấu” với nhau về chính trị, ngoại giao, tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và gián điệp

Để không khiến cuộc “chiến tranh lạnh” kỳ quái này trở thành sự thù địch công khai, Nga và Anh tránh thiết lập các đường biên giới chung mà luôn để lại một vùng đệm giữa họ.

Khi những nguy hiểm xuất phát từ đế chế Đức bắt đầu hiện rõ vào đầu thế kỷ 20, hai nước đối đầu mới vượt qua những bất đồng và tiến hành hợp tác trong khuôn khổ Bộ 3 liên minh (cùng với Pháp). Trọng tâm thay đổi từ châu Á sang châu Âu, nơi Thế chiến I đã ở ngay trước cửa.

Sự can thiệp của đồng minh vào Nga

Năm 1917, suy yếu vì sự hỗn loạn của Nội chiến, Nga trở thành “miếng mồi” cho các nước ngoài. Chính thức tuyên bố ủng hộ phong trào Bạch vệ trong Nội chiến và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Bolshevik, cuộc can thiệp vào Nga tập trung vào quân sự và chính trị nhằm tìm cách làm suy yếu và loại nước Nga khỏi trường quốc tế trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm sau đó.

dau la cuoc chien "cay dang" nhat giua de che nga va de che anh? hinh 3
Binh sỹ Anh ở Vladivostok. Ảnh: RBTH.

Sự tham gia của Anh là lớn nhất trong cuộc can thiệp của Đồng minh. Cùng với Canada và Australia, Anh gửi 40.000 quân tới Nga, kiểm soát các cảng biển và thành phố chính ở miền bắc, nam và đông nước Nga.

Các nước trong khối đồng minh không muốn xung đột công khai với Bolshevik mà muốn đóng vai trò như “khán giả” hơn. Khi phong trào Bạch vệ thất bại trước Hồng quân và sự bất bình với cuộc can thiệp dâng cao, thì các nước trong khối đồng minh mới rút các lực lượng viễn chinh. Đến mùa hè 1920, không còn binh sỹ Anh nào ở nước Nga./.

Từ khóa: cuộc chiến Nga-Anh, đối đầu Nga-Anh, đế chế Nga, đế chế Anh, đồng minh can thiệp vào Nga

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập