Đảm bảo mạch máu giao thông cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cập nhật: 17/04/2024
VOV.VN - Với sự đoàn kết, đồng lòng của quân và dân ta, các “mạch máu” giao thông hướng về tiền tuyến luôn được đảm bảo, góp phầm làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", trên 26 vạn dân công trong cả nước đã thầm lặng vận chuyển số lượng lớn vũ khí, lương thực và các vật chất khác cho chiến trường. Trong kháng chiến, các tuyến đường ở Tây Bắc đã trở thành huyết mạch giao thông nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Liên khu III, IV với chiến trường Điện Biên Phủ và trở thành một mặt trận thực sự quyết liệt. Thế nhưng, với sự đoàn kết, đồng lòng của quân và dân ta, các “mạch máu” giao thông hướng về tiền tuyến luôn được đảm bảo, góp phầm làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngã ba Cò Nòi, thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - nơi giao nhau giữa hai tuyến quốc lộ 13A (nay là quốc lộ 37) và đường 41 (quốc lộ 6 hiện nay) là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa. Trong suốt chiều dài chiến dịch, thực dân Pháp đã ra lệnh cho không quân bằng mọi cách phải biến ngã ba Cò Nòi thành “bãi lầy”, hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế vũ khí, lương thực, dân công… cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong từ khắp các địa phương đã được huy động lên đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó thường trực tại Ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40. Các cựu thanh niên xung phong nơi đây đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bám đường, đảm bảo giao thông cho hàng nghìn chuyến hàng lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Cựu thanh niên xung phong Đội 40 Hồ Ngọc Toàn, sinh năm 1934, quê Nghệ An, hiện sinh sống tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La nhớ lại: "Tháng 2/1954, được xã đoàn thông báo tuyển thanh niên xung phong, mấy anh em cùng quê giúp nhau đăng ký tham gia. Ngày ấy tất cả thanh niên Nghệ An ra tập kích ở Thanh Hóa, sau đó hành quân lên Tây Bắc, toàn đi bộ, cứ 4 ngày nghỉ 1 ngày, vừa giữ sức, vừa phổ biến nhiệm vụ. Lúc đấy, Cò Nòi bắt đầu bị đánh phá rồi. Khi ấy, thanh niên xung phong chúng tôi làm bất cứ việc gì Đảng cần, từ vận tải, đến vận chuyển lương thực, đảm bảo giao thông".
Cũng như Sơn La, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện nhiệm vụ mở rộng tuyến đường 13 từ Việt Bắc qua Yên Bái lên Tây Bắc theo nhiệm vụ Trung ương giao, tỉnh Yên Bái đã huy động gần 125.000 lượt người, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới và sửa chữa 188km đường. Cùng với nhiệm vụ mở đường, quân và dân Yên Bái phải bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương tới mặt trận, trong đó có bến phà Âu Lâu, nơi đưa các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự vượt sông Hồng vào tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Bến phà Âu Lâu đã trở thành nơi thực dân Pháp tập trung bắn phá ác liệt suốt 200 ngày đêm với 2.700 tấn bom đạn. Để đảm bảo giao thông, vừa chống trả địch, tỉnh Yên Bái vừa huy động nhân dân trong vùng tập trung vật liệu bắc cầu phao qua sông, góp phần giảm thời gian và tăng số lượng vận chuyển hàng hóa cho mặt trận. Tính từ tháng 4/1952 cho tới khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có tới 300.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cùng hàng vạn lượt bộ đội, dân công qua bến Âu Lâu an toàn.
Ngoài những chuyến phà ròng rã vận chuyển, phải kể đến đội quân với hàng trăm lái đò, lái thuyền là người dân địa phương. Ban ngày lao động, sản xuất, chăm sóc bộ đội, đêm đêm lại hăng hái ra bến Âu Lâu chở bộ đội và phương tiện, vũ khí qua sông.
Ông Phạm Trung Tốn, người trực tiếp điều khiển những chuyến phà năm ấy kể lại: "Buổi chiều khoảng hơn 4h, nhân dân hai bên bờ đông vui, nào là phà máy, thuyền nan chở pháo, vũ khí, dân công, bộ đội qua sông. Pháo, vũ khí hạng nặng chủ yếu là đi phà và đi ban đêm. Lúc ấy máy bay địch thả biệt kích, thả pháo sáng nhưng anh em không sợ".
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được gần 2.700 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động được gần 17.000 dân công, 348 ngựa thồ, hàng trăm thuyền, mảng và hơn 25.000 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Đặc biệt, tuyến đường sông Nậm Na đã trở thành huyết mạch giao thông chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ Phong Thổ (Lai Châu) về Điện Biên Phủ.
Trước sức ép bom đạn của thực dân Pháp, nhân dân và du kích địa phương dọc hai bên bờ sông Nậm Na đã không quản ngại khó khăn, vất vả. Các lực lượng tại địa phương đã ngày đêm dốc hết tâm trí, cùng bộ đội và các đoàn vận tải vượt thác đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến bè, mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm để cung cấp cho mặt trận.
Phát huy tinh thần của chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Lai Châu hôm nay tiếp tục nỗ lực, đoàn kết để xây dựng miền biên viễn ngày càng phát triển. Ông Lê Chí Công, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu cho biết, ngày nay, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Lai Châu nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ đang ra sức phấn đấu, nỗ lực, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, để xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Ngoài việc bổ sung binh sĩ cho các đơn vị chiến đấu, cả nước đã huy động trên 26 vạn dân công để vận chuyển gần 15.000 tấn gạo, 30.000 tấn vật chất, 21.000 xe đạp thồ, 628 xe ôtô, 2.600 thuyền các loại và hơn một vạn con ngựa thồ cho chiến trường.
Quân và dân ta đã vượt mọi khó khăn “vượt nắng, thắng mưa”, trải qua “mưa bom, bão đạn” đảm bảo an toàn trên những cung đường để vận tải các chuyến hàng ra tiền tuyến. Những đóng góp thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã góp phần quan trọng để quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên mốc son lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, đập tan âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Từ khóa: Điện Biên Phủ, Biện Biên Phủ, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên, chiến dịch Điện Biên Phủ
Thể loại: Nội chính
Tác giả: an kiên/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN