Đắk Lắk: Dấu ấn vùng miền khi thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc

Cập nhật: 06/09/2022

VOV.VN - Trong khuôn khổ ngày hội "Tôi yêu tổ quốc tôi", Tỉnh đoàn Đắk Lắk tổ chức Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc. Qua đó, nhiều tiết mục của thanh niên các huyện đã được đầu tư công phu, thể hiện đặc trưng văn hóa vùng miền rất rõ nét.

Nhịp chiêng tre bài "Đón khách" vang lên rộn ràng khiến hội trường chương trình Liên hoan Tuyên truyền ca khúc cách mạng, thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc trở nên sôi nổi hơn hẳn. Các chàng trai, cô gái Ê Đê trong trang phục truyền thống đánh chiêng tre kết hợp múa xoang, tái hiện nghi thức mời rượu của người Ê Đê. Đây là tiết mục dự thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn thanh niên huyện Krông Buk tham dự liên hoan lần này. 

Anh Y Thu Mlô, ở buôn Tlan, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk chia sẻ, sau gần 2 năm phải tạm ngưng tập luyện do ảnh hưởng của dịch bệnh, liên hoan chính là dịp để cả đội tập hợp, ôn luyện lại các bài chiêng đã tập. "Đến với liên hoan lần này là dịp để các bạn ở trong thôn, buôn giao lưu với các huyện bạn về văn hóa cồng chiêng, rồi các ca khúc cách mạng, chủ yếu mang tính giao lưu, học hỏi là chính. Thấy sau một thời gian nghỉ dịch thì các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng ít được tổ chức. Đây cũng là dịp để khuấy động lại phong trào văn hóa văn nghệ trong buôn làng" - Anh Y Thu Mlô cho biết.

Với 48 tiết mục ở 3 thể loại là ca khúc cách mạng, dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc, gần 300 diễn viên không chuyên là các đoàn viên, thanh niên, cán bộ đoàn, hội ở 16 đơn vị gồm các huyện, trường cao đẳng công nghệ Tây Nguyên và câu lạc bộ Người dẫn chương trình của tỉnh tham gia. Mỗi đơn vị đều lựa chọn những tiết mục mang tính đặc trưng vùng miền, nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống tại địa phương để thể hiện tại liên hoan. Cùng với làn điệu và nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc tại chỗ như: ay-ray, chiêng tre của dân tộc Ê Đê, dân ca Mnông, Bana, thì những làn điệu đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh, kèn lá, sáo trúc hay điệu hát then của dân tộc Tày cũng được nhiều đơn vị lựa chọn để biểu diễn.

Đặc biệt, đơn vị huyện Buôn Đôn biểu diễn tiết mục Diễn tấu nhạc cụ Lào kết hợp điệu múa Lăm Vông, với những âm thanh vui tươi, rộn ràng. Anh Y Nô Ly Kbuôr, dân tộc Ê Đê, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, trưởng nhóm biểu diễn nhạc cụ Lào xã Krông Na chia sẻ, với niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa và âm nhạc Lào, nhóm các bạn trẻ tại xã Krông Na đã tập hợp hình thành nhóm nhạc cụ Lào, tự tổ chức tập luyện và đi biểu diễn ở các chương trình do xã, huyện tổ chức. Tuy mỗi người mỗi công việc, dù bận rộn, các thành viên vẫn sắp xếp thời gian luyện tập thường xuyên.

Theo anh Y Nô Ly Kbuôr: "Trước cuộc thi như này, bên nhóm cũng đã tập luyện hơn một tuần vào các ngày như là cuối tuần hoặc là buổi tối. Nhóm thành lập ra là để duy trì bản sắc của văn hóa dân tộc Lào để phục vụ cho bà con nhân dân người Việt gốc Lào tại xã krông Na, cũng như là tham gia các cuộc thi rồi các cái ngày lễ như lễ Bunpymay, còn gọi là Tết Lào".

Kết thúc liên hoan, ban tổ chức đã trao 3 giải A, 6 giải B và 9 giải C cho các tiết mục xuất sắc ở 3 thể loại. Trao giải nhất toàn đoàn cho đơn vị huyện Cư Mgar. Theo đánh giá của ban giám khảo, nhiều đơn vị tham gia liên hoan đã có sự đầu tư, dàn dựng tiết mục công phu, đầy đủ theo chủ đề của ban tổ chức, chuẩn bị đạo cụ, trang phục và màn hình sân khấu rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, ở một số đoàn, thí sinh ở độ tuổi thiếu nhi, học sinh cũng góp mặt vào tiết mục dự thi, nhất là các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tạo nên nhiều dấu ấn, góp phần vào sự thành công của liên hoan. 

Ông Lê Văn Hồng, Phó trưởng khoa Âm nhạc – Múa, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, Trường Ban Giám khảo Liên hoan đánh giá: "Ban tổ chức và Ban giám khảo cũng rất xúc động và vui mừng khi các bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn viên thanh niên giữ gìn được bản sắc văn hóa, đánh cồng chiêng rất hay. Rồi một số những nhạc cụ dân tộc, ví dụ như khèn lá, sáo, đặc biệt nữa là có một dàn nhạc Lào cũng rất tốt, biểu diễn rất phong phú. Một số đơn vị có sự đầu tư, đó là về hát dân ca, đặc biệt là dân ca của Tây Nguyên. Rồi một số bạn hát dân ca của phía Bắc, thể hiện được những khả năng, đặc biệt giọng của các bạn thể hiện được những làn điệu dân ca đó".

Với nhiều tiết mục đặc sắc, mang dấu ấn vùng miền, Liên hoan Tuyên truyền ca khúc cách mạng, thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc đã tạo ra sân chơi âm nhạc lành mạnh cho đoàn viên thanh niên các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, khơi dậy sự yêu thích với các loại hình âm nhạc, góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương./.

Từ khóa: Đắk Lắk, hát dân ca, nhạc cụ, nhạc cụ Đắk Lắk, văn hóa Lào

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập