Đảm bảo quyền của đồng bào tôn giáo và người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Cập nhật: 23/10/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Toàn tỉnh Đồng Nai có gần 2,3 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm hơn 2/3 dân số toàn tỉnh). Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư với 1,2 triệu lao động.
Ngày 23/10/2023, Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Đồng Nai phối hợp Văn phòng Thường trực Nhân quyền của Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Hội nghị tập huấn lần này tập trung cho đối tượng là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như đội ngũ cán bộ, chuyên viên trực tiếp tham mưu công tác liên quan đến quyền con người trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh nhận định, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua trên lĩnh vực nhân quyền, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, vẫn còn tồn tại một số vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT. Vì thế, Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền hàng năm là rất cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Dân số của Đồng Nai là hơn 3,3 triệu người, đứng thứ năm cả nước, với 51 dân tộc cùng sinh sống. Do yếu tố lịch sử để lại, Đồng Nai được xem là địa bàn phức tạp về tôn giáo. Toàn tỉnh có 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động, gần 2,3 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm hơn 2/3 dân số toàn tỉnh). Trong đó, riêng Công giáo đã có hơn 1,2 triệu tín đồ.
Bên cạnh đó, hiện nay Đồng Nai còn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư. Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp (01 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2023) và 01 khu công nghiệp công nghệ cao đang hoạt động với 1.584 dự án FDI và 1.087 dự án đầu tư trong nước. Các dự án đã giải quyết việc làm cho gần 1,2 triệu lao động; trong đó, hơn 1/4 là lao động ngoài tỉnh nhập cư sinh sống và làm việc, gần 8.000 lao động là người nước ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày các chuyên đề rất thiết thực như: “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; “Quyền của người lao động trong các công ước/điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh, Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh đề nghị các các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu rộng đến toàn thể Đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về công tác bảo đảm quyền con người. Cần phải nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, với mục đích đảm bảo quyền con người ngày càng tốt hơn trên các lĩnh vực.
"Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đất đai… Đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm, phải xử lý khéo léo, mềm dẻo, cương quyết ngay tại cơ sở, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo, đình công, lãn công; không để lây lan kéo dài, trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, kích động quần chúng hoạt động chống đối chính quyền"- Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn nhấn mạnh.
Từ khóa: Đồng Nai, tập huấn, nhân quyền, tôn giáo, người lao động, quyền tự do tôn giáo
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN