Đầm ấm mâm cơm Tất niên chiều 30 Tết
Cập nhật: 24/01/2020
Cụ ông 103 tuổi hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ não nhờ đến viện sớm
Bình Thuận phân bổ gần 300 tỷ cho chương trình mục tiêu quốc gia
VOV.VN - Quây quần bên mâm cỗ tất niên chiều 30 Tết với gia đình có một ý nghĩa thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu…
Mỗi độ xuân về, bắt đầu từ 23 tháng Chạp, ai cũng cảm nhận được không khí đầm ấm của Tết cổ truyền đang đến rất gần. Trong tâm thức mỗi người Việt mâm cỗ ngày Tết cổ truyền càng có ý nghĩa thiêng liêng. Quan trọng nhất là chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo, cúng tất niên, giao thừa và cúng tân niên vào sớm đầu tiên của năm mới. Ba ngày Tết cũng là dịp mọi người thành kính lễ tổ tiên, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình bền chặt. Vì thế Tết đến những người dù làm ăn xa, có điều kiện đều thu xếp trở về quê nhà ăn Tết.
Mâm cỗ Têt truyền thống. |
Theo truyền thống chiều 30 Tết, các gia đình sẽ sửa soạn mâm cơm cúng tất niên. Tùy theo điều kiện mỗi nhà, mỗi vùng miền mâm cỗ cúng tất niên bao giờ cũng được chuẩn bị công phu, với những món Tết đặc trưng không thể thiếu như bánh chưng, dưa hành, nem, giò, thịt đông, canh bóng... Bữa cơm tất niên đại gia đình quây quần đầm ấm, quên đi những lo toan bộn bề của năm cũ, nhớ về những người đã đi xa hay những thành viên xuân nay lỡ hẹn chưa về… và hướng đến một năm mới tốt đẹp.
Thời nay, công việc của mỗi người đều bận rộn, nhiều gia đình không đủ điều kiện để gói bánh chưng hay làm đầy đủ các món ăn truyền thống. Thay vào đó họ tìm đến các cơ sở quen có uy tín, đảm bảo chất lượng để đặt hàng.
Quan niệm về Tết thời này cũng có những thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhiều gia đình nhất là những gia đình trẻ có điều kiện kinh tế khá không còn chỉ “ăn Tết” mà còn hướng đến “chơi Tết”.
Chị Vũ Thu Hằng, phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, gia đình chị thường năm này về quê thì Tết năm sau đi du lịch đây đó bởi quanh năm làm việc vất vả, Tết nghỉ ngơi, để nạp năng lượng cho một năm mới làm việc tích cực hơn. Đi chơi cũng giúp vợ chồng con cái vui vẻ gắn kết với nhau bởi trong năm các thành viên trong nhà đều bận bịu nên thời gian dành cho nhau không được nhiều.
Tranh dân gian Hàng Trống. |
Nhớ lại những Tết xa xưa của nhiều chục năm về trước, ông Đỗ Văn Minh ở phường Khương Trung, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, Tết thời đó thực phẩm mua bằng “tem phiếu” nên kế hoạch “ăn Tết” phải từ rất sớm.
Hai vợ chồng ông lên kế hoạch để dành tem phiếu bằng cách đổi tem phiếu tháng này cho người khác “ăn trước” để dành cho đến tháng sau, cứ thế cho đến tháng Tết. Dùng tem phiếu tiết kiệm xếp hàng mua thịt lợn mông để gói bánh chưng, chân giò ninh măng. “Ngay từ cái lá dong cũng phải nhanh chân xếp hàng mua sớm mới có lá đẹp gói bánh”. Đó là hai món chủ lực của Tết mà nhiều gia đình thời đó đến ngày 25-26 tháng Chạp chưa lo xong thì vẫn “thấp thỏm”. Tiếp đến là dành thời gian xếp hàng mua túi hàng Tết. Túi hàng Tết theo tiêu chuẩn được hưởng thì như nhau, nhưng trong túi hàng có gói chè Hồng Đào hoặc gói thuốc lá Điện Biên bao bạc hay Tam Đảo sợi vàng.... là trong nhà đã có không khí Tết lắm rồi”- ông Minh nhớ lại.
Bà Đỗ Thu Hạnh ở phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, việc chuẩn bị mâm cỗ Tết thời bố mẹ bà còn sống thì việc chế biến món ăn ngày Tết cũng rất kỳ công. Đơn giản như món cá kho ăn Tết phải chọn con cá chép ngon làm sạch, phơi gác bếp, hun khói rồi mới mang kho hoặc rán dùng ăn với bánh chưng.
Cành đào chơi Tết trong một gia đình ở Hà Nội. |
Khi vật chất chuẩn bị đã tạm đủ, người ta nghĩ đến việc chơi. Ngoài đào, quất, mai, các gia đình thường mua về trưng trong nhà vào dịp Tết, nhiều người lại tìm mua những loại hoa, cây phong thủy mang lại điều may mắn trong năm mới.
Ông Lê Văn Thịnh ở phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngoài đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm, thú chơi tranh Tết ngày đầu xuân năm mới nay cũng không còn.
“Bố tôi thủng thẳng đạp xe lên Hàng Trống để “thỉnh về ông ba mươi”- loại tranh dân gian Hàng Trống khá phổ biến thời đó đem về treo ở vị trí trấn trạch trừ tà”- ông Thịnh nói.
Để lo cho một cái Tết đối với nhiều người bây giờ không quá khó khăn nhưng với những người có tuổi, họ vẫn cảm thấy luyến tiếc Tết xưa với nhiều thói quen, thú chơi mà thế hệ trẻ ngày nay ít người biết hết được./. Sắc xuân, không khí Tết ngập tràn nơi cực Tây Tổ quốc
Từ khóa: mâm cơm tất niên, chiều 30 tết, mâm cỗ tất niên, thú chơi tết
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN