Đắk Nông nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Cập nhật: 2 giờ trước
Sắp làm nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nối Khu Kinh tế Dung Quất
“Thắp lên ngọn lửa từ 2.000 đồng” - Câu chuyện xóa nhà tạm ở Tuyên Quang
VOV.VN - Chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại những hiệu quả tích cực tại tỉnh Đắk Nông với những vùng nông thôn khởi sắc. Các cấp, các ngành của tỉnh đang nỗ lực để sớm hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho nông thôn của tỉnh phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Kết thúc một vụ mùa cà phê bội thu với giá cao nhất lịch sử, người dân thôn Đức An, xã biên giới Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông phấn khởi chăm chút nhà cửa và đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón năm mới. Hai bên đường thôn, càng thêm rực rỡ sắc màu hoa lá và căng tràn sức sống.
Hai tay cầm chiếc kéo lớn cắt tỉa tán cây ngay trước nhà, ông Nông Minh Thước cho biết, với việc xây dựng nông thôn mới, gia đình nào ở thôn Đức An cũng rất có trách nhiệm. Kinh tế của người dân trong thôn đã khá đủ đầy nên giờ bà con có điều kiện chăm chút cho vẻ đẹp của làng, thôn. Cùng với vẻ đẹp của hạ tầng nông thôn mới khang trang hiện đại, ông Thước còn cảm nhận được vẻ đẹp của tình làng nghĩa xóm, của quan hệ chính quyền với nhân dân.
“Tôi ở đây cũng hơn 30 năm rồi, ngày tôi về nơi đây đang còn xơ xác, ngày xưa đường đất, bây giờ bê tông hoá rồi, nói chung nông thôn đổi mới rồi. Các cấp chính quyền tuyên truyền tới người dân thì bà con rất hưởng ứng, những gì có cán bộ hướng dẫn thì người dân làm theo. Ngày hôm nay nông thôn phát triển như thế này là rất đáng mừng”, ông Thước nói.
Ông Tôn Quốc Trưởng, trưởng thôn Đức An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cho biết, thôn có hơn 400 hộ dân, từ năm 2022 đã không còn hộ nghèo. Diện tích hơn 560ha canh tác cà phê, sầu riêng, hồ tiêu mang lại thu nhập ổn định; các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hình thành, nhiều hộ khá giả và giàu có. Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, bà con cũng luôn đồng lòng, chung sức để xây dựng các công trình, các hạng mục của thôn. Các tuyến đường nhân dân góp công, góp sức, góp của không những được kiên cố hoá mà còn xanh, sạch, đẹp.
Theo ông Trưởng, thôn đã đạt các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và bà con đang tiếp tục nỗ lực để trở thành một vùng nông thôn thông minh, hiện đại: “Người dân đã tham gia các hoạt động, góp công, góp tiền để xây dựng các tuyến đường, qua đó cũng tạo ra cảnh quan khu dân cư kiểu mẫu thôn Đức An là sáng, xanh, sạch, đẹp và tiến tới sẽ là thôn thông minh”.
Theo ông Lê Xuân Lý, Phó chủ tịch UBND xã Thuận An, huyện Đắk Mil, năm 2011, địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ đầu tư đúng trọng tâm là cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông, nên tiềm năng kinh tế được khơi dậy nhanh chóng. Cùng với đó là sự chung sức, đồng lòng của người dân đã giúp các mục tiêu nông thôn mới sớm hoàn thành và xã đang đặt những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
“Năm 2018, xã Thuận An về đích nông thôn mới, qua quá trình phấn đấu thì cuối năm 2023 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Xây dựng nông thôn chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc. Xã Thuận An đang phấn đấu trong năm 2025 lên nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Lê Xuân Lý cho hay.
Là thủ phủ nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Đắk Nông, huyện biên giới Đắk Mil luôn xác định muốn nông thôn mới bền vững, đời sống của dân thực sự nâng cao, phải vượt lên bằng chính nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Lấy dân làm gốc, là chủ thể, quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Đắk Mil luôn xác định phải huy động được sức dân, có sự đồng thuận của nhân dân. Các dự án, các công trình được triển khai dân chủ, công khai, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, còn các cấp uỷ đảng, chính quyền luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Mil cho biết, đến nay, 9/9 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới của huyện biên giới Đắk Mil đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn chờ cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
“Kết quả đạt được nông thôn mới của huyện Đắk Mil chỉ là giai đoạn bước đầu thôi. Huyện không dừng lại ở đó mà phải tiếp tục nâng lên, ngoài giữ vững ra thì phải nâng cao chất lượng các tiêu chí. Để thực hiện được thì cùng với nguồn lực của Trung ương, địa phương thì quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của người dân. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, làm sao nâng cao năng suất, đời sống, thu nhập của người dân”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Lấy dân làm gốc, lấy nông nghiệp làm nền tảng, phát huy tốt nội lực, các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện biên giới Đắk Mil nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung đang từng bước được hoàn thành. Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cùng với người dân đang tiếp tục nỗ lực để hướng đến xây dựng những bon làng trù phú, giàu đẹp, những vùng quê đáng sống.
Từ khóa: đắk nông, nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Thể loại: Xã hội
Tác giả: công bắc/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN