Đầu bếp – Người thổi hồn vào những món ăn

Cập nhật: 28/01/2022

[VOV2] - Người ta thường ví von rằng, nấu ăn là một nghệ thuật và đầu bếp là người nghệ sĩ. Để có được những món ăn ngon, sạch, thẩm mỹ cần có đôi bàn tay tài hoa của những người đầu bếp chuyên nghiệp.

Đến với nghề bằng cái duyên và thừa hưởng niềm đam mê từ mẹ, Lê Ngọc Tú, giáo viên trường Trung cấp nghề nấu ăn, nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội vừa đạt giải Nhì trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 chia sẻ về hành trình đến với nghề nấu ăn.

Đam mê thôi chưa đủ

Làm đầu bếp cũng phải có sức khỏe. Với nghề nấu ăn cường độ làm việc rất nặng, phải đứng bếp liên tục, nếu không có sức khỏe sẽ không trụ được.

Tiếp đó là phải nuôi dưỡng được niềm đam mê cũng như làm việc gì cũng phải đặt cái tâm cái sức của mình vào đó thì mời có thể trau chuốt được nghề, cống hiến hết được với nghề. Theo chị Lê Ngọc Tú, trong thời gian 3-4 năm trở lại đây, nghề bếp bắt đầu được vinh danh nhiều hơn. Người ta ví rằng những người đầu bếp cũng giống như những nghệ sỹ và tạo ra những món ăn không những có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn có yếu tố về mặt nghệ thuật rất cao. Vì vậy 1 yếu tố nữa là phải tận tâm tận lực, cống hiến hết cho niềm đam mê của mình.

Phải liên tục làm mới mình

Ngành chế biến món ăn cũng giống như ngành nghệ thuật, phải có sự sáng tạo, có nghĩa là phải thay đổi từng ngày với thị hiếu cũng như là nhu cầu của khách hàng. Chị Tú cho biết: “Có thể với một món ăn truyền thống như vậy ngày hôm nay mình chế biến bằng cách A nhưng ngày hôm sau mình phải sáng tạo nó đi chế biến bằng một cách khác, trình bày bằng một cách khác, có thể thêm vào đó một chút gia vị hoặc là đổi mới nó một chút.”

Việc không ngừng sáng tạo trong nghề nấu ăn là áp lực khá là lớn để những ai theo nghề phải trau dồi về mặt kiến thức, vừa phải trau dồi về mặt kỹ năng với mục đích là tạo ra sản phẩm ngày càng được hoàn thiện hơn.

Khéo tay và tự học hỏi có thể trở thành đầu bếp chuyên nghiệp?

Với những người khéo tay hay có sẵn tố chất thông minh, khi nhìn người khác làm từ 1-2 lần là có thể tự làm được, tuy nhiên đó chỉ là học theo kiểu truyền nghề, còn việc dạy và học nghề lại hoàn toàn khác. “Bạn lên Youtube có thể tải về 1 clip hướng dẫn nấu ăn, bạn xem và có thể làm được. Thế nhưng trong quá trình làm chắc chắn không thể làm hoàn thiện được ngay mà sẽ phải mắc vấn đề này vấn đề khác. Việc chúng ta đến trường học là để giải quyết được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.", chị Tú nhấn mạnh.

Hơn nữa, một người không có bằng cấp, không được học ở đâu, chỉ tự tìm tòi nó sẽ khác vị trí làm việc, khác mức lương khi một người được đào tạo 1 cách bài bản. Người được đào tạo bài bản cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với người không qua đào tạo.

Nghề nấu ăn đang ngày càng phát triển

Xã hội càng phát triển, cuộc sống càng trở nên bận rộn, thời gian dành cho việc nấu nướng, việc gia đình gần như bị thu hẹp bởi công việc của xã hội. Đặc biệt áp lực của công việc, áp lực của xã hội lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta thì gần như các dịch vụ càng ngày càng phát triển và đặc biệt 4 dịch vụ ăn, mặc, ở và đi lại không thể thiếu được đối với cuộc sống của con người.

Trong đó nhu cầu ăn rất phát triển, cũng giống như chúng ta phải hít thở không khí vậy. Vì vậy khả năng phát triển của ngành rất cao, đặc biệt nhu cầu bây giờ của con người không chỉ có ăn no mà người ta còn quan tâm đến sức khỏe, quan tâm đến yếu tố về mặt vệ sinh cũng như là càng ngày con người ta càng muốn phải được thỏa mãn việc ăn uống phải cực kỳ khoa học và nghệ thuật. Theo chị Tú, nghề nấu ăn ngày càng phát triển chứ không có chuyện thụt lùi đi.

Nghe chia sẻ về hành trình đến với nghề nấu ăn của cô Lê Ngọc Tú tại đây:

Từ khóa: nầu ăn, đầu bếp, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập