Đặt chỉ tiêu cán bộ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là "khoa học hóa" lãnh đạo

Cập nhật: 10/06/2021

[VOV2] - "Nếu phấn đấu cán bộ thuộc diện Ban thường vụ thành phố quản lý có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì chúng ta sẽ “khoa học hóa” những người làm lãnh đạo." - GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Cơ quan Đảng, chính quyền không phải là cơ quan khoa học để phấn đấu có nhiều cán bộ là thạc sĩ, tiến sĩ.

Thành ủy TP. Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 04 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo”.

Điều đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội có đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.

Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý chắc chắn đều là những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan Đảng hoặc chính quyền các Sở, ban ngành, quận/huyện, thị xã của thành phố, là những cán bộ nắm giữ vị trí quan trọng hoặc được quy hoạch tầm chiến lược. Do vậy, việc nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn là điều cần thiết.

Nhưng đặt chỉ tiêu bằng cấp, nhất là trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với đội ngũ cán bộ này liệu có phù hợp khi phần lớn nhiệm vụ mà họ đang đảm đương là chuyên trách công tác Đảng, quản lý hành chính, công vụ ở một lĩnh vực hay đơn vị hành chính nào đó. Trong khi đó, tiến sĩ là một chức danh khoa học, chủ yếu để nghiên cứu và giảng dạy đại học chứ không phải để làm quản lý hành chính.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, cán bộ lãnh đạo mà chạy theo chức danh khoa học là không đúng. Bởi lãnh đạo chủ chốt đòi hỏi cao về năng lực chính trị, tư cách đạo đức, tầm nhìn chiến lược, am hiểu lĩnh vực mà mình quản lý. Nếu phấn đấu cán bộ thuộc diện Ban thường vụ thành phố quản lý có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì chúng ta sẽ “khoa học hóa” những người làm lãnh đạo.

“Lãnh đạo là người cầm quân, quản lý xã hội bằng chủ trương, chính sách chứ không phải đi làm từng công việc chuyên môn. Tài giỏi của người lãnh đạo không phải ở bằng cấp, học hàm, học vị mà khả năng sử dụng người có chuyên môn giỏi trong công việc.” – GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Ông Phạm Tất Dong cũng cho rằng, cơ quan đảng, chính quyền không phải là cơ quan khoa học, không phải là cơ sở giáo dục để phấn đấu có nhiều cán bộ là thạc sĩ, tiến sĩ.  

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích, cán bộ chủ chốt, cán bộ thuộc diện Ban thường vụ thành phố quản lý phải nâng cao trình độ để am hiểu lĩnh vực mình quản lý là cần thiết. Nhưng nâng cao trình độ không có nghĩa là phải có bằng.

Ở góc độ nào đó, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, bằng cấp cao cũng thể hiện năng lực, trình độ của người quản lý. Nhưng thước đo công bằng nhất, khách quan nhất là bằng chính năng lực, chỉ số hiệu quả trong công tác quản lý. Nếu thành ủy viên, người đứng đầu cơ quan đảng, chính quyền của một quận/huyện/thị xã mà đưa kinh tế, đưa GDP của quận/huyện đó lên cao sẽ là chỉ số sinh động nhất về năng lực lãnh đạo, quản lý.

“Tiến sĩ là người có trình độ ở lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy. Còn làm chuyên môn, quản lý hành chính công vụ chỉ cần là hiểu sâu lĩnh vực mà mình quản lý. Những người làm chính trị phải có năng lực về chính trị, có tầm nhìn, hiểu về lòng người, thông hiểu chính sách… cái đó không ở đâu có thể dạy được, bằng cấp nào có thể đạt được.” – Ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.

"Bằng cấp hóa" dễ dẫn đến mua bằng, bán điểm

Cách đây 4 năm, Học viện Khoa học-Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)  gây xôn xao dư luận khi được mệnh danh là “lò đào tạo tiến sĩ” với chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sĩ/ năm, trong đó, có không ít cán bộ quản lý đi làm nghiên cứu sinh.

Năm 2019, trường Đại học Đông Đô cũng gây bức xúc cho xã hội khi cấp bằng khống ngành ngôn ngữ Anh cho hàng trăm người, trong đó có cán bộ nhà nước sử dụng văn bằng giả này để thi nâng ngạch, nâng hạng, thậm chí sử dụng để làm điều kiện nghiên cứu sinh.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cảnh báo, trong thời gian qua, không ít cán bộ cấp Sở, ngành vì chạy theo bằng cấp mà mua bằng, bán điểm.

Ông không phủ nhận giá trị của bằng cấp, cán bộ có trình độ cao là điều tốt. Nhưng nếu cực đoan, tuyệt đối hóa bằng cấp sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm cho xã hội là chạy theo bằng cấp, mua quan, bán chức, mua bằng, bán điểm.

“Bằng cấp hóa nhiều quá, bằng cấp hóa tới mức coi đó ưu tiên số 1 chưa hẳn đúng. Có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chưa nói lên điều gì. Năng lực thực tiễn của người cán bộ mới là điều quan trọng.”- Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Thực tế, có không ít cán bộ lãnh đạo sau khi có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ tập trung vào công tác quản lý mà không có nhiều đóng góp cho nghiên cứu học thuật. Và đó chỉnh là biểu hiện của sự lãng phí, lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, nguồn lực...

Từ khóa: Thạc sĩ, tiến sĩ, Thường vụ thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 04, cán bộ, lãnh đạo

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập