Đạo diễn phim “Phượng Khấu” chi tiền khủng thiết kế phục trang sát sử
Cập nhật: 25/09/2019
Diva Hồng Nhung điều trị ung thư vú
Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân
VOV.VN -Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết kinh phí thực hiện 6 tập phim khoảng 12 tỷ đồng, trong đó trang phục chiếm tới 45%.
Làm phim có yếu tố lịch sử là điều không dễ dàng đối với bất kì nền điện ảnh nào, đặc biệt là Việt Nam khi các tư liệu lịch sử nước ta rất thiếu và không hệ thống.
Tính đến nay, điện ảnh Việt Nam có hơn 65 năm hình thành và phát triển, nhưng dòng phim về đề tài lịch sử Việt luôn tiến bước trong trạng thái ngập ngừng, quy mô nhỏ lẻ, trong khi kỳ vọng của các nhà làm phim, khán giả về phim đề tài này luôn cao. Số lượng phim đề tài lịch sử được sản xuất vô cùng khiêm tốn. Những phim nổi bật và được công chúng quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phim "Mỹ nhân" từng gây tranh cãi về phục trang sơ sài khiến các nhân vật triều chính không rõ cấp bậc, dẫn đến bị mờ nhạt tính cách. |
Lý giải về nguyên nhân khiến phim lịch sử Việt Nam còn thiếu và yếu, đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn từng nói: “Làm phim lịch sử trăm bề khó khăn. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì người làm phim lịch sử luôn gặp phải một số phản biện quá khắt khe và săm soi khiến nhà đầu tư dễ nản chí, không dám bỏ tiền đầu tư. Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử”.
Kinh phí, bối cảnh, đạo cụ, trang phục... là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công và có sức thuyết phục đối với người xem cho một bộ phim đề tài lịch sử. Nếu không cẩn trọng, bộ phim sẽ bị khán giả quay lưng, thờ ờ và thậm chí còn nhận vô số “gạch đá” từ dư luận.
Nỗ lực đáng trân trọng
Là một trong những dự án phim về đề tài lịch sử được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, “Phượng Khấu” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tuy chỉ mới đang trong giai đoạn sản xuất nhưng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Ngay trước khi bấm máy, nhà sản xuất lần lượt giới thiệu về bộ phim thông qua hình ảnh các nhân vật với tạo hình được cho là bám sát lịch sử nhất có thể. Tuy nhiên bộ phim ngay lập tức vấp phải một cuộc tranh luận nảy lửa về tính sát sử của những bộ cổ phục (trang phục cổ).
"Phượng Khấu" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh dự kiến ra mắt vào năm 2020. |
Giáo sư Lê Văn Lan, cố vấn lịch sử của bộ phim cho biết tranh cãi về trang phục trong bất kỳ một bộ phim về đề tài lịch sử luôn là câu chuyện không mới nhưng vẫn rất thời sự. Đây là nỗi lo ngại thường trực đối với bất kỳ nhà sản xuất nào có dự tính thực hiện một bộ phim lịch sử. Bởi trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, kết tinh văn hóa của một thời đại, một nền kinh tế của quốc gia, dân tộc.
Thực tế cho thấy rất nhiều bộ phim cổ trang, lịch sử Việt bị la ó về trang phục. Đạo diễn, diễn viên phải mượn trang phục của các đoàn tuồng, đoàn chèo, miễn là có vẻ “cổ cổ” một chút để đưa vào. Để rồi sau khi ra mắt đã bị phản ứng dữ dội của công chúng, đặc biệt còn làm méo mó văn hóa và lịch sử của thời đại.. Có thể kể đến bộ phim “Hoàng Lê nhất thống chí”,"Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long",… từng bị phàn nàn vì trang phục, bối cảnh, cách làm phim bị "Trung Quốc hóa".
“Tấm Cám: chuyện chưa kể” bị chê bai bởi những bộ trang phục cách tân, sáng tạo không phù hợp. |
Hay như bộ phim “Tấm Cám: chuyện chưa kể”, váy áo của các nhân vật được cách tân, sáng tạo không đúng với trang phục của người Việt trong bất kỳ triều đại phong kiến nào, mặc dù nhà sản xuất mất hơn 3 tháng nghiên cứu, vẽ hàng trăm phác thảo và chọn vải phù hợp cho trang phục của các tuyến nhân vật. Số tiền đầu tư cho trang phục chiếm 1/10 tổng kinh phí làm phim.
Đành rằng làm nghệ thuật là sáng tạo và có tính thẩm mỹ cao, cách điệu nhưng không thể xa rời đời sống hay vay mượn hình hài lịch sử của dân tộc khác để chuyển tải câu chuyện lịch sử của dân tộc mình. Vậy, làm thế nào để có những bộ trang phục đẹp, đáp ứng được tiêu chí của điện ảnh, đồng thời vẫn trung thành với lịch sử, một bộ phim lịch sử thuần Việt. Đó là câu hỏi lớn đối với các đạo diễn và những người thiết kế trang phục của bộ phim “Phượng Khấu”.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ trong buổi tọa đàm "Cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh". |
Hiểu thực trạng đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh càng quyết tâm biến ước mơ về một bộ phim cung đấu sát sử và thuần Việt có chất lượng cao thành hiện thực. “Tôi biết làm phim về lịch sử rất dễ bị soi và ném đá. Bởi có hư cấu thì mới ra tác phẩm nghệ thuật, nhưng lại bị cho là “khác sử”. Vì vậy tôi chủ trương “chống xào nấu sử”, nghĩa là tất cả sự kiện lịch sử đều được tôn trọng, lấy chính sử làm chính”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh cho biết kinh phí thực hiện 6 tập phim khoảng 12 tỷ đồng, trong đó trang phục chiếm tới 45%. Để có thể chuẩn bị 200 bộ trang phục cho 97 nhân vật xuất hiện, đơn vị chế tác trang phục đã phải khảo cứu từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước, từ các chuyên gia về sử hoặc nhà chế tác trang phục, tìm lại các truyền thuyết, mộ chí xưa và tiếp cận với những cổ phục “gốc” từ các bộ sưu tập tư nhân cũng như bảo tàng. Đội ngũ chế tác trang phục, thiết kế mỹ thuật cho phim, đạo diễn đã phải làm việc chặt chẽ để đảm bảo sự thống nhất về mặt hình ảnh cũng như tính thẩm mĩ cho bộ phim. Nhưng cũng không mong đảm bảo phục dựng 100% trang phục cổ.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên, đơn vị sản xuất trang phục cho biết ekip làm trang phục choPhượng Khấusau khi nghiên cứu cổ phục Việt đều muốn làm ra những bộ trang phục "tiệm cận nhất với lịch sử có thể vì làm sai là có tội với cha ông.Để thêu tay toàn bộ trang phục thì chi phí quá lớn nên chúng tôi chọn phương án với những trang phục cần quay cận thì thêu tay, còn lại thì thêu máy. Với những đại cảnh nhiều người thì trang phục sử dụng kĩ thuật in ấn, hoặc xử lý kỹ xảo", ông Nguyễn Đức Lộc nói.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu khan hiếm, đắt đỏ cũng là một trong những thách thức lớn với đoàn làm phim. “Giờ chế tác lại cổ phục mà phải dùng đúng nguyên liệu trong nước để làm rất khó. Không thể nào nội địa hóa 100%, vì thế chúng tôi vẫn sử dụng nguyên liệu trong nước, chỉ là tỉ lệ bao nhiêu mà thôi", ông Đức Lộc cho biết thêm.
Đánh giá về tính sát sử của những bộ trang phục, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, những bộ cổ phục được chế tác không chỉ dựa trên những tư liệu hình ảnh, hiện vật quý hiếm của thời nhà Nguyễn mà còn dựa trên những kiến thức được kể lại từ nhân chứng lịch sử là Mệ công tôn nữ Trí Tuệ - chắt nội của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng. Mệ chính là một trong những người cuối cùng nắm giữ phương pháp may gối xếp năm lá từng được sử dụng trong Hoàng tộc triều Nguyễn.
Mệ công tôn nữ Trí Tuệ - chắt nội của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng khen ngợi ekip chế tác cổ phục "Phượng Khấu". |
Giáo sư Lê Văn Lan ghi nhận những tấm lòng muốn tôn vinh sử Việt và chấp nhận đặt mình vào vị thế bị tranh cãi của ekip. Ông khen ngợi ekip làm phim đã khéo léo lựa chọn khúc thời gian hợp lý. “Làm phim lịch sử đừng dại ham mênh mông mà cứ khuôn lại, làm một khúc nhỏ sẽ dễ hơn và dễ cả cho việc lựa chọn trang phục. Những người làm phim “Phượng Khấu” đã khéo léo chọn được khúc thời gian, bối cảnh lịch sử thuộc thời Nguyễn, cụ thể là giai đoạn bảy năm trị vì của vua Thiệu Trị (năm 1841-1847). Đây là trường độ thời gian vừa phải, hợp lý nhưng thể hiện được khái quát về thời nhà Nguyễn, lại tránh được sự thiếu đồng nhất trong nhìn nhận lịch sử. Qua đó, những bộ trang phục cổ được dày công nghiên cứu và phục dựng sẽ tham gia như một thành tố vô cùng quan trọng, hứa hẹn làm nên thành công cho bộ phim”.
Mang văn hoá dân tộc đi khắp thế giới
Ngoài kịch bản, bối cảnh, trang phục, trang điểm, phục sức… không ngừng làm khó nhà làm phim thì bài toán doanh thu cũng là một vấn đề nan giải quyết định sự thành bại của phim lịch sử.
Bộ phim "Huyền sử thiên đô". |
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nhiều bộ phim được đầu tư với kinh phí lớn lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng doanh thu thảm hại. Khán giả thờ ơ, thẳng thừng từ chối mua vé xem phim lịch sử Việt bởi họ cho rằng những phim này thường kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với hàng loạt phim bom tấn ở các rạp. Ngay cả đến những phim "đại hạ giá" chỉ còn 20.000 -30.000 đồng/vé, thậm chí còn giảm giá nếu mua theo số lượng lớn như "Huyền sử thiên đô" thì cũng thất bại tại phòng vé. Áp lực phòng vé khiến rất nhiều bộ phim lịch sử được làm ra nhưng không được công chiếu.
Đây cũng là một trong những lý do khiến cho những ai làm nghệ thuật, tâm đắc với đề tài sử Việt e ngại. Tạo ra một tác phẩm quá kỳ công nhưng mạo hiểm về khả năng thành công tài chính lẫn đánh giá chất lượng tác phẩm, thì thà chọn thể tài khác vừa nhẹ đầu mà dễ thu hút khán giả. Thế nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nghĩ khác. Anh mong muốn văn hoá dân tộc được biết đến nhiều hơn nên “Phượng Khấu” dự kiến sẽ được phát sóng trên nền tảng trực tuyến.
Lựa chọn chiếu mạng là một trong những xu thế điện ảnh được nhiều nhà sản xuất, hãng phim quan tâm lẫn chuyển hướng đầu tư. Trong bối cảnh mạng xã hội thống trị như hiện nay thì việc phát hành trên mạng có lẽ là hướng đi khả quan nhất cho dòng phim cổ trang, đề tài lịch sử.
Cách trang điểm và phục trang trong cung đình thời Nguyễn. |
“Chiếu trên Internet là cách để chúng tôi đưa bộ phim đi xa, đến với mỗi người con đất Việt đang tha phương trên toàn thế giới, giới thiệu với bạn bè năm châu nét đẹp về một triều đại vàng son. Mang văn hóa dân tộc của tôi đi khắp thế giới, đó mới thật là mong ước của tôi. Làm phim này là tôi làm cuộc hành hương tìm về văn hóa dân tộc, mong mọi người sẽ trân trọng giữ gìn. Hơn nữa, trong thời hội nhập, “của hồi môn” mà cha ông để lại là thứ giúp chúng ta đàng hoàng bước ra thế giới và tự hào sánh vai”– đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trải lòng.
Tuy vậy, phim“Phượng Khấu” cóthành công hay không còn phải đợi đến ngày chính thức công chiếu. Cho đến thời khắc này, chắc chắn vẫn còn không ít những lo ngại, những nghi hoặc về khả năng làm phim lịch sử của điện ảnh. Nhưng có lẽ dòng phim lịch sử Việt đang dần chuyển mình với những bước đi đầy khó nhọc nhưng đáng trân trọng./.
Từ khóa: Phượng Khấu, Diễm My 9x, Hồng Đào, Huỳnh Tuấn Anh
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN