Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Tôi không sợ khán giả kén phim”

Cập nhật: 24/03/2024

VOV.VN - Trần Anh Hùng chia sẻ, mỗi lần làm phim chỉ mong ngày được trở về Việt Nam chiếu phim cho đồng bào xem. Việc đó đối với anh luôn là niềm hạnh phúc. Anh không kỳ vọng hay sợ khán giả kén phim. Đối với anh, mỗi bộ phim của như một món quà.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng là cái tên quen thuộc với điện ảnh Việt và tạo được nhiều dấu ấn với điện ảnh thế giới. Đạo diễn Trần Anh Hùng gắn liền với nhiều tác phẩm thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt như “Mùi đu đủ xanh” - phim nói tiếng Việt duy nhất vào đề cử chính thức Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất của giải thưởng Oscar, hay phim "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Và anh đến trong cơn mưa", "Rừng Na Uy", "Vĩnh cửu". Bộ phim mới nhất "Muôn vị nhân gian" được đánh giá là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Anh Hùng khi mang đến cho anh giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Anh Hùng nhân dịp anh trở về Việt Nam để tham gia quảng bá bộ phim.

“Tôi không làm phim để ăn khách”

PV: Cảm xúc của anh như thế nào khi “Muôn vị nhân gian” được công chiếu ở quê nhà Việt Nam? Anh kỳ vọng khán giả Việt sẽ đón nhận bộ phim của mình ra sao?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi rất vui. Mỗi lần làm phim chỉ mong ngày được trở về Việt Nam chiếu phim cho đồng bào xem. Việc đó đối với tôi luôn là niềm hạnh phúc. Tôi không kỳ vọng hay sợ khán giả kén phim. Đối với tôi, mỗi bộ phim của như một món quà. Người ta nhận hay không thôi. Tôi không cố tình làm phim để ăn khách đâu. Thường thì ý tưởng làm phim đến và đưa đẩy tôi thực hiện chứ tôi không đặt nặng việc khán giả xem nhiều hay ít. Nhưng tôi có nghe phản hồi là phim này dễ xem hơn những bộ phim trước đó của mình thì cũng mong bộ phim sẽ ăn khách ở Việt Nam.

PV: Điều anh trăn trở nhất khi làm phim “Muôn vị nhân gian là gì”?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Đây là bộ phim về ẩm thực, đồng thời nó cũng kể một câu chuyện tình, làm thế nào để cân bằng giữa 2 chủ đề đó rất khó. Cảnh Dodin nấu một bữa ăn cho Eugénie rất quan trọng vì kết hợp được hai chủ đề của phim là ẩm thực và tình yêu. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, ẩm thực là cách thể hiện tình cảm. Khi Dodin phải nấu một bữa ăn cho một đầu bếp rất giỏi như Eugénie, trong ông chứa đầy sự lo lắng. Và Dodin cũng rất vui khi làm được điều gì đó mình chưa từng làm.

PV: Ẩm thực Pháp rất đang dạng, vậy vì sao anh lại chọn món Pot-au-Feu (bò hầm kiểu Pháp) để đưa vào tác phẩm của mình?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Pot-eu-Feu là một món ăn bình dân. Người ta thường nấu rất nhiều và nấu đi nấu lại nhiều lần, mỗi lần nấu lại càng ngon. Vị của món ăn này ai đã ăn thì sẽ nhớ mãi, giống như phở của Việt Nam vậy. Dodin muốn dùng món ăn bình dân này để mời một vị khách rất quan trọng. Nghệ thuật là biến những thứ bình thường thành phong phú và tinh tế.

PV: Bộ đôi diễn viên chính Juliette Binoche và Benoît Magime từng là một cặp ở ngoài đời và đã chia tay. Anh làm thế nào thuyết phục họ tái hợp thành một cặp tình nhân trong phim của mình?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Ngay từ đầu, khi muốn 2 diễn viên góp mặt trong bộ phim của mình, tôi cũng rất lo lắng. Họ từng chia tay nhau không êm đẹp lắm và đã không làm việc với nhau trong hơn 20 năm. Khi tôi nói với Juliette là muốn có Benoît thì Juliette nghĩ đó không phải là ý hay và cho rằng Benoît sẽ từ chối. Nhưng cuối cùng ông lại nhận lời. Họ đều là những diễn viên chuyên nghiệp và không để chuyện riêng của mình ảnh hưởng đến công việc. Họ kết hợp với nhau rấy ăn ý, mang đến cho khán giả một tình yêu đẹp trên màn ảnh. Tôi nghĩ bộ phim cũng mang đến cho họ nhiều cảm xúc. Họ đã từng bên nhau rồi chia ly trong hơn 20 năm. Đến bây giờ đột nhiên tìm lại nhau, gắn bó với nhau như một cặp vợ chồng…

“Vợ tôi kỹ tính”

PV: Anh từng thổ lộ rằng tác phẩm của anh không chỉ đơn thuần nói về đồ ăn ngon và tình yêu, mà thực chất là sự phản chiếu mối quan hệ của anh với vợ. Phụ đề cuối phim cũng đưa ra một lời thú nhận rằng anh dành tặng bộ phim cho vợ. Mối quan hệ của anh với vợ có giống như cặp đôi trong phim? Anh có bao giờ vào bếp nấu ăn cho vợ không?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Trước đây khi còn nhỏ, mẹ đuổi tôi ra khỏi bếp và nói rằng đây không phải chỗ dành cho đàn ông. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon nhưng không cho tôi vào bếp. Sau này khi lấy vợ, cô ấy cũng là người nấu ăn giỏi nên tôi hầu như không phải nấu ăn bao giờ. Nhưng hiện tại, tôi cũng muốn vào bếp nấu ăn cho người phụ nữ của mình. Tôi từng nấu 1 món 3 lần. Lần đầu thành công. Lần thứ 2 bị hỏng và lần thứ 3 thì rất dở.

Đó là vì tôi sáng tạo quá nhanh, tôi muốn thay đổi. Bản thân mình nghĩ làm thế này sẽ ngon hơn nhưng cuối cùng lại không phải. Công cuộc nội trợ của tôi gián đoạn sau 8-9 tháng làm phim. Đến giờ, khi quay trở lại cuộc sống bình thường, tôi sẽ phải làm món đó thêm… 5 lần nữa (cười). Có người nói với tôi, để nấu một món ngon, ít nhất mình phải làm nó 8 lần.

PV: Tất cả các dự án phim của anh đều có sự tham gia của vợ. Nếu không tham gia diễn xuất, chị sẽ đảm trách phần thiết kế mỹ thuật, phục trang hay chỉ đạo nghệ thuật. Có thể thấy anh chị rất ăn ý trong công việc. Nhưng có bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm không?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tất nhiên mâu thuẫn trong công việc là điều không tránh khỏi. Tôi có nói vợ là sao khó tính thế thì cô ấy nhấn mạnh là mình kỹ tính chứ không phải khó tính. Thật ra, chúng tôi mỗi người đều có phần trách nhiệm trong công việc của mình. Yên Khê là người chỉ đạo nghệ thuật, làm phục trang, thiết kế mỹ thuật cho bộ phim này và cô ấy làm rất tốt. Bởi vì Yên Khê có một cái nhìn chính xác và rõ ràng lắm. Nhiều lúc tôi cảm giác có cái gì đó không được, nhưng sẽ phải suy nghĩ rất lâu mới phát hiện ra cái không được nó ở đâu. Còn Yên Khê là người nhìn ra ngay lập tức và tìm được cách xử lý đấy thì điều này rất quý đối với tôi.

PV: Khi hai người không tìm được tiếng nói chung, ai là người nhường nhịn?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi nghĩ mình nhường nhiều hơn. Nhưng Yên Khê lại nghĩ người nhường nhịn là cô ấy (cười).

PV: Trong công việc, chị kỹ tính là thế. Vậy còn trong cuộc sống thì sao? Chị là một người vợ như thế nào?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Trong cuộc sống cũng thế. Chẳng hạn như nếu mình đi ngoài đường và muốn tìm một quán cafe thì sẽ tìm khá lâu đấy, nhiều lúc gần chết khát rồi mới chọn được (cười).

PV: Ngoài vợ, con trai cũng là một cộng sự đặc biệt của anh trong dự án lần này khi đảm nhận vị trí trợ lý của tổ đạo diễn. Con trai theo nghệ thuật, anh có đưa ra lời khuyên gì không?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Lãng Khê và Cao Phi đang bước những bước đầu tiên trong hành trình theo đuổi nghệ thuật. Cả hai vẫn còn đang ở giai đoạn tìm tòi. Tôi chỉ đưa ra lời khuyên khi con đặt câu hỏi chứ không chủ động đẩy con vào công việc làm phim. Nếu làm thế thì không được vì cá tính của cả hai rất mạnh, y như mẹ vậy. Tôi không can thiệp quá sâu. Chỉ khi nào con hỏi thì mình sẽ trả lời.

“Tôi không áp lực phim sau phải hay hơn phim trước”

PV: Là một trong những đạo diễn gốc Việt gặt hái được nhiều thành công ở quốc tế, anh có trăn trở gì với điện ảnh trong nước không?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Điện ảnh Việt Nam cũng đã được quan tâm nhiều hơn ở các Liên hoan phim quốc tế. Từ những bước đi đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có được những thành tích đáng kể. Tôi muốn nhắc đến chiến thắng gần đây của Phạm Thiên Ân với “Bên trong vỏ kén vàng” là bộ phim nói tiếng Việt thứ hai giành giải Camera Vàng (Camera D’or) dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) Cannes. “Cu li never cries” do Phạm Ngọc Lân đạo diễn đã thắng giải Phim dài đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin 2024, những đạo diễn như Phan Đăng Di miệt mài tìm đường đến các Liên hoan phim quốc tế…

Và ở trong nước có những bộ phim rất ăn khách. Những phim thương mại và đạt được thành công lớn như phim của Trấn Thành là một tín hiệu rất tốt, rất có lợi cho nền điện ảnh của Việt Nam. Chúng ta cần có những bộ phim như thế. Chúng ta thường hay bàn đến chuyện có hay không ngân sách để làm phim. Nếu chúng ta có những bộ phim có khả năng đẻ ra nhiều tiền như thế thì tôi mong muốn những nhà đầu tư hoặc là những nhà sản xuất nghĩ đến việc dành một phần tiền cho phim nghệ thuật. Để nền điện ảnh thật sự có một đời sống thì cần phải có sự tác động qua lại giữa phim nghệ thuật và phim thương mại.

Có những dự án phải chờ 10 năm mới làm được vì không ai bỏ tiền vào thì rất đáng tiếc. Ở Pháp, có những người biết phim không thu được tiền nhưng họ vẫn đầu tư. Thay vào đó, họ tin rằng phim sẽ làm nên chuyện ở các Liên hoan phim. Đó là sự cần thiết cho sự đa dạng của nền điện ảnh và chúng ta cần phải hiểu điều đó.

PV: Bản thân anh sau bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” (năm 2000) thì anh cũng chưa quay thêm bất cứ bộ phim nào ở Việt Nam. Liệu có phải vì anh có những trải nghiệm khó khăn khi về Việt Nam làm phim?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Trước đây, việc kiểm duyệt phim ở Việt Nam rất khắt khe. Và sau “Mùa hè chiều thẳng đứng” một thời gian cũng có nhiều người bạn ở Việt Nam nói tôi nên về Việt Nam làm phim vì bây giờ nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng nói thật là tôi vẫn e ngại. Đã hơn 20 năm không về Việt Nam làm phim nhưng tôi vẫn ấp ủ một dự án. Tôi đang phát triển một bộ phim về phụ nữ Việt Nam và trong đó sẽ không có bóng dáng bất cứ người đàn ông nào cả. Đó là ý tưởng mà tôi rất thích và đang nuôi dưỡng mục tiêu này.

PV: Đến thời điểm này, anh có đối mặt với áp lực là những bộ phim sau của mình phải hay hơn, hoặc gây được tiếng vang hơn những bộ phim trước đó không?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Cũng không có áp lực đâu, có lẽ vì thế mà trông mình trẻ lâu (cười). Khi làm một bộ phim, tôi chỉ có suy nghĩ làm sao để phim tốt nhất có thể. Phim chứa đựng chất lượng điện ảnh cao nhất có thể và là một món quà đẹp nhất có thể cho khán giả. Tôi tin một bộ phim có chất lượng điện ảnh cao thì đời sống của phim sẽ được dài hơn.

PV: Anh thường xuyên về Việt Nam tham dự những lớp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các nhà làm phim trẻ, điều mà anh muốn truyền đến thế hệ kế cận của anh là gì?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Tôi về Việt Nam không phải để truyền đạt kinh nghiệm hay kiến thức gì to tát cả. Chúng tôi gặp gỡ để trao đổi về điện ảnh, cùng nhau xem những bộ phim hay để có thể nói với nhau thành lời. Có cái gì hay ở trong đó, tại sao nó hay… chỉ có chừng đó thôi. Sau đó thì mỗi người đi con đường của mình và tìm cách thể hiện những gì mà mình muốn mang đến cho khán giả.

PV: Xin cảm ơn anh!

Từ khóa: đạo diễn, trần anh hùng, diễn viên gạo cội, cannes, liên hoan phim cannes, khán giả, đạo diễn

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: hà phương - ngọc huyền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập