“Đào Hữu Thi – Nhạc sỹ Trường Sơn”: Ấn tượng và cảm động
Cập nhật: 09/06/2020
MV "Vị nhà" của Đen đạt Top 1 trending Youtube chỉ sau 2 ngày phát hành
Anh trai "say hi" giúp HIEUTHUHAI "bội thu" các giải thưởng danh giá
VOV.VN - Chương trình giao lưu nghệ thuật "Đào Hữu Thi - nhạc sỹ Trường Sơn" đã diễn ra tối 16/5 tại Hà Nội đầy xúc động và sâu lắng.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đào Hữu Thi - nhạc sỹ Trường Sơn” đã diễn ra tối 16/5 tại Hà Nội với sự góp mặt của các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu trên các mặt trận. Chương trình do Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019).
Nhạc sỹ Trường Sơn Đào Hữu Thi tại chương trình giao lưu. |
Đêm giao lưu nghệ thuật “Đào Hữu Thi - nhạc sỹ Trường Sơn” là chương trình đặc biệt về nhạc sỹ Đào Hữu Thi - một chiến sỹ, nhạc sỹ đã từng sống, chiến đấu và hoạt động âm nhạc ở chiến trường Trường Sơn, viết nhiều tác phẩm âm nhạc về Trường Sơn. Chương trình giới thiệu đến công chúng gần 20 tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Đào Hữu Thi, được chia làm 3 phần.
Phần 1 có chủ đề “Huyền thoại Trường Sơn - Trường Sơn qua những kỷ niệm” gồm 10 tác phẩm. Với chủ đề “Những dấu chân huyền thoại - Trường Sơn qua những ca khúc," phần 2 diễn ra giao lưu giữa khán giả với nhạc sỹ Đào Hữu Thi và các khách mời trong chương trình. Phần 3 của chương trình giao lưu nghệ thuật có chủ đề “Đào Hữu Thi với nghĩa tình đồng đội," với các tiết mục biểu diễn nhạc phẩm của nhạc sỹ viết về đồng đội.
Cách đây đúng 60 năm, trước đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã ra đời, từng bước xây dựng, phát triển, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phải nói rằng, quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược. Lớp lớp những người lính ra trận đã để lại dấu chân mình trên con đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có chàng thanh niên Đào Hữu Thi. Và con đường ấy đã trở thành nguồn cảm xúc bất tận để ông viết rất nhiều tác phẩm âm nhạc về Trường Sơn.
Mở đầu chương trình, dàn hợp xướng trường Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tiết mục "Mái trường Bản tình ca" với chất giọng hào hùng dưới phần chỉ đạo của chính "nhạc trưởng" Đào Hữu Thi. Tiếp đến, là ca khúc "Ba chiến dịch lịch sử" - Bản hùng ca bất tử còn vang vọng mãi trong trái tim mỗi người.
Có một con đường như bài ca đi cùng năm tháng đã viết nên trang sử anh hùng, lời ca mở đầu bản hợp xướng "Huyền thoại Trường Sơn" khiến khán giả phần nào hiểu rõ hơn về những con người thầm lặng đã làm nên con đường ấy. Chất lãng mạn, chất anh hùng ca là sức mạnh phi thường làm nên một Trường Sơn huyền thoại.
Nhạc sỹ Đào Hữu Thi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hình ảnh về một thủ đô thanh lịch, đầy chất trữ tình luôn nằm ở một vị trí trang trọng trong trái tim người lính Trường Sơn năm xưa. Vì vậy, kể cả khi ra chiến trường, những ký ức về cầu Thê Húc màu son đỏ, nước Hồ Gươm xanh biếc và những tà áo dài thướt tha của các cô gái Hà Nội vẫn in đậm trong tâm trí ông. Để rồi từ đó, tác phẩm "Nhớ mãi một chiều thu" ra đời. Với phần thể hiện của ca sĩ Phương Anh và nghệ sĩ Guitar Phạm Phương, nét đẹp về chiều thu Hà Nội như lắng đọng, êm đềm mà da diết, khiến trái tim người chiến sĩ càng thêm thổn thức.
Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch đầy trông gai thử thách. Con đường máu lửa đã phải đối phó với các loại thiết bị tinh vi, hiện đại bậc nhất của nền quốc phòng Mỹ. Nhắc đến tuyến đường ấy, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những cô gái Trường Sơn. Như thấu hiếu tâm tư cùng sự hy sinh thầm lặng của những cô gái trẻ ngày đêm vất vả "xây đường", nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã viết nên "Em là cô gái Trường Sơn" đầy xúc động. Sự thể hiện của tốp nữ Cựu chiến binh Long Biên càng khiến ca khúc trở nên sâu lắng, thấm thía hơn bao giờ hết.
Nhạc sỹ Đào Hữu Thi chia sẻ cảm xúc cũng như gửi lời cám ơn đến khán giả trên sân khấu. |
Núi tiếp núi đường chập trùng em bước/ Dốc Miếu Do Linh ơi trăm mến ngàn thương/Máu các em nhuộm đỏ những cung đường - Lời hát trong ca khúc "Tình em gửi trọn con đường" vang lên như bản tình ca tươi xanh, hồn nhiên, trong sáng yêu đời với sự thể hiện của CCB – Nghệ thuật Trường Sơn.
Mấy ai biết rằng trên núi rừng Trường Sơn có một con đường với tên gọi là đường ống dẫn xăng dầu, hàng ngàn cây số từ Bắc vào Nam xuyên qua ngàn ngày bom rơi đạn nổ. Đó là một dòng chảy huyền thoại được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Song hành với đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn, đường ống xăng dầu vào Nam là kỳ tích của cả dân tộc góp phần "đánh Mỹ và thắng Mỹ". Đó chính là cảm hứng để nhạc sĩ Đào Hữu Thi viết nên ca khúc "Đường ống Trường Sơn". Ca khúc trở nên hào hùng, phấn chấn, đi vào lòng người hơn bởi màn biểu diễn của các cựu chiến binh Trường Sơn.
Những năm tháng là người lính, gắn bó với Trường Sơn, tuy gian khổ nhưng cũng là khoảng thời gian thật ý nghĩa, thật đẹp trong cuộc đời của nhạc sĩ Đào Hữu Thi, bởi đây chính là thời gian giúp ông trở thành một nhạc sĩ đặc biệt, nhạc sĩ Trường Sơn. Ngoài đề tài về Trường Sơn, ông đã tiếp cận rất nhanh mọi vấn đề của cuộc sống và sáng tác bắt kịp nhịp sống ở nhiều góc nhìn. Ca khúc "Lính cũ trung đoàn" với phần trình bày của các Cựu chiến binh Trường Sơn đã chứng minh điều đó.
Chiến tranh đã lùi xa, biết bao người lính trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng mỗi lần gặp nhau, câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm khảm cõi lòng của những người cựu chiến binh. Gặp lại nhau đây/Ai còn ai mất/Để lòng tôi thương nhớ bồi hồi. Bài hát "Nỗi nhớ cựu chiến binh" của nhạc sĩ Đào Hữu Thi như đi ra từ trái tim những người lính, là tiếng lòng của muôn vàn trái tim./.
Từ khóa: Đào Hữu Thi, Nhạc sỹ Trường Sơn, Trường Sơn, nhạc sỹ Đào Hữu Thi
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN