Dân kinh doanh ở Đà Nẵng đồng loạt trả mặt bằng, lay lắt chờ Tết
Cập nhật: 04/10/2020
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
Sương muối, băng giá gây ảnh hưởng hàng chục ha cà phê tại Sơn La
VOV.VN - Sức mua yếu, tiền thuê hàng tháng cao, thu không đủ bù chi nên nhiều hộ kinh doanh ở Đà Nẵng trả mặt bằng cắt lỗ, một số cố duy trì, hy vọng đến cuối năm sẽ khá hơn.
Những ngày qua, nhiều người kinh doanh buôn bán cho biết rất vất vả mới thương lượng được với chủ nhà để trả lại mặt bằng trên đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, Đà Nẵng mà trước đây họ thuê mở shop bán áo quần, giày dép.
Trả mặt bằng cắt lỗ
Chị Hoàng Thị Oanh (chủ cửa hàng quần áo) cho biết chị đã thuê toàn bộ tầng 1 căn nhà với giá 12 triệu đồng/tháng, thời gian 12 tháng theo hợp đồng và trả trước 6 tháng. Sau khi thuê, chị đầu tư thêm khoảng 130 triệu đồng để mua sắm kệ trưng bày, sửa sang lại và lắp đặt bảng hiệu. Tuy nhiên mới hoạt động được gần 2 tháng, cửa hàng phải đóng cửa vì Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2.
“Mình mới kinh doanh được khoảng 2 tháng thì dịch bệnh nên phải đóng cửa. Thời gian đầu mới mở, khách cũng chưa quen nên thu chỉ đủ bù chi. Đùng một cái dịch bệnh, mình nghỉ. Hợp đồng đã ký, tiền đã đóng 6 tháng, giờ mình trả là vi phạm hợp đồng, phải bồi thường cho người ta”, chị Oanh cho biết.
Cũng theo chị Oanh, chủ nhà thông cảm, không phạt theo hợp đồng. Số tiền chị đã trả 6 tháng, qua thương lượng, chủ nhà bớt lại cho 2 tháng. “Mình đăng Facebook sang nhượng cửa hàng nhưng không có ai mua. Một số người hỏi nhưng trả giá thấp quá, không sang được. Mình kinh doanh nhỏ, tính sơ bộ đã lỗ khoảng 150 triệu đồng. Bây giờ vợ chồng cố bán hàng qua mạng, hy vọng gỡ được phần nào để trả nợ vì vốn bỏ ra đầu tư là vay mượn bà con, bạn bè”, chị Oanh chia sẻ.
Cùng trên tuyến đường Phan Châu Trinh, nhiều người thuê mặt bằng mở cửa hàng kinh doanh cũng phải trả vì buôn bán ế ẩm. “Trả để cắt lỗ chứ cứ duy trì như bây giờ thì sạt nghiệp. Mình phải cho 2 nhân viên nghỉ việc vì một ngày chỉ lác đác vài ba khách mua hàng thì lấy gì trả tiền công. Mình rao sang nhượng cả tuần nay nhưng không ai hỏi. Thôi thì cố thêm ít ngày nữa, tình hình không khá lên thì đóng cửa, trả mặt bằng rồi tính đường khác”, chủ một cửa hàng cho biết.
Theo ghi nhận của PV , trên các tuyến phố vào loại sầm uất bậc nhất ở Đà Nẵng như Hùng Vương, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh..., nhiều người cũng đã trả mặt bằng vì không bán được hàng.
Anh Công, chủ cửa hàng quần áo trên đường Lê Duẩn cho biết, dù thành phố đã trở lại trạng thái bình thường nhưng sức mua rất yếu, hàng anh lại là dòng cao cấp nên càng kén khách. “Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 30 triệu đồng nhưng hàng không bán được, mình đang tính trả lại chứ không thì lỗ nặng. Ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên người dân hạn chế chi tiêu. Hàng mình phục vụ giới trẻ, lại thuộc dòng cao cấp nên càng khó bán. Mình đang thương lượng với chủ nhà để xin lại một nửa tiền đã đóng. Được thì nhờ, còn họ không đồng ý mình cũng phải chịu vì hợp đồng thuê đã ký rõ ràng rồi”, anh Công cho biết.
Lắt lay chờ... Tết
Cũng trên phố thời trang Lê Duẩn, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh than thở, số hàng hóa tiêu thụ hiện nay chỉ bằng 10-20% so với trước đợt dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố gắng duy trì kinh doanh để chờ tình hình khá hơn, nhất là dịp cuối năm. “Tiền thuê mặt bằng mình đã đóng hết năm nên giờ cố duy trì. Hy vọng từ nay đến cuối năm kinh tế phục hồi, sức mua tăng”, anh Trần Thanh chia sẻ.
Vợ chồng chị Anh từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng thuê mặt bằng mở cửa hàng quần áo lập nghiệp mấy năm nay vẫn đang cố bám trụ, duy trì hoạt động. “Giờ trả mặt bằng thì cũng không có cách nào tốt hơn để làm ăn nên vợ chồng tôi cố bám trụ. Những tháng cuối năm và Tết hy vọng sức mua tăng. Bây giờ mình vừa bán trực tiếp vừa tranh thủ bán qua mạng. Nói chung là xoay đủ cách, vợ chồng thay nhau vừa trực shop vừa chạy giao cho khách đặt qua mạng”, chị Anh cho biết.
Là đại lý cấp 1 của hãng quần áo có tiếng V.T., những ngày qua anh Thành cố gắng xoay sở thêm vốn để duy trì cơ sở kinh doanh trên đường Lê Duẩn. Theo anh Thành, hiện tại rất khó khăn vì hàng không bán được nhưng anh vẫn cố gắng duy trì bằng cách cho các nhân viên tạm nghỉ, tiết kiệm các khoản chi phí về điện. “Khó khăn chung mà. Bán buôn có lúc này lúc khác nhưng hiện tại rất ảm đạm. Tôi vẫn cố chờ cuối năm. Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế chắc chắn được khôi phục và khi đó sức mua sẽ tăng. Hy vọng là như vậy”, anh Thành tâm sự.
Trao đổi với một số chủ cửa hàng trên các tuyến phố lớn, nhiều người cho biết dù khó khăn những vẫn cố bám trụ. Ngoài giảm số lượng nhân viên, các cơ sở này cũng thương lượng với chủ nhà giảm giá cho thuê mặt bằng. “Khó khăn nên nhiều người có mặt bằng cho thuê cũng đồng ý giảm 1/3 giá so với bình thường. Bởi nếu không giảm giá thì họ cũng để nhà không chứ hiện nay nhiều người trưng bảng cho thuê mặt bằng nhưng không có người thuê”, một chủ cửa hàng thời trang cho biết.
Dù không có con số thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận của PV thì trên các tuyến phố kinh doanh lớn ở Đà Nẵng, số cửa hàng dừng hoạt động, trả mặt bằng khá nhiều. Hầu hết số này là những hộ kinh doanh nhỏ, thuê mặt bằng mở cửa hàng, shop quần áo, giày dép. Nhiều người trả lại mặt bằng, thanh lý hàng để cắt lỗ vì đã quá giới hạn chịu đựng, một số cố duy trì, chờ tình hình khá hơn vào cuối năm.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN