Đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho Tết Tân Sửu

Cập nhật: 17/01/2021

[VOV2] - Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời điểm này, thị trường có gì thay đổi? Để ứng phó với những bất thường của dịch Covid 19, Bộ Công thương đã triển khai các hoạt động gì nhằm bình ổn thị trường hàng hóa Tết?

Lượng tiêu thụ hàng hóa của các siêu thị và các cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội đang có xu hướng nhích dần lên, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống và một số hàng đặc trưng cho Tết như đồ khô, bánh kẹo. Không ít người tiêu dùng cho rằng, hàng hóa năm nay đa dạng về mẫu mã chủng loại, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng nên người dân cảm thấy yên tâm hơn. Giá cả cũng không tăng nhiều so với ngày thường. Tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm và các siêu thị lớn, người tiêu dùng đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các mặt hàng sản xuất trong nước.

Theo các đơn vị cung ứng hàng hóa, số lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng tăng khoảng từ 7 đến hơn 20% so với năm trước. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết: “Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm Bộ Công thương chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố, Sở Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai các chương trình bình ổn thị trường. Bộ Công thương đã xây dựng chỉ thị 15 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để gửi các Sở Công thương. Đồng thời, cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các địa phương để giám sát tình hình. Theo báo cáo từ 63 tỉnh thành phố, công tác chuẩn bị hàng hóa đạt hiệu quả tốt, hy vọng đáp ứng đủ yêu cầu đối với người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, Bộ Công thương cũng đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó, đó là việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 04 và số 06 của Bộ Công thương xây dựng trong năm 2020 về đảm bảo công tác phòng chống dịch và ổn định kinh tế- xã hội bằng các giải pháp kích cầu, khuyến mại để hỗ trợ người dân mua sắm trong điều kiện nguồn cung dịch vụ và thu nhập bị hạn chế. Do vậy, nguồn hàng dự trữ trong dịp này tăng hơn 30% so với ngày thường, các vùng hải đảo do đặc thù khó khăn lượng dự trữ còn tăng tới 60-70%.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặc biệt quan tâm. Năm nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức các Hội nghị Kết nối cung cầu giới thiệu các sản phẩm là đặc sản địa phương, xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và đẩy mạnh kiểm soát thị trường. “Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương cũng đang nỗ lực thúc đẩy, tạo kết nối chuỗi thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến điểm phân phối phục vụ người dân”- bà Lê Việt Nga khẳng định.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người dân nên mua hàng hóa Tết tại các địa chỉ có uy tín, những cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để mua được các mặt hàng đảm bảo an toàn, chất lượng.

Từ khóa: thực phẩm, Tết Tân Sửu, giá cả, thị trường, bình ổn, an toàn, Lê Việt Nga, Bộ Công thương

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập