Đại sứ Đức tại Liên Xô từng tìm cách ngăn chặn Thế chiến 2
Cập nhật: 25/09/2019
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Werner von der Schulenburg đồng cảm với Liên Xô và tin rằng một cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Đức sẽ là một thảm họa.
Tháng 9/1939, Friedrich-Werner von der Schulenburg, một nhà ngoại giao 63 tuổi của Đức đang làm Đại sứ tại Liên Xô, không thể vui mừng hơn. Đức và Liên Xô vừa mới ký kết một hiệp ước không gây hấn, còn được biết đến với tên gọi Hiệp ước Milotov-Ribbentrop. Schulenburg có miềm tin tưởng mạnh mẽ rằng hòa bình với Liên Xô là thiết yếu đối với sự thịnh vượng của nước Đức.
Schulenburg, ngoài cùng bên phải, chứng kiến lễ ký hiệp ước không gây hấn giữa Đức và Liên Xô năm 1939. Ảnh: Getty |
“Đây là một phép màu ngoại giao… Tôi tin rằng, không gì có thể phá hỏng tình thế này. Ít nhất, những nhà ngoại giao chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ… Tôi hy vọng điều này sẽ chỉ mang lại những điều tốt đẹp”, ông viết một cách đầy cảm xúc cho một người bạn sau khi hiệp ước được ký kết.
Nhưng thật không may, cuối cùng nó chẳng mang lại được điều gì tốt đẹp. Ngày 22/6/1941, Phát xít Đức vi phạm hiệp ước khi tấn công Liên Xô với toàn bộ sức mạnh, và mọi nỗ lực của Schulenburg nhằm ngăn chặn điều đó đều vô vọng.
Nhà ngoại giao truyền thống
Schulenburg có thể đồng ý phần nào với câu nói của Joseph Stalin trong Thế chiến 2 rằng: “’Những kẻ Hitler”, họ đến rồi đi nhưng nước Đức sẽ vẫn tồn tại”.
Sự nghiệp ngoại giao của Schulenburg bắt đầu từ năm 1901, rất lâu trước khi phát xít Đức lên nắm quyền. Là hậu duệ của một gia đình quý tộc trước đây, ông đã làm việc như một nhà ngoại giao suốt cuộc đời và cũng từng chiến đấu trong Thế chiến 1 và được trao Huân chương Thập tự Sắt vì sự dũng cảm của mình. Các thời chính quyền Đức đã thay đổi nhưng Schulenburg đã làm việc một cách chuyên nghiệp với tất cả.
Từng làm Đại sứ Đức tại Iran từ 1922-1931 và sau đó tới Romania từ 1931-1934, nhưng thách thức thực sự đến với Schulenburg khi ông được bổ nhiệm tới Moscow năm 1934. Dù Schulenburg không phải là người ái mộ nước Nga, ông lại có chung quan điểm với Otto von Bismark (Đại sứ Đức tại Liên Xô trước Schulenburg) rằng, để bảo tồn sức mạnh của mình, nước Đức phải hòa bình với Nga.
Schulenburg có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Đức với Liên Xô và Đức với Nga. Đối với ông, không gì có thể thay thế cho sự cùng tồn tại trong hòa bình của 2 cường quốc”, Rüdiger von Fritsch, Đại sứ Đức tại Moscow (đương nhiệm) đã viết như vậy trong một bài báo cho Novaya Gazetanăm 2014.
Tuy nhiên, vì đảng Quốc xã chịu trách nhiệm về chính sách ngoại giao của Đức từ 1933, việc duy trì các mối quan hệ hữu hảo giữa Moscow và Berlin là điều cực kỳ khó khăn.
Khủng hoảng và sự thỏa hiệp
“Không ai khác có thể đại diện cho Đức ở Liên Xô ở thời điểm phức tạp đến như vậy, với sự thận trọng và lòng tự trọng như Schulenburg”, Gustav Hilger, một nhà ngoại giao Đức từng làm việc tại Đại sứ quán ở Moscow những năm 1930 đánh giá.
Schulenburg (giữa) ở Moscow. Ảnh: Getty |
Schulenburg đã làm tốt nhất có thể để giảm căng thẳng giữa 2 nước trong giai đoạn 1938-1939, khi hai bên đang tiến dần đến bờ vực chiến tranh.
Năm 1938, ông đạt được một thỏa thuận với Maxim Litvinov (Bộ trưởng Ngoại giao Nga từ 1930-1939) rằng 2 nước sẽ kiềm chế việc chỉ trích lẫn nhau trên báo chí. Ông cũng đã giúp kéo dài hiệp ước thương mại 1938.
Nhưng, là một nhà ngoại giao, Schulenburg không thể vượt ra ngoài giới hạn của việc thực hiện những mệnh lệnh từ chính phủ của mình và đây cũng là lý do ông cực kỳ ủng hộ Đức và Liên Xô ký hiệp ước không gây hấn.
Lời nói dối của Hitler
Sự tan băng giữa Liên Xô và Phát xít Đức chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Năm 1941, những căng thẳng mới nổi lên khi Moscow lên tiếng ủng hộ Yugoslavia sau khi nước này bị Đức xâm lược. Những tin đồn về chiến tranh bắt đầu lan ra. Schulenburg đã cố thuyết phục Hitler khi viết một bức thư nói rõ rằng sẽ nguy hiểm như thế nào nếu một cuộc chiến tranh Liên Xô-Đức xảy ra.
Hilger viết trong một ký sự của mình sau này rằng: “Ngày 28/4/1941, trong một chuyến công tác về Berlin, Schulenburg đã gặp riêng Hitler. Đại sứ nhìn thấy lá thư ngắn của mình trên bàn Hitler, nhưng ông không biết liệu Hitler đã đọc nó hay chưa. Tuy nhiên, khi nói lời tạm biệt, Hitler đã nói một câu không liên quan đến nội dung trao đổi trước đó rằng: ‘Một việc nữa, Schulenburg, tôi sẽ không đi đến chiến tranh với Nga’”.
Hitler đã nói dối. Schulenburg, dù là một thành viên của đảng phát xít (Đức Quốc xã), lại không phải là một “phát xít” thực sự và Hitler không tin tưởng ông.
Như Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của Đức và là một phụ tá thân cận của Hitler, sau này viết trong nhật ký của mình rằng: “Đại sứ của chúng ta tại Moscow không biết gì về việc Đức sẽ tấn công… Ông khẳng định rằng chính sách tốt nhất là làm bạn, làm đồng minh của Stalin… Chẳng có nghi ngờ gì khi việc không thông báo cho các nhà ngoại giao về ý định thực sự của chúng ta lại là chính sách tốt nhất có thể”.
Mọi thứ đã mất
Ngày 22/6/1941, Schulenbur đến Kremlin để thông báo với Vyacheslav Molotov, người kế nhiệm Litvinov làm Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, rằng, chiến tranh đã bắt đầu. Thời điểm đó, lính Đức đã đặt chân vào đất Liên Xô mà không có bất cứ tuyên bố chiến tranh nào. Bản thân Đại sứ cũng chỉ vừa nhận được mệnh lệnh từ Berlin và cảm thấy hoàn toàn sụp đổ. Khi nói chuyện với Molotov, ông “giơ tay lên trời với biểu cảm bất lực trên khuôn mặt”, Hilger nhớ lại.
Schulenburg phải rời khỏi Moscow một khi chiến tranh nổ ra. Sau đó ông làm việc trong Bộ Ngoại giao ở Berlin từ 1941-1944, phụ trách Ủy ban các vấn đề Liên Xô, một vị trí hữu danh vô thực, không có chút ảnh hưởng chính trị nào. Chẳng có gì ngạc nhiên khi ông bất mãn với Hitler và các chính sách của Hitler.
Cái chết và di sản
Schulenburg chờ phán quyết tháng 8/1944. Ảnh: Getty |
Sự bất mãn đã khiến nhà ngoại giao già gia nhập tầng lớp chống phát xít ở Đức. Năm 1944, thời điểm mà nước Đức rõ ràng sắp thua trận, một số quan chức cấp cao lên âm mưu ám sát Hitler. Sự tham gia của Schulenburg vào âm mưu này là không đáng kể, nhưng ông có thể đóng một vai trò quan trọng nếu nó thành công – vài nguồn tin đã nêu tên ông như người có khả năng trở thành Bộ trưởng Ngoại giao. Tuy nhiên, nỗ lực ám sát không thành công và Schulenburg, như những người khác tham gia vào âm mưu này, đã bị hành quyết.
Dù sự nghiệp của Schulenburg đã kết thúc, nhưng sự thông minh và nguyên tắc của ông được tán dương ở nước Đức thời hậu phát xít. Như Đại sứ Fritsch đã viết: “Nếu bạn thăm Đại sứ quán Đức ở Moscow, bạn sẽ gặp Đại sứ Schulenburg. Bức tượng của ông được đặt ở văn phòng Đại sứ và bức chân dung của ông được treo ở tư dinh Đại sứ, kế bên bức chân dung của người tiền nhiệm Otto von Bismark… Phẩm chất cá nhân và các nguyên tắc của Schulenburg được ghi nhận: Ông đáng được tưởng nhớ như vậy”./.
Từ khóa: Đại sứ Đức, Liên Xô, Thế chiến 2, Werner von der Schulenburg, Hitler
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN