“Dân tin - Đảng cử”: Bước đột phá xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh ở Quảng Ninh
Cập nhật: 16/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Quảng Ninh là địa phương đi đầu thực hiện quy trình “Dân tin - Đảng cử” trong tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đồng bộ với bầu Trưởng thôn, bản, khu phố, hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.
Dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn ở hơn 1.400 thôn, bản, khu phố đang thổi một luồng gió mới, tạo khí thế mới tại địa phương nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Người “gánh hai vai” ở cơ sở
Từ năm 2015 đến nay, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) 3 lần tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) quy mô lớn phục vụ các dự án trọng điểm, thì cả 3 lần, gia đình anh Đinh Khắc Trường (thôn 3, xã Đường Hoa) đều thuộc diện thu hồi đất với gần 8.000m2. Phục vụ GPMB cho dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, anh Trường đồng thuận, ký kết và bàn giao mặt bằng chỉ trong 1 ngày. “Tất cả từ huyện, xã đến thôn, ai không hiểu thì người ta nói cho hiểu, làm nhanh chóng và đúng thủ tục, không để người dân thiệt thòi. Thôn rất sát thực với dân, có công việc gì từ nhỏ chí lớn cũng có thôn. Chúng tôi cũng cậy nhờ người sát thực nhất, cô Thiệp Trưởng thôn tới động viên, nhiệt tình, trách nhiệm. Chúng tôi nghe ra thì chúng tôi ký”, anh Trường vui vẻ.
Bà Đinh Thị Thiệp, Bí thư, Trưởng thôn 3 (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) chia sẻ, GPMB chỉ là một trong những nhiệm vụ rất khó được thôn 3 triển khai hiệu quả nhờ sự vào cuộc thống nhất, đoàn kết của cấp uỷ, chi bộ và tham gia tích cực của đoàn thể thôn với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực: “Trước kia mình là Bí thư thì chỉ ra chủ trương thôi, nhưng bây giờ đóng “2 vai”, vừa ra chủ trương, vừa là người thực hiện luôn, đến từng nhà để gặp gỡ từng gia đình, dùng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ sự chỉ đạo trong sinh hoạt chi bộ, tất cả Đảng viên và trưởng các chi đoàn, chi hội đều vào cuộc, chia từng cụm dân cư để vận động, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Bà còn có cách làm riêng: “Chúng tôi thành lập nhóm Zalo thôn, có thông tin gì đưa lên để người dân hiểu. Bà con cứ thả tim, thả like liên tục”.
Từ khi có mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, việc của thôn là trọng trách của chi bộ, việc của chi bộ cũng là tâm huyết, trách nhiệm của thôn. Thông qua gần dân, sát dân và hiểu dân, nghị quyết của chi bộ thôn không chỉ bám sát chủ trương của cấp ủy cấp trên mà còn sát với thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống và tâm nguyện của người dân nên không còn khô cứng, khẩu hiệu, chung chung. Các buổi sinh hoạt chi bộ nhờ thế cũng sôi nổi hơn, dân chủ hơn, phát huy vai trò gương mẫu và trách nhiệm đi đầu của Đảng viên trong xây dựng và đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Anh Lý Tài Ngân, người dân ở thôn Khe Phương, xã vùng cao Kỳ Thượng, TP Hạ Long phấn khởi kể, thôn Khe Phương bây giờ không còn hộ nghèo, nhiều nhà thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ làm theo Bí thư - Trưởng thôn của mình: “Anh Vy Bí thư, Trưởng thôn rất năng động, vừa tham gia công tác xã hội vừa phát triển kinh tế gia đình rất tốt. Anh nắm bắt chủ trương, tuyên truyền xuống bà con và là người thực hiện luôn. Chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn bà con rất là dễ hiểu và nắm được ngay. Như gia đình anh Vy trồng quế, phải bón phân, bà con thấy quế tốt thì giờ trồng cũng bón phân theo anh Vy rồi, rất là ủng hộ.”
“Dân có tin thì Đảng mới cử”
Thời điểm cách đây hơn 6 năm, tỉnh Quảng Ninh có hơn 1.500 thôn, bản, khu phố thì mới chỉ có gần 33% số Trưởng thôn, bản, khu phố là Đảng viên, tỷ lệ chưa qua đào tạo còn rất cao. Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn cũng mới chỉ chiếm hơn 20%. Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, nhất là trong hoạt động của đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp thôn, trên tinh thần “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm…” từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và triển khai nhiều Nghị quyết, Đề án, Chỉ thị về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện quyết liệt tinh giản bộ máy, biên chế…vv..; nhất là tổ chức thành công Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở đồng bộ với bầu Trưởng thôn, bản, khu phố theo quy trình “Dân tin - Đảng cử”.
Với quy trình này, từ những Đảng viên có năng lực, uy tín tại địa bàn dân cư, ban công tác mặt trận thôn sẽ lấy ý kiến nhân dân để chọn lựa, giới thiệu bầu làm Trưởng thôn. Khi trúng cử, trưởng thôn mới được cấp uỷ giới thiệu để bầu bí thư chi bộ.
Ông Nguyễn Kim Anh, Bí thư Huyện uỷ Hải Hà cho biết: “Đây là việc gắn liền với quyền lợi của người dân, dân tin trước rồi mới tổ chức bầu cử. Hải Hà đã thực hiện một cách khoa học và bài bản công tác chuẩn bị bầu cử qua các vòng hiệp thương, nắm bắt dư luận của nhân dân để chọn Đảng viên, giới thiệu ra để bầu trưởng thôn trước bằng các bước quy trình khách quan, dân chủ, công khai. Công tác đại hội chi bộ sau đó cũng tiếp tục được phát huy nên các chi bộ thôn đều đạt kết quả rất cao”.
Vừa là người đứng đầu trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương của địa phương ở địa bàn dân cư, vừa là “cầu nối” của nhân dân với các cấp uỷ, chính quyền, yêu cầu về năng lực, đạo đức đối với đội ngũ bí thư - trưởng thôn là không hề nhỏ.
Ông Lý Văn Bình, Phó Bí thư thường trực huyện uỷ, Chủ tịch HĐND Bình Liêu nhấn mạnh: “Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Để làm tốt công tác cán bộ thì ngay từ những nhiệm kỳ trước, chúng tôi đã có sự chuẩn bị để lựa chọn về con người. Những quần chúng có uy tín, năng lực, trình độ sẽ được định hướng dìu dắt vào đội ngũ của Đảng, đưa vào các ban chi uỷ, bồi dưỡng tạo nguồn cho nhiệm kỳ sau.
Nhất thể hóa thành công và triển khai hiệu quả mô hình 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo quy trình “Dân tin, Đảng cử” ở Quảng Ninh trong những năm qua là kết quả được đúc kết từ đòi hòi và kinh nghiệm thực tiễn, với lộ trình trình triển khai bài bản, thận trọng, khách quan, dân chủ, trong đó chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân sự; quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ “gánh trọng trách hai vai”, gắn với kiểm soát quyền lực thông qua tăng cường giám sát và phản biện xã hội. Đây là mô hình với cách làm sáng tạo, với quyết tâm chính trị cao nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối lớn của Đảng trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Một trong những vấn đề căn cốt hiện nay là làm thế nào sinh hoạt chi bộ đổi mới về nội dung và hình thức, đội ngũ cán bộ Đảng viên gắn bó với nhân dân, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân và đặc biệt là Đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân, từ nơi sinh hoạt đến nơi công tác. “Dân tin - Đảng cử” là mô hình rất điển hình trong việc người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp bầu ra Trưởng thôn, bản, khu phố và thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, vì vậy đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng viên tại cơ sở cũng như nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng”.
“Nói dân tin, làm dân theo” là một trong những thước đo hiệu quả của mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố thông qua quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử” ở Quảng Ninh. Theo khảo sát, chỉ số lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng từ 73,3% năm 2016 lên 94% năm 2021.
Từ thực tiễn ở địa phương này cho thấy, khi người dân đã đặt trọn niềm tin, khi Đảng đã tin tưởng tiến cử, thì mỗi Đảng viên được bầu làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn bản, khu phố sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn, trách nhiệm cao hơn và trưởng thành hơn trong thực hiện trọng trách “gánh hai vai” của mình, góp phần trực tiếp xây dựng TCCS Đảng ngày càng vững mạnh toàn diện ở địa phương./.
Từ khóa: Dân tin - Đảng cử, xây dựng TCCS Đảng, bầu Trưởng thôn là Bí thư Chi bộ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN