Đăng tải hình ảnh người khác như thế nào cho đúng luật?
Cập nhật: 22/06/2020
VOV.VN - Đăng tải hình ảnh khi chưa được phép, hay xuyên tạc, đăng thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội ra đời cùng các thiết bị di động smartphone được nhiều người sở hữu đã tạo điều kiện cho tin giả bùng phát mạnh mẽ.
Hơn thế nữa, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc cách thức thông tin. Tin giả (Fake news) là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung và được khuếch tán rất nhanh trên Internet và các phương tiện truyền thông.
MC Trấn Thành phản ứng trước thông tin giả mạo bôi nhọ danh dự anh. |
Thực tế cho thấy mức độ ảnh hưởng, lôi kéo dư luận của loại tin này là không hề nhỏ. Gần đây nhất là sự việc hai cô gái đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh của MC Trấn Thành cùng một số nghệ sĩ khác được cho là đang sử dụng chất kích thích khiến danh dự của MC này bị bôi nhọ và làm ảnh hưởng đến công việc.
Nghị định 15 của Chính phủ được ban hành coi như một bước đệm trong việc đảm bảo thắt chặt hơn Luật An ninh mạng. Đó là những quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay đang cảm thấy lo ngại do có thông tin với việc thực thi Nghị định 15, việc đăng tải hình ảnh của những người khác trên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của người đó thì sẽ bị xử phạt rất nặng.
Giải thích quy định của pháp luật Việt Nam về việc đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp thông tin: “Quyền về hình ảnh là một trong những quyền về nhân thân, đời tư cá nhân của công dân đã được Hiến pháp qua các thời kỳ của Việt Nam ghi nhận. Sau Hiến pháp có Bộ Luật Dân sự cũng quy định bảo vệ quyền hình ảnh của công dân.Nếu quyền về hình ảnh bị xâm phạm thì công dân, cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền hình ảnh của mình dừng hành vi đó. Nếu không dừng thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, xử lý vi phạm, có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trong trường hợp đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh chụp chung với bạn bè, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết về nguyên tắc là phải xin phép vì mỗi cá nhân đều có quyền tự do về hình ảnh. Khi chúng ta đăng tải hình ảnh lên không xin phép mà người bạn cũng không phản đối thì có thể không đặt ra trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nếu người đó không đồng ý thì có quyền yêu cầu gỡ bỏ theo Điều 32 của Bộ Luật Dân sự.
Việc chụp lại hình ảnh không đẹp của ai đó và đăng tải lên mạng xã hội làm xấu hình ảnh của họ, đặc biệt là những người của công chúng. Vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc, tránh việc quay lén, chụp trộm. Thậm chí có nhiều trường hợp đăng tải làm xấu hình ảnh của người khác còn kèm theo những lời bình luận mang tính chất giễu cợt hoặc xúc phạm thì đây rõ ràng là những hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ có những hành vi như sử dụng hình ảnh để làm bằng chứng tố cáo có những người vi phạm giao thông hay những hành vi tấn công gây tổn hại đến sức khỏe; đập phá tài sản của người khác; trộm cắp, cướp giật,… thì công dân hoàn toàn có quyền sử dụng thông tin, hình ảnh đó làm bằng chứng để tố cáo.
Việc đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý của người đó sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, có 3 hành vi có thể bị xử phạt hành chính bao gồm: “Thứ nhất, hành vi lưu giữ, sử dụng hình ảnh của người khác đã là vi phạm pháp luật.Thứ hai là hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không được đồng ý. Ví dụ như có những dịch vụ yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh nhưng hình ảnh chỉ được cung cấp cho dịch vụ đó, nếu tiếp tục sử dụng không được sự đồng ý của người có hình ảnh, có thông tin với mục đích khác cũng là hành vi vi phạm pháp luật.Thứ ba là hành vi được phép sử dụng hình ảnh nhưng lại phát tán trái phép lên không gian mạng mà người ta không đồng ý.
Tất cả những hành vi sử dụng, chia sẻ trái phép hình ảnh, thông tin của người khác đều bị phạt hành chính với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đối với những hình ảnh mang tính chất bạo lực, dâm ô, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác thì không chỉ phạt với mức như vậy mà mức phạt có thể lên đến 50 đến 70 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Trong trường hợp hai cô gái tung tin vu khống MC Trấn Thành cùng các nghệ sĩ khác sử dụng chất kích thích mới đây làm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của MC Trấn Thành và làm ảnh hưởng đến công việc của anh, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, thông tin về đời tư cá nhân gây phản cảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thu nhập, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân MC Trấn Thành.
“Việc giữ gìn hình ảnh nghệ sĩ rất quan trọng. Trong trường hợp này tôi nghĩ rằng việc Trấn Thành và những nghệ sĩ khác lên án phản đối, thậm chí yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh làm rõ để trả lại công bằng cho các nghệ sĩ là một điều hoàn toàn cần thiết và cũng là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ".
Cũng theo luật sư Cường, những nghệ sĩ bị vu khống như vậy mà có đơn thư trình báo, tố giác kèm theo những thông tin, hình ảnh chứng minh việc đó thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc. Trường hợp người tố giác không chứng minh được việc đó là sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì chắc chắn những người này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.
Nếu hành vi đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như nghệ sĩ phải chịu tổn thương, hủy hợp đồng, gây sốc về tâm lý, ảnh hưởng đến đời sống riêng tư với mức độ nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống và đối mặt với mức án phạt từ 2 năm đến 5 năm tù”./.
Từ khóa: Đăng tải hình ảnh người khác, xuyên tac, thông tin sai sự thật, quy định pháp luật, MC Trấn Thành
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN