Đánh thuế mua bán BĐS theo thời gian sở hữu: Hạn chế được đầu cơ?

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Đánh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) theo thời gian sở hữu để tránh đầu cơ như một số nước là việc phải làm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận mới có thể tránh được tình trạng khai thiếu, khai không đúng để tránh "né" thuế.

Kỳ vọng hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản

Tại dự thảo tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu quy định thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ.

Theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành của Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ BĐS của người chuyển nhượng. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính dẫn chứng như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%. Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%; thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%; trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

"Để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước", Bộ Tài chính cho biết.

Bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ mua bán nhà đất theo thời gian sở hữu sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ. Tuy nhiên, muốn xác định được việc mua đi bán lại các bất động sản phát sinh ngay trong giai đoạn đầu thì dữ liệu phải đầy đủ.

“Trong luật thuế phải quy định thật đầy đủ các trường hợp, bởi có người mua nhà xong vì một lý do nào đó như cần vốn nên phải bán ngay sẽ khác trường hợp mua xong bán luôn nhằm sinh lời”, ông Đính nói, đồng thời cho rằng, nên yêu cầu nộp thuế với những trường hợp có thu nhập, tức là bán có lãi, như thế mới đảm bảo công bằng với người dân. Thuế được tính trên chênh lệch giá bán và giá mua, sau đó trừ các chi phí phát sinh như lãi vay ngân hàng.

“Nguyên tắc tính thuế là có lãi mới phải nộp thuế. Khi đó, nếu bán ngay trong vài ba tháng đầu sau khi mua sẽ áp thuế suất cao trên lợi nhuận mà người bán thu được, nếu 3 - 5 - 7 năm sau mới bán, mức thuế sẽ thấp hơn”, Phó Chủ tịch VNREA đề xuất.

Có làm tăng giá bất động sản?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần thiết phải có những quy định về việc đánh thuế cao với những tài sản không đưa vào sử dụng hoặc đưa vào sử dụng không đúng mục đích. Bởi thực tế hiện nay tại các thành phố lớn, nhiều khu đô thị dù có vị trí đắc địa vẫn bị bỏ hoang nhiều năm do tình trạng đầu cơ. Dòng tiền thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tạo ra hàng hóa và việc làm cho nền kinh tế thì “chôn vốn” trong bất động sản trong một thời gian dài.

"Đó là một sự lãng phí, nhưng điều quan trọng hơn là nó tạo ra một sự nhếch nhác cho đô thị. Đánh thuế BĐS theo thời gian nắm giữ là việc phải làm để tránh đầu cơ, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh", PSG.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Trước ý kiến lo ngại việc đánh thuế trên có thể làm tăng giá BĐS khi chủ đầu tư tính cả vào giá bán, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, khi cung ít mà cầu quá cao thì "quyền lực" thị trường nằm trong tay người bán, việc cộng lên hay giảm đi phần lớn có thể do người bán quyết định. Nhưng khi cung - cầu được cải thiện thì việc đánh thuế sẽ giảm được đầu cơ, làm cho thị trường lành mạnh hơn.

“Đánh thuế cao hơn với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất trong thời gian ngắn là việc phải làm. Còn đánh thuế như thế nào thì quá trình làm luật sẽ có tính toán cụ thể hơn. Có thể tính toán đến phương án mua bán ngay trong năm thì nên đánh thuế cao, càng về sau càng thấp, sau 5 năm có thể đánh thuế rất thấp hoặc không đánh thuế…”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận

Bày tỏ đồng tình với đề xuất của cơ quan chức năng, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đánh thuế mua bán BĐS theo thời gian sở hữu đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Việc đánh thuế sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ và bong bóng BĐS. Theo đó, việc đánh thuế cao đối với các cá nhân sở hữu BĐS trong thời gian ngắn sẽ làm giảm tính thanh khoản của các hoạt động mua bán bất động sản với mục đích thương mại, mua đi bán lại để kiếm lời. Mặt khác, tính thanh khoản của việc mua bán BĐS với mục đích ở thực tăng cao, từ đó, giúp thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, triệt tiêu giá trị ảo do các hoạt động đầu cơ gây ra.

Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ cũng lưu ý, thuế là công cụ để điều tiết thị trường nhưng chính sách thuế cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận. Phải xây dựng được một hạ tầng quản lý về đất đai, liên thông giữa các đơn vị hành chính cấp tỉnh để truy rõ số lượng BĐS một cá nhân sở hữu. Như vậy, mới tránh được tình trạng khai thiếu, khai không đúng để tránh "né" thuế.

“Cần nghiên cứu cách đánh thuế BĐS sao cho không xảy ra trình trạng "chồng thuế" khác cũng là điểm phải lưu ý”, GS. Đặng Hùng Võ nói thêm.

Từ khóa: thuế, thuế mua bán BĐS, thuế chuyển nhượng bất động sản, đầu cơ bất động sản

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: diệp diệp/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập