Dành đất vàng nuôi và nhân giống cá cảnh ở Hà Nội
Cập nhật: 19/09/2022
[VOV2] - Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều làng nghề cá cảnh ở Hà Nội thu hẹp diện tích nuôi và nhân giống. Nhưng đáp ứng nhu cầu người chơi ngày càng nhiều, người nuôi cá cảnh vẫn tiếp tục làm nghề bằng sự đam mê và sáng tạo.
Chuyện của một người nuôi cá cảnh
Nhiều người sinh ra, lớn lên, tuổi thơ gắn bó với Hà Nội sẽ không quên những buổi cùng bạn bè đạp xe lên Hồ Tây, nơi có nhiều con phố gắn với nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh như Nghi Tàm, Yên Phụ, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám… mua về nuôi chơi. Ở Yên Phụ hiện chỉ còn vài ba hộ theo nghề. Ngọc Hà chỉ có duy nhất một hộ gia đình nuôi cá cảnh sinh sản cung cấp cho thị trường.
Nằm sâu trong ngõ nhỏ làng Ngọc Hà, khu trại nuôi cá cảnh của anh Trần Thắng như lọt giữa khối nhà bê tông cao tầng, thanh bình và yên ả. Từ 5h sáng đều đặn mỗi ngày, anh đều sang các hồ ở Long Biên vớt hồng trần (một loại vi sinh vật sống dưới nước) về làm thức ăn cho cá.
“Đô thị hóa khiến các ao hồ bị thu hẹp và cũng ô nhiễm nên không còn hồng trần nữa. Tôi làm nghề này phải chịu khó kiếm đồ ăn vừa rẻ và cũng an toàn với cá cảnh. Ăn thức ăn công nghiệp cũng được nhưng đắt đỏ, tăng chi phí mà cá lại không khỏe, màu sắc không đẹp”- Anh Thắng giải thích về việc sống gần Hồ Tây mà phải đi tìm hồng trần ở các ao hồ xa.
Giữa tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, đất vườn nhanh chóng thành nhà cao tầng, việc xây nhà cho thuê trên "đất vàng" cũng đủ thu nhập cho cuộc sống, nhưng anh Thắng dành cả khoảng vườn mấy trăm mét để nuôi cá cảnh sinh sản. Điều này theo anh Thắng bắt nguồn từ đam mê từ những năm tháng tuổi trẻ.
Năm 2003, khi xí nghiệp nơi anh công tác ít việc, thu nhập không còn đảm bảo cuộc sống, anh Thắng xin nghỉ để bước hẳn vào nghề nuôi cá cảnh. Khu vườn từ thời cha ông để lại được vợ chồng anh cải tạo bằng việc xây các bể xi măng nhiều kích cỡ cùng bể kính trên cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm cộng thêm việc học hỏi anh em đồng nghiệp ở làng nghề Nghi Tàm, Quảng Bá, học hỏi kho kiến thức khổng lồ trên mạng giúp anh Thắng qua nhiều lần thử sai đã chính thức bước vào nghề chăm sóc, nuôi dưỡng cá cảnh sinh sản.
Công việc này theo anh cần sự tỉ mẩn, cẩn trọng từ việc hiểu về các giống cá, về nước, nhiệt độ. Khí hậu miền Bắc 4 mùa thay đổi khó lường, chỉ sơ sểnh cá sẽ chết cả loạt. Trời nóng sẽ chỉ tập trung dùng bể mặt đất, chiều đến phải thay nước để giảm nhiệt độ nước. Ngược lại mùa đông, người nuôi cá phải gia công che chắn bể, ngăn gió lạnh. Rồi còn phải hiểu tập tính khác nhau của từng loài cá, đặc biệt giai đoạn sinh sản. Các bể được phân chia theo từng giai đoạn sinh trưởng của cá. Bể này dành để ghép đôi cá, rồi tách cá chửa chờ ngày đẻ trứng. Bể kế bên cho cá mới nở. Cá được vài ngày, bơi ngang được rồi sẽ chuyển sang bể khác để chăm sóc và cho ăn.
“Cá chọi Thái mới nở bé như sợi tóc nhưng rất hay là khi nở ra phải tách cá mẹ ra để cá bố chăm. Cá bảy màu mắt đen không ăn con nhưng dòng này mắt đỏ thì ăn con mới nở kinh khủng, phải tách ngay. Phải hiểu từng loài cá, tập tính thì mới nuôi sinh sản được”, anh Trần Thắng giải thích.
Công việc của người nuôi cá cảnh luôn tay luôn chân và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng khi ngày càng nhiều giống cá nhập khẩu xuất hiện trên thị trường. Người làm nghề như anh Thắng phải nhanh nhạy trong việc nhập con giống, thuần dưỡng để sinh sản trong điều kiện thời tiết 4 mùa như ở Hà Nội. Điều này không dễ nhưng chính sự tìm tòi, tự chế tạo những công cụ thủ công để tăng hoặc giảm nhiệt sẽ cho ra những lứa cá chất lượng ngang hàng nhập khẩu mà giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu của người chơi.
Thu nhập từ nghề nuôi cá cảnh theo anh Trần Thắng hoàn toàn đủ trang trải nhu cầu cuộc sống gia đình, giúp anh chị nuôi hai cô con gái học xong sư phạm, đã ra làm nghề. Chị Tuyết vợ anh kể hồi mới cưới đã biết chồng ham mê cá cảnh nhưng để làm nghề thì chị chưa khi nào nghĩ tới. Cho đến thời điểm chồng quyết định cải tạo vườn ông bà để lại thành các bể nuôi, chị cũng đồng thuận vì biết tính anh đã quyết, đã thích thì chẳng ai cản nổi.
“Nếu cần cù, chăm chỉ thì sống cũng ổn, tất nhiên nhu cầu mỗi người mỗi khác. Nhưng điều mình thu được từ nghề ngoài thu nhập còn là niềm vui vì sự an yên trong tâm hồn, là tự làm chủ bản thân”, chị Tuyết chia sẻ thêm.
Nghề nuôi cá cảnh tỉ mẩn giữa không gian ngoài âm thanh của máy lọc nước cho các bể cá, tất cả đều tĩnh lặng và thanh bình. Làm một công việc mà ở đó, người ta thấy vui mỗi ngày, thấy hào hứng với kết quả và thu nhập đủ trang trải cho những nhu cầu cá nhân thì đó đúng là công việc của mình, cho mình.
Nghề cá cảnh nhìn từ góc độ Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Khu vực quanh Hồ Tây, Hà Nội có rất nhiều nghề nổi tiếng phục vụ cho những thú chơi hoặc ẩm thực tao nhã của người dân Thủ đô đến hôm nay vẫn còn. Nghề nuôi cá cảnh ở những làng như Nghi Tàm, Quảng Bá theo ông Trịnh Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam là một nghề như thế.
Tuy nhiên, do đô thị hóa, đất chật người đông, đất đai thu hẹp đã khiến nhiều gia đình bỏ nghề hoặc thu hẹp quy mô để giữ nghề truyền thống của gia đình mình. Trong khi đó, đời sống nâng cao đồng nghĩa nhu cầu chơi cá cảnh tăng nhiều trong những năm trở lại đây. Không còn dừng ở bể nuôi bằng xi măng ở cửa nhà, ban công hay bể kính cỡ nhỏ, người chơi đã chịu đầu tư cho những bể cá từ vài triệu đến vài trăm triệu, đồng nghĩa các loại cá cảnh cũng có nhiều mức giá khác nhau.
Dù số hộ nuôi ít đi nhưng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nổi tiếng với những người giỏi nghề, tài hoa khi ngoài các giống cá cảnh bản địa còn du nhập và nuôi sinh sản thành công nhiều giống cá cảnh nhập ngoại với những phẩm chất về hình thể, sắc màu tương đương và giá thành phù hợp số đông người chơi.
Nếu các nghề thủ công mỹ nghệ đã có các hình thức tôn vinh như trao tặng danh hiệu cho những cá nhân có tay nghề và kỹ năng nghề như nghệ nhân ưu tú, theo ông Trịnh Quốc Đạt cũng nên áp dụng hình thức này với những nghề như nuôi cá cảnh đạt tới trình độ cao gồm kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh và cả kỹ thuật phức tạp, sáng tạo trong điều kiện khó khăn vẫn lai tạo được những giống cá cảnh nhập ngoại có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế khuyến khích các bạn trẻ theo nghề. Nhờ công nghệ hiện đại hỗ trợ, dù hạn chế diện tích mặt bằng, người làm nghề hoàn toàn có thể gây dựng các trang trại quy mô vừa và nhỏ mà vẫn cho ra những lứa cá cảnh thành phẩm đạt yêu cầu thị trường. Điều quan trọng nhất theo ông Quốc Đạt nằm ở sự say mê công việc để có thể thực hiện tất cả các phần việc bị gọi như “con mọn”. Sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng cần có ở người làm nghề nuôi cá cảnh khi phải lưu tâm đến nguồn nước, nhiệt độ, thời gian sinh trưởng, đặc tính từng loài cá… Việc tự tìm tòi, học hỏi sẽ giúp người làm nghề cập nhật được xu hướng.
Hiệp hội làng nghề trong những năm gần đây có những chính sách phong tặng bảng vàng các gia đình giữ nghề truyền thống nhằm khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi để giữ gìn nghề truyền thống, trong đó có nghề nuôi cá cảnh. Bởi lẽ đây không chỉ đơn giản là câu chuyện thu nhập mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa, nét thanh lịch của người Hà Nội.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Từ khóa: cá cảnh, nghề nuôi cá cảnh, nghề truyền thống, làng nghề, nghề, Trần Thắng, nuôi cá, Yên phụ, Ngọc Hà, VOV2
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2