Đảm bảo quyền con người trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo
Cập nhật: 14/10/2021
TP.HCM sẽ ra mắt “cẩm nang đầu tư” dành cho kiều bào (18/1/2025)
Thành phố Hồ Chí Minh: Livestream bán hàng mua vé xe tặng công nhân về quê đón Tết (16/01/2025)
(VOV5) -Chính phủ đã ban hành khá đồng bộ, toàn diện các chương trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hỗ trợ toàn diện cho người nghèo.
Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đảm bảo quyền con người, nhất là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân theo quy định tại điều 34, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020. Điều này hướng tới đảm bảo toàn diện quyền an sinh xã hội của người nghèo, cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản như thông tin, việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, môi trường. Các chỉ số đo lường nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục, sự thiếu hụt việc làm của người lớn... đều đã được cập nhật, bổ sung.
Các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người nghèo được nhà nước quan tâm, bù đắp bởi hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày được cải thiện và nâng cao để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việt Nam cũng xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người một tháng tại khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng.
Hiện, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện công tác rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, giải pháp giảm nghèo. Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực để thực hiện hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội cho hộ nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý...
Song song với hệ thống chính sách giảm nghèo thường xuyên, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tập trung giải quyết các vấn đề nghèo đói trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có mục tiêu, có thời hạn đảm bảo quyền con người. Chương trình cũng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng lõi nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nghèo, đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm tốt, hỗ trợ đối tượng yếu thế không rơi vào tình trạng nghèo đói.
Khi triển khai mục tiêu bảo đảm quyền của người nghèo thông qua triển khai giảm nghèo bền vững, quan điểm bao trùm của Việt Nam là không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam cũng xác định đầu tư cho công tác giảm nghèo là đầu tư cho phát triển nhằm hỗ trợ người nghèo thoát nghèo, xây dựng cuộc sống khá giả; địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng tiêu chí nông thôn mới; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm, nhất là nâng cao thu nhập và bảo đảm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin…. để tiến tới xoá bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều.
Việt Nam cũng đổi mới chính sách giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới, nhằm sớm hoàn thành cam kết với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo đến năm 2030.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Chính sách giảm nghèo, hệ thống chính trị, phát triển bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5