Đắk Lắk 120 năm hội tụ
Cập nhật: 4 giờ trước
VOV.VN - Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904 – 22/11/2024). Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực vươn lên quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, bản sắc, văn minh, hạnh phúc.
Cách đây tròn 120 năm, ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương (chính quyền thực dân Pháp) ban hành Nghị định thành lập tỉnh Darlac (Đắk Lắk), trực thuộc xứ Trung Kỳ. Đây là dấu mốc chính thức ra đời của tỉnh Đắk Lắk, một địa phương thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học quốc gia Hà Nội, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt về sự tham gia, hội nhập của vùng đất Tây Nguyên, Đắk Lắk vào tiến trình chung của lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam.
“Có thể nói, sự kiện ngày 22/11/1904 chính thức thành lập tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất lớn không những đối với địa phương mà còn đối với lịch sử của quốc gia dân tộc. Đó là thời điểm đánh dấu chính thức sự ra đời của một tỉnh với tên gọi là tỉnh Đắk Lắk thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam. Thứ hai là đánh dấu sự ra đời ý thức chung về cộng đồng quốc gia dân tộc về lãnh thổ của Việt Nam, ý thức chung về tinh thần thống nhất đoàn kết giữa đồng bào Tây Nguyên với các cộng đồng cư dân khác trên lãnh thổ Việt Nam để cùng chống kẻ thù chung, giành lại độc lập cho dân tộc và xây dựng phát triển đất nước”.
Trải qua nhiều giai đoạn nhập – tách địa giới hành chính, qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Đắk Lắk luôn giữ vai trò chiến lược quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên và cả nước. Tháng 3/1975, chiến thắng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã khởi đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk hiện có diện tích 13.125,37km2, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia. Với sự đầu tư của nhà nước, sự chung sức đồng lòng của người dân các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đang ngày càng phát triển, ổn định an ninh chính trị, quy mô kinh tế đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Đây là những lời tâm sự của những người già, người trẻ, nhà khoa học khi nói về Đắk Lắk:
“Hiện nay, tất cả các xã vùng sâu vùng xa cho đến các buôn làng thì đều có hệ thống giao thông rất tốt, trường học, trạm y tế thì được đầu tư rất khang trang. Những cây trồng chủ lực như là cà phê, hồ tiêu, cao su và đặc biệt là cây sầu riêng đã góp phần đảm bảo phát triển kinh tế của người dân”, ông Võ Đình Hoan, người dân xã Cư Suê, huyện Cư Mgar cho biết.
“Bà con luôn đoàn kết xây dựng tình làng nghĩa xóm, chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng gia sản xuất cho đời sống ngày một đi lên, cùng với chính quyền tham gia bảo vệ an ninh trật tự”, già làng Y Bơng Êban, buôn Kniết, xã Ea Ktur, Cư Kuin, phấn khởi chia sẻ
“Là một thanh niên người dân tộc thiểu số tham gia gìn giữ và bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tôi tin là với sự tổng hòa sức mạnh của toàn xã hội, Đắk Lắk sẽ ngày càng phát triển giàu mạnh văn minh và đậm bản sắc”, anh Võ Tiến Tuấn Niê, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ.
“Với vị trí địa lý và vị thế đặc biệt quan trọng của Đắk Lắk, những điều kiện phát triển đã hội tụ về vùng đất này và từ đó lan tỏa tạo ra những động lực đối với toàn vùng. Tôi tin tưởng rằng, những nguồn lực về mặt tự nhiên, về mặt văn hóa, bề dày lịch sử truyền thống và đặc biệt là những giá trị của con người Tây Nguyên sẽ không ngừng được phát triển trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước chúng ta”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Tạp chí Cộng sản, phân tích về sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk.
Trong hành trình phát triển, tỉnh Đắk Lắk đã hội tụ đầy đủ văn hóa các vùng miền của đất nước, với 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Hiện dân số của tỉnh hơn 1,9 triệu người, đông nhất khu vực Tây Nguyên, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 35,7%.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đánh giá, Đắk Lắk là tỉnh nổi bật trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi: “Đắk Lắk là một điểm đến của nhiều tộc người, là một quê hương có tiềm năng phát triển rộng lớn. Với lịch sử hào hùng từ giải phóng dân tộc thống nhất đất nước đến thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Đắk Lắk luôn là một tỉnh đi đầu trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, vượt lên mọi khó khăn thử thách, vươn lên để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Với một ý chí “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” như lời dạy của Bác Hồ thì đến nay Đắk Lắk đã khẳng định là một trong những tỉnh phát triển của các tỉnh miền núi, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao (trung bình trên 8%/năm trong 20 năm gần đây), GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 68,8 triệu đồng/người, giá trị tổng sản phẩm đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, thời tiết ôn hòa, nguồn đất đỏ ba-zan màu mỡ, cùng đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện để vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh theo tinh thần Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ Chính trị và Quyết định 1747 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Trong đó xác định rõ, đến năm 2030 tỉnh Đắk Lắk là tỉnh khá của cả nước và là tỉnh phát triển nhanh bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, sinh thái và bản sắc; phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, đảm bảo vững chắc về quốc phòng an ninh và cũng xác định rõ tầm nhìn đến năm 2050 thì Đắk Lắk phấn đấu thuộc top 25 tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng đầu cả nước”, ông Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Kế thừa, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh Đắk Lắk đang từng bước vươn mình phát triển giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên.
Từ khóa: đắk lắk, các dân tộc tỉnh đắc lắk, kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh đắk lắk, vùng đất tây nguyên
Thể loại: Xã hội
Tác giả: minh huệ/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN