Dàn hàng ngang ra biển, mạnh ai nấy làm

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Với đường bờ biển dài gần 700km, 3 tỉnh Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, quy mô kinh tế khu vực này đang thấp hơn nhiều so với các khu vực ven biển khác. Các lĩnh vực là thế mạnh của vùng này chưa được phát huy tương xứng, tình trạng chồng chéo đã kìm hãm sự phát triển của từng địa phương.


Ngoài những nguyên nhân chủ quan do địa hình chia cắt, thiên tai, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ còn có những điểm nghẽn nào khác? PV Thái Bình, thường trú khu vực miền Trung thực hiện loạt bài: “3 tỉnh Nam Trung bộ liên kết gỡ điểm nghẽn, xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh giàu”.

Bài 1: “Dàn hàng ngang ra biển, mạnh ai nấy làm”

Đến hết tháng 10 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã đón 9,5 triệu lượt khách, hoàn thành vượt mức kế hoạch đón 9 triệu lượt du khách của cả năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 3,8 triệu lượt, chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn các trung tâm du lịch khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh. Du lịch đã đem về cho tỉnh Khánh Hòa doanh thu gần 47 ngàn tỷ đồng. Trong lúc đó, 2 tỉnh lân cận như Phú Yên chỉ đón được hơn 23 ngàn lượt khách quốc tế; Ninh Thuận đón khoảng 100 ngàn lượt khách quốc tế.

Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa  cho biết, du khách thích thú khi về với Khánh Hòa vì du lịch biển đảo và các sản phấm mới trên biển. “Du khách khi đến Nha Trang họ chỉ biết Nha Trang thôi, để họ đi thêm 1-2 tour tuyến nữa, đó là sự lựa chọn khác. Số lượng khách đến Nha Trang sau đó đi Phú Yên, Ninh Thuận ít lắm vì giao thông quá dài, đi chơi kéo dài trên đường, mệt mỏi. Riêng đi Ninh Thuận cũng không thể đi ngược ra Phú Yên được. Du khách đang có nhiều sự lựa chọn, để  du khách hiểu được rất khó. Sản phẩm liên kết 1 cung đường 2 điểm đến, 3 điểm đến chưa phát triển tốt. Du khách chưa hiểu, chưa sử dụng sản phẩm này” - ông Nhựt nói.

Cho đến nay, 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chưa có mối liên kết trong phát triển du lịch. Mặt khác, tình trạng người dân tỉnh này sang tỉnh kia nuôi trồng thủy sản cũng đang diễn ra phức tạp tại Vũng Rô, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hay Đầm Môn, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Các địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý dẫn đến nhiều lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt tại các vùng biển của 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thuỷ sản và Du lịch Vân Phong cho rằng, vùng mặt nước ven bờ của các tỉnh này đang ô nhiễm, việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn.“Hiện nay, nuôi tôm không được vì chết hàng loạt, theo tôi do ô nhiễm nước. Bệnh đen mang, tôm không lớn đã gây chết đến 50%. Nuôi tôm chỉ dựa vô vùng êm để nuôi, xa bờ thì không dám ra đó làm. Ở ngoài Phú Yên cũng vậy, vùng nước đó bị mưa đột xuất, di dời không kịp nên chết hàng loạt”.

Tại khu vực Nam Trung bộ, các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu các dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Cả 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã đầu tư gần 20 cảng biển quy mô nhỏ và vừa nhưng chưa có cảng container. Vì thế, doanh nghiệp phải xuất, nhập khẩu thông qua các cảng ở khu vực miền Đông Nam Bộ, đẩy chi phí logictics lên cao. Trong khi đó, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, chưa có nhiều dự án công nghiệp, nguồn hàng ít, đặc biệt chưa có các dự án tạo động lực cho phát triển kinh tế biển. Nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên không chỉ trùng lặp giữa 3 tỉnh mà còn trùng lặp với nhiều địa phương lân cận như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam..., gây ra tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư. 

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, các tỉnh đang trùng lặp, thậm chí giẫm chân lẫn nhau, chưa hỗ trợ lẫn nhau:“Ba tỉnh như thế này thì dàn hàng ngang ra biển chứ còn chưa có những nét đặc trưng riêng, chưa tạo sự hấp dẫn khách du lịch. Các tỉnh đều tổ chức rất nhiều sự kiện như nhau, cũng là bơi thuyền, cũng là lướt ván, cũng là du lịch biển. Các sản phẩm du lịch như nhau thì khó có thể là kích thích du khách. Hiện nay các cảng biển đang khai thác, các tỉnh này cũng đang còn rất là vướng, vì chưa có những cụm công nghiệp, khu công nghiệp động lực”.

Tính đến năm 2023, 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có tổng số dân hơn 2,7 triệu người, chiếm 13% dân số toàn vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quy mô GRDP của 3 tỉnh ước đạt 219 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm 14%. Trong số 14 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, kết quả thu ngân sách của 3 tỉnh còn ở mức thấp; cụ thể tỉnh Khánh Hòa đứng thứ 7/14, Phú Yên đứng 11/14, Ninh Thuận đứng 13/14. Hai tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận chưa tự cân đối được ngân sách. Còn về quy mô kinh tế của mỗi tỉnh thì Khánh Hòa xếp thứ 32, Phú Yên xếp thứ 49 và Ninh Thuận xếp thứ 52 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc thiếu hợp tác, mạnh ai nấy làm là “điểm nghẽn” trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả 3 địa phương này:“Tỉnh nào cũng mong muốn để mình là mình phát triển nhanh hơn chứ còn trội hơn mình không nói. Chính vì cái nhanh đó, cho nên trong quá trình hợp tác thì mình vẫn chưa thật sự có một điểm chung. Trong các diễn đàn thì mình cũng đều mong muốn là cái chung đó được phát huy. Thật sự mà nói, trong quá trình thực hiện câu chuyện hợp tác là điểm nghẽn lớn”.

3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm 2 sân bay (Tuy Hòa và Cam Ranh); một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông. 3 tỉnh này cũng có điều kiện phát triển các khu kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp nhẹ; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ. Đây cũng là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Thế nhưng, việc liên kết giữa 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Các đô thị trong tiểu vùng chưa được liên kết thành một hệ thống thống nhất. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là cảng biển. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò "nhạc trưởng" định hướng, dẫn dắt của Nhà nước; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy... cũng là những điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, 3 địa phương này cần hỗ trợ nhau trong câu chuyện liên kết: “Khó khăn là chúng ta không có khuôn khổ pháp lý về vùng mà chúng ta chỉ có 4 cấp chính quyền, trung ương, tỉnh, huyện, xã. Như vậy, khó khăn làm thế nào để kết nối sự phát triển trong nội bộ từng vùng và giữa các vùng với nhau. Cái khó nữa là không có ngân sách cho vùng”.

Tại Hội nghị liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội 3 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận được tổ chức vào đầu năm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý các địa phương bám sát định hướng phát triển vùng theo Nghị quyết số 26/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các địa phương cần tập trung xây dựng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ trở thành "vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững mạnh về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương cần chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù chung cho 3 tỉnh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực để tạo động lực phát triển từng địa phương và của 3 tỉnh cùng cả vùng.“Hình thành các cụm liên kết ngành, phạm vi liên tỉnh, liên vùng thu hút và sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn,   giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng với tầm nhìn quốc gia và quốc tế. Các địa phương cần chủ động nghiên cứu, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực để tạo động lực phát triển từng địa phương, cả ba tỉnh và cả vùng”.

Nghị quyết số 26/2022 của Bộ Chính trị xác định phát triển các tỉnh Nam Trung bộ trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Đồng thời, thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Vậy, 3 địa phương này sẽ thay đổi như thế nào trong câu chuyện liên kết? Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong Bài 2: Liên kết tạo động lực xây dựng trung tâm kinh tế mạnh giàu của cả nước.

Cùng loạt bài: 3 tỉnh Nam Trung bộ liên kết gỡ điểm nghẽn, xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh giàu

Bài 1: “Dàn hàng ngang ra biển, mạnh ai nấy làm”

Bài 2: Liên kết tạo động lực xây dựng trung tâm kinh tế mạnh giàu của cả nước

Từ khóa: biển, Phú Yên,Khánh Hòa,Ninh Thuận

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thái bình/ vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập