Đan Mạch - đối tác tin cậy giúp Việt Nam phát triển năng lượng Xanh
Cập nhật: 09/06/2023
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng sang ưu tiên phát triển năng lượng Xanh bền vững. Đặc biệt điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn tham khảo các ý kiến quốc tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển. Là một trong những quốc gia tiên phong về năng lượng gió ngoài khơi, Đan Mạch ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững. Đây là những chia sẻ của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước thời gian tới.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Đại sứ Nicolai Prytz: Theo tôi, Việt Nam và Đan Mạch có tất cả các điều kiện để trở thành đối tác tuyệt vời trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Đan Mạch có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp điện gió. Ngay từ đầu những năm 90, trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên đã được xây dựng ở Đan Mạch.
Vì vậy, chúng tôi đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, không chỉ riêng các kinh nghiệm của Đan Mạch mà còn các kinh nghiệm quốc tế vì chúng tôi có rất nhiều các nhà đầu tư Đan Mạch đang đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi trên khắp thế giới, chẳng hạn như ở châu Á là Hàn Quốc. Việt Nam hiện nay, với một nền kinh tế tăng trưởng không ngừng, đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Để tiếp tục đà tăng trưởng, Việt Nam sẽ cần nhiều năng lượng.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz. Ảnh ĐSQ Đan Mạch tại Việt Nam |
Chính phủ việt Nam cũng có cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050. Hai yếu tố này dẫn đến việc Việt Nam cần đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và chúng ta cần phải có các hành động ngay bây giờ.
So sánh với toàn bộ các quốc gia ở châu Á, Việt Nam có các điều kiện thuận lợi hơn nhiều để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào, các chuỗi cung ứng và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định, v.v. Vì vậy, tôi nghĩ hai nước chúng ta sẽ là những đối tác tuyệt vời khi một bên có kinh nghiệm, kiến thức và một bên có tiềm năng và điều kiện thuận lợi.
PV: Vâng Việt Nam có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn mới ở Việt Nam rất cần tham khảo ý kiến quốc tế. Là quốc gia phát triển mạnh về điện gió ngoài khơi, Đan Mạch có thể chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giúp Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu phát triển?”
Đại sứ Nicolai Prytz:Vâng, như tôi đã nói, Đan Mạch chúng tôi có hơn 30 năm kính nghiệm trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm muốn chia sẻ với các đối tác Việt Nam. Tôi cho rằng điều Việt Nam cần làm ngay là lập ra một lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Chúng ta đã có các mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, nhưng chúng ta cũng cần lập kế hoạch chi tiết cũng như hướng đi cụ thể để khởi động các bước đi cụ thể. Điều này hết sức quan trọng vì có rất nhiều nhà đầu tư đang muốn xem xét đầu tư vào Việt Nam và đóng góp vào quá trình phát triển ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay, với một nền kinh tế tăng trưởng không ngừng, đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng. Như tôi đã nói ở trên, Chính phủ Việt Nam cũng có cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050. Hai yếu tố này dẫn đến việc Việt Nam cần đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và cần phải có các hành động ngay bây giờ. Những ý kiến của chuyên gia quốc tế là vô cùng quý báu qua đó giúp Việt Nam có những cơ chế, chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Thái tử kế vị Đan Mạch (thứ tư từ trái sang) dự chương trình trải nghiệm điện gió cùng các em học sinh Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
PV: Ở góc độ thu hút nguồn vốn cho các dự án triển khai tại Việt Nam theo ông các nhà đầu tư Đan Mạch cũng như quốc tế mong đợi điều gì nhất từ chính phủ Việt Nam?
Đại sứ Nicolai Prytz:Các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi hiện nay đang rất cần một khung pháp lý và các chính sách, quy định rõ ràng, ổn định và minh bạch. Điều này đóng vài trò cực kỳ then chốt trong các quyết định của họ. Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều các lợi ích kinh tế thu được việc phát triển công nghiệp điện gió ngoài khơi.
Các tập đoàn nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư bởi vì Việt Nam là một đất nước thú vị, nhưng quan trọng hơn, họ quyết định đầu tư vì họ tin vào cam kết phát triển năng lượng sạch của chính phủ. Tuy nhiên, nếu như Việt Nam không thể thực hiện được cam kết này, một số nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc chuyển đầu tư của họ sang thị trường khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5