Dao, kiếm và các công cụ hỗ trợ cần được quản lý thế nào?
Cập nhật: 01/06/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Tội phạm sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ luôn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi của các đối tượng này cho thấy tính chất manh động và gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng vũ khí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thời gian qua.
Tuy nhiên trên thực tế, trong Luật hiện hành không quy định dao và các phương tiện tương tự là vũ khí. Vì vậy, việc xử lý hình sự với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Trước thực thế này mới đây Bộ Công an đề xuất bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý, ngăn chặn các nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Ngày 30/4 vừa qua, có mặt kịp thời tại hiện trường, tổ công tác 373 - Công an thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã ngăn chặn một vụ gây rối trật tự công cộng của một nhóm nam thanh niên trên địa bàn. Các đối tượng khai nhận, do mâu thuẫn với nhóm nam thanh niên khác nên đã tụ tập, chuẩn bị các hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn. Và mới đây, Công an thành phố Vinh bắt giữ 14 đối tượng thanh, thiếu niên có hành vi điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng. Đáng nói các đối tượng này đều mang theo đao, kiếm gây mất trật tự công cộng và bức xúc cho quần chúng nhân dân.
Ông Phan Trọng Tạo, một người dân trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bức xúc: "Hiện nay trên địa bàn thành phố có một số thanh thiếu niên thỉnh thoảng tụ tập đua xe mang theo hung khí làm cho nhân dân trên địa bàn hoang mang, số thanh niên tham gia hầu hết là ngoài địa bàn vùng ven, vùng phụ cận."
Cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, vào cuối năm 2023, tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, người chồng đã dùng dao đe dọa vợ, hậu quả một công an viên đã bị người chồng đâm tử vong khi đang cố gắng hòa giải mâu thuẫn. Hay mới đây, tại huyện Yên Thành, do mâu thuẫn gia đình, em trai cũng dùng dao sắc nhọn đâm tử vong anh trai và làm hai người khác bị thương. Những vụ việc kể trên cho thấy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ và sử dụng các loại dao gây án có chiều hướng phức tạp gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy, đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và các phương tiện từ dao chiếm đến 72%, trong đó, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội từ dao và các phương tiện từ dao chiếm đến 55%. Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: "Chúng tôi mới có cuộc tổng kiểm tra, rà soát nhằm thống kê chính xác, đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng trong và ngoài lực lượng Công an. Qua đó, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, góp phần nâng cao bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật".
Tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Bộ Công an đang trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu Nổ và Công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tại dự thảo này, bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Đây chính là là yêu cầu cấp thiết và khách quan. Tới đây, khi Luật được thông qua, sẽ là hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Từ khóa: quản lý, nguy cơ, an ninh, trật tự, vi phạm, pháp luật, tội phạm
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: sỹ đức-ctv trang tâm/vov1
Nguồn tin: VOVVN