Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng biến chứng nặng

Cập nhật: 08/06/2022

VOV.VN - Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc và biến chứng nặng ở trẻ.

Theo thống kê, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, tại bệnh viện ghi nhận 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Bé Hoàng Nam (15 tháng tuổi) sốt cao 39-40 độ không hạ. Bé thường xuyên quấy khóc, đau miệng, không ăn được. Lo lắng, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Người nhà bệnh nhi chia sẻ, chỉ nghĩ con bị sốt thông thường, nhiệt miệng không ăn được, chứ không biết con mắc bệnh tay chân miệng.

Còn bé Nguyễn Thuỳ Anh (31 tháng tuổi) nhập viện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 5 của bệnh, trong tình trạng sốt cao, đau rát miệng. Khi thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác mụn nước đã khô. Bé được làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Hiện sau 3 ngày điều trị, trẻ hết sốt và đã có thể ăn được.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện như: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, có một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý thì rất khó phát hiện.

“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”- Bác sĩ Hải lưu ý.

BS Hải cũng cho biết hiện có 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng. Cụ thể

Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Chuyên gia y tế này cho biết, trước đây, đã có nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo một cách đáng tiếc. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.

Theo BS Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, gia đình cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay, vệ sinh sạch sẽ.

- Cách ly khi trẻ mắc bệnh.

- Sau 10 ngày trẻ hết lây bệnh, mới được cho trẻ đi học.

- Vệ sinh đồ đạc.

Về dinh dưỡng, gia đình cần bổ sung món ăn để trẻ dễ dung nạp, có thể cho ăn lỏng hoặc ăn cơm như bình thường.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu thần kinh như nôn, co giật, thay đổi ý thức, phụ huynh phải đưa trẻ đi viện ngay, không nên trì hoãn, tránh chuyển độ bệnh để các bác sĩ khám, điều trị kịp thời.

Chuyên gia y tế cũng cho rằng, các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khoẻ của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đây cũng là 1 biện pháp cần thiết để phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...

Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở./.

Từ khóa: Bệnh tay chân miệng, biến chứng, triệu chứng, phòng bệnh tay chân miệng

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập