Đặt lên "bàn cân" xe tăng Abrams của Mỹ và T-14 Armata của Nga
Cập nhật: 30/01/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams tới Ukraine. Đây được coi là một trong những xe tăng tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, T-14 Armata của Nga, được mệnh danh là “siêu xe tăng”, cũng có thể tham chiến ở Ukraine, theo các đánh giá quân sự gần đây.
“M1 Abrams, mà Mỹ sẽ giao 31 chiếc cho Ukraine, là loại xe tăng lợi hại nhất trên thế giới”, ông Biden nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra phản ứng trước thông báo này, ngay sau khi Đức cam kết cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ông Peskov cho rằng “những chiếc xe tăng Abrams sẽ bị bắn cháy giống như những vũ khí khác”.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói rằng phản ứng của Nga không phải là mới và Mỹ đã “nghe điều đó trước đây”.
Siêu xe tăng T-14 Armata của Nga
Trong đoạn video do Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, đăng tải cho thấy một người dẫn chương trình nhà nước Nga nêu chi tiết các phương pháp tốt nhất để tiêu diệt xe tăng Abrams của Mỹ, sau đó so sánh các ưu điểm của loại xe tăng này với T-14 Armata của Moscow.
“Chúng (T-14 Armata) là những phương tiện công nghệ cao với các cảm biến phức tạp, bộ truyền dữ liệu, có tháp pháo hoàn toàn không có người bên trong, được điều khiển tự động từ xa”, theo người dẫn chương trình nói trong video.
T-14 Armata đã thu hút sự chú ý khi ra mắt tại Nga vào năm 2015. Một quan chức tình báo quân đội Anh từng đánh giá rằng T-14 Armata xứng đáng được coi là “chiếc xe tăng mang tính cách mạng nhất trong thế hệ”.
“T-14 Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng trong nửa thế kỷ qua”, vị quan chức giấu tên cho biết trong một bài đánh giá.
Theo bài đánh giá, T-14 Armata thực sự khác biệt so với các xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhờ tháp pháo không người điều khiển, có thể hỗ trợ pháo 125mm. Tổ lái của xe tăng được bảo vệ trong một khoang bọc giáp riêng trong xe, tăng khả năng sống sót khi xe trúng đạn, kể cả khi khoang đạn phát nổ.
“Lần đầu tiên, một tháp pháo không người điều khiển, được số hóa hoàn toàn tự động đã được tích hợp vào một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực. Và cũng là lần đầu tiên, một tổ lái xe tăng được bảo vệ trong một khoang bọc thép ở phía trước thân xe. Điều này làm tăng khả năng sống sót cho 3 thành viên trên xe”.
Chuẩn tướng Quân đội Anh đã nghỉ hưu Ben Barry nói rằng thiết kế tháp pháo này có khả năng chứa một khẩu pháo cỡ nòng 150mm, loại pháo này sẽ “vượt trội so với pháo và lớp giáp trên các xe tăng NATO hiện có”.
Xe tăng M1 Abrams, có nhiều biến thể, được trang bị pháo 105mm hoặc 120mm. M1 Abrams, tùy thuộc vào phiên bản, nặng từ 67,6-73,6 tấn, với tốc độ lên đến 70km/h trên đường bằng phẳng. Trong khi đó, T-14 Armata có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 88km/h, trọng lượng tối đa 53 tấn và có khung gầm xe tăng linh hoạt.
Điểm yếu của Abrams và T-14 Armata
Tuy nhiên, cả hai loại xe tăng này đều có nhược điểm. Tổng thống Biden cho biết, M1 Abrams “cực kỳ phức tạp trong vận hành và bảo trì”.
Trước đây, Mỹ cho rằng việc cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine liên quan đến công tác huấn luyện và hậu cần quan trọng. Bảo trì xe tăng tại hiện trường cũng sẽ là một thách thức, đặc biệt khi không có nguồn cung cấp phụ tùng.
Trong quá trình phát triển, T-14 Armata cũng gặp nhiều khó khăn. Vào đầu tháng 1, Bộ Quốc phòng Anh đưa ra đánh giá cho rằng chương trình phát triển T-14 Armata kéo dài 11 năm “với sự chậm trễ, giảm quy mô hạm đội theo kế hoạch và báo cáo về các vấn đề sản xuất”.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, là một loại xe tăng lớn hơn, cồng kềnh hơn nhiều loại xe tăng hiện có của Nga, T-14 Armata đặt ra các vấn đề hậu cần mà việc triển khai chúng sẽ là một “quyết định rủi ro cao đối với Nga”.
Tình báo Anh cho biết, các quan chức Nga đã công khai nói xe tăng T-14 có vấn đề về động cơ và hệ thống ảnh nhiệt, đồng thời đánh giá rằng việc triển khai loại xe tăng này trong cuộc xung đột ở Ukraine “có thể chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền”.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, việc sản xuất T-14 Armata “có lẽ chỉ ở mức thấp” và các chỉ huy Nga “không hoàn toàn tin tưởng vào phương tiện này trong chiến đấu”. Trong khi đó, Mỹ có hàng nghìn chiếc xe tăng Abrams trong kho vũ khí.
Hiện vẫn chưa có xác nhận về việc Nga có triển khai T-14 Armata tham chiến ở Ukraine hay không.
Frank Ledwidge, một cựu sĩ quan quân đội Anh, cho rằng bất kỳ sự công khai nào xung quanh việc T-14 Armata bị phá hủy ở Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho việc xuất khẩu.
“Nga có khả năng sẽ triển khai loại xe tăng này ở phía sau chiến tuyến thay vì đưa vào trung tâm của cuộc xung đột”, ông Ledwidge nói./.
Từ khóa: Nga tấn công Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Mỹ cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, siêu xe tăng T-14 Armata của Nga, xe tăng chiến đấu chủ lực, hướng dẫn cách phá hủy xe tăng Abrams của Mỹ, điểm yếu của xe tăng Abrams, vận hành và bảo trì Abrams, uy lực của xe tăng T-14 Armata của Nga, xe tăng hạng nặng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN