“Đảng cần nắm lấy những thời cơ, vận hội mới để đưa đất nước phát triển”

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Đứng trước những thách thức của thời đại mới, Đảng cần nắm lấy thời cơ, vận hội để đưa đất nước phát triển và bước vào kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

Mùa xuân này, Đảng ta tròn 95 tuổi. 95 năm qua, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, để có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

Nhân dịp này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Chặng đường 95 năm và những dấu ấn lịch sử

PV: Trong lịch sử 95 năm hình thành và phát triển, Đảng ta đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Trong mấy nhiệm kỳ gần đây, theo ông, dấu ấn nổi bật của Đảng là gì?

PGS.TS Lê Văn Cường: Mùa xuân mới 2025, Đảng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập. Suốt một chặng đường lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng đã ghi lại rất nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Từ khi Đảng ra đời đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam; dẫn dắt đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những nhiệm kỳ gần đây, lấy mốc là 40 năm đổi mới, từ Đại hội VI đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đã đưa đất nước “thay da, đổi thịt”, vươn lên sánh vai với các nước trên thế giới.

Dấu ấn nữa mà chúng ta thấy là giữa lúc khủng hoảng, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu làm cho rất nhiều người hoài nghi, hoang mang, dao động, làm cho nhiều thế lực thù địch thấy vui sướng và người ta còn dự báo Việt Nam cũng sắp sụp đổ đến nơi. Bằng tất cả niềm tin vào sự vững mạnh, Đảng ta đã kiên trì, kiên định đề ra Cương lĩnh 1991 xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (được bổ sung, phát triển năm 2011).

Cùng với đó, Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại rộng mở, phá được thế bao vây, cấm vận. Từ nước bị bao vây, cấm vận thì nay chúng ta đã có quan hệ với hầu hết các nước và đặc biệt là các nước lớn, các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng các nước láng giềng.

Một điểm nhấn nữa là 2 nhiệm kỳ gần đây, tầm nhìn của Đảng không chỉ là một nhiệm kỳ mà là tầm nhìn nửa thế kỷ, phấn đấu 100 năm thành lập Đảng (2030) là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Những dấu ấn đó có thể nói là được cả thế giới ghi nhận.

Ở trong nước, có một dấu ấn không thể không không nói đến đó là, chúng ta đã vượt qua được những thách thức, hiểm nguy do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh mang lại. Chúng ta vượt qua Covid-19, kinh tế tăng trưởng dương trong khi thế giới tăng trưởng âm. Hay khi đối phó với siêu bão Yagi, chúng ta không chỉ vượt qua mà còn chứng kiến tinh thần đồng chí đồng bào tương thân tương ái rất tốt. Đó là những dấu ấn rất lớn mà để thế giới và nhân dân ghi nhận.

Chúng ta đã phát động cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và gần đây Tổng Bí thư Tô Lâm bổ sung thêm phòng, chống lãng phí. Công cuộc này đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược.

Hướng tới Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIV diễn ra vào 2026, Đảng ta đang tích cực tổng kết 40 năm đổi mới để có một nhận thức mới đưa vào nền tảng tư tưởng của Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.

Thêm một dấu ấn nữa, đó là chúng ta đảm bảo được ổn định chính trị, bảo đảm được tính ổn định và tính liên tục, thực hiện đúng phương châm đổi mới kinh tế là tiền đề để ổn định và từng bước đổi mới chính trị cho phù hợp.

Đảng cần nắm lấy thời cơ, vận hội để đưa đất nước phát triển

PV: Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Xin ông cho biết, những công tác trọng tâm để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới?

PGS Lê Văn Cường: Trước hết, chúng ta khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Những thành tựu, kết quả to lớn từ khi Đảng được thành lập đến nay đã khẳng định, Đảng ta xứng đáng được nhân dân, lịch sử tin tưởng giao phó những trọng trách.

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ. Cụ thể, phải nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng. Điều này rất quan trọng, bởi vì một Đảng duy nhất cầm quyền thì những thành công của sự nghiệp phát triển đất nước hay những cái chưa thành công, những hạn chế, thiếu sót cũng gắn với Đảng. Điều này xuất phát từ năng lực lãnh đạo, cầm quyền mà ở đây nó biểu hiện ở trình độ, trí tuệ, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Trong quá khứ, chúng ta đã đương đầu với những thế lực ngoại xâm hùng mạnh và đã vượt qua được. Bây giờ, đứng trước những thách thức của thời đại mới, Đảng cần nắm lấy thời cơ, vận hội để đưa đất nước phát triển và bước vào kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Đây là thời điểm hội tụ để nắm bắt được thời cơ do cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư mang lại. Do đó, Đảng phải nâng tầm trí tuệ lên để xứng đáng là người lãnh đạo.

Thứ hai, tôi cho rằng cần phải tập trung vào một phương thức lãnh đạo cầm quyền, như trong bài viết gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm và “tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”.

Thứ ba, về cuộc cách mạng về tinh giản, tinh gọn bộ máy để làm sao hiệu lực, hiệu năng, hoạt động hiệu quả. Đã 4 lần chúng ta làm cuộc cách mạng tinh giản rồi nhưng hiệu quả chưa cao. Bây giờ thời cơ đến rồi, nhất định phải làm cho bằng được, bởi vì 70 % nguồn thu của ngân sách chỉ để nuôi bộ máy, thế thì còn đâu nguồn thu để phát triển nữa. 

Một vấn đề nữa, như Bác Hồ từng nói, “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Do đó, làm sao về lãnh đạo phát triển kinh tế tức là phát triển tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng lãnh đạo phải đề ra được những quyết sách đúng đắn, để kinh tế phát triển, văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, để làm sao mọi người ứng xử với nhau văn hóa hơn. Còn nếu kinh tế phát triển nhưng văn hóa, đạo đức mà đi xuống thì cũng rất gay go.

Cùng với đó, Đảng còn phải lãnh đạo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; đối ngoại phải làm sao mang lại được vị thế của đất nước, đưa các đầu tư từ bên ngoài vào để tạo ra thế và lực phát triển đất nước. Đặc biệt, trong sự lãnh đạo không được bỏ qua, đó là vấn đề môi trường sinh thái.

PV: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Công tác này cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ như thế nào để tiếp tục xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh?

PGS Lê Văn Cường: Lãng phí cũng ghê gớm lắm, do đó cùng với tham nhũng, công tác phòng, chống lãng phí phải đẩy mạnh không nghỉ, không ngừng.

Nhớ lại giai đoạn khi mới phát động cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong cuốn sách của mình, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra số liệu là 93% người dân đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh này, tức là nó đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống rồi.

Đảng chỉ có mỗi mục tiêu vì nước, vì dân cho nên lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vì phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân nên cuộc đấu tranh này phải tiếp tục việc hoạt động và được tiến hành không ngừng, không nghỉ.

Để cuộc đấu tranh đi vào chiều sâu, theo tôi, việc đầu tiên, về nhận thức phải thống nhất. Vì thống nhất nhận thức thì tư tưởng mới thông. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, giặc nội xâm không có hình thù, nó không mang dao kiếm nhưng nó nguy hiểm, nó là giặc trong lòng. Vì thế cho nên về nhận thức phải thống nhất đây là một loại giặc, một kẻ thù phải chống chứ không có thể coi thường.

Bên cạnh đó là xây dựng các quy định, quy chế để xử lý cán bộ, đảng viên, xử lý những người mắc vào căn bệnh này. Như vừa rồi, Đảng ban hành Quy định 144 về về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Hay là như tới đây, chúng ta sẽ sửa các quy định về kỷ luật Đảng, kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; pháp luật cũng phải đồng bộ hóa, cũng phải sửa.

Cùng với đó, quá trình tổ chức thực hiện phải thống nhất, đồng bộ chứ không thể có câu chuyện địa phương này làm tốt, địa phương kia lại làm không tốt hoặc Trung ương làm tốt, địa phương làm không tốt, hoặc ngược lại.

Một điểm nữa là cần tổ chức thi đua, phát huy tấm gương người tốt, việc tốt, từ điển hình nhân ra diện rộng, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm minh, đồng bộ, đúng với quan điểm mà chúng ta đang làm là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.

Cuối cùng là phát huy vai trò, sự ủng hộ, tham gia của các phương tiện truyền thông, sự tham gia của nhân dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhất định sẽ đạt được những cái kết quả mới tốt hơn trong thời gian tới.

PV: Chúng ta sắp đi hết nhiệm kỳ Đại hội XIII. Bước sang năm mới 2025 này cũng là thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo ông, Đảng ta cần tập trung vào những công việc gì?

PGS Lê Văn Cường: Năm 2025 là năm cuối cùng chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị Đại hội các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tôi cho rằng, cần tổ chức thực hiện thật tốt công tác chuẩn bị đại hội cấp cơ sở. Bởi vì, chi bộ là tế bào của Đảng, là cái gốc, cái gốc có vững thì cây mới mạnh và phát triển được. Cho nên, cấp cấp cơ sở mà làm không tốt thì chắc chắn là lên đến cấp trên cũng sẽ có câu chuyện không tốt.

Để chuẩn bị tốt thì nhiệm vụ đầu tiên là công tác cán bộ. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta lại tách công tác cán bộ thành một mặt độc lập trong công tác xây dựng Đảng. Bởi vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ mà không tốt thì đường lối, chính sách có đúng đến đâu thì cũng không thể vào được cuộc sống. Cho nên phải làm tốt công tác cán bộ, phải chọn cho đúng nhân sự.

Chúng ta thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí làm rất tốt, được nhân dân ủng hộ, đồng tình, nhưng bên cạnh đó, bài học về công tác cán bộ trong cuộc đấu tranh này cũng cần phải được nhắc lại. Tại sao đồng chí này mới được đề bạt, bổ nhiệm, lúc đưa ra thì nói có uy tín cao, hoàn thành tốt nhưng đến khi ngã ngựa, bị kỷ luật thì mới thấy rằng có những sai phạm từ thời gian trước, thậm chí từ nhiệm kỳ trước. Đó cũng là khuyết điểm trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị văn kiện đại hội, kể cả từ cấp cơ sở là phải “trúng”, phải sát. Vì đôi khi ở đâu đó nghị quyết của cấp dưới còn chung chung, xa rời, không gắn với địa phương, đơn vị mình, nên mới dẫn tới câu chuyện đề ra nghị quyết cho hay, đến khi tổ chức thực hiện thì bị vướng, bởi vì nó chung chung quá.

Hướng tới nhiệm kỳ Đại hội XIV, tôi cho rằng cần tích cực làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu. Đại hội Đảng rất quan trọng, phải làm sao ở các cấp trở tổ chức thành đợt sinh hoạt chính trị để nhân dân, đảng viên hiểu và từ đó thấm nhuần hơn đường lối của Đảng.

Việc chuẩn bị đại hội các cấp tới đây cần phải làm thật tốt. Làm tốt ở cơ sở cũng chính là nơi để lựa chọn, sàng lọc, giáo dục và cũng là nơi giới thiệu cán bộ cho cấp trên. Cho nên phải làm thật tốt từ cơ sở thì mới góp phần vào thành công của Đại hội cấp trên và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đã đủ thế và lực, ý chí và quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, không thể chậm trễ hơn

VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội

VOV.VN - Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm, điều kiện tiên quyết để Quân đội nhân dân tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân.

Từ khóa: Đảng, Đảng, 95 năm ngày thành lập Đảng, xây dựng Đảng, tham nhũng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: kim anh/vov.vn (thực hiện)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập