Đại sứ Đan Mạch: Thái tử Frederick rất mong chờ quay trở lại Việt Nam
Cập nhật: 27/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, chuyến thăm của vợ chồng Thái tử Đan Mạch Frederick nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước tập trung vào hai vấn đề năng lượng tái và sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Trả lời báo chí trong buổi gặp mặt trước thềm chuyến thăm Việt Nam của vợ chồng Thái tử Đan Mạch Frederick (1-3/11/2022), Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Do đó, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu để đáp ứng sự phát triển này không hề nhỏ.
Năng lượng tái tạo là mũi nhọn hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch
Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, chuyến thăm của vợ chồng Thái tử Đan Mạch Frederick nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ tập trung vào hai vấn đề: năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đan Mạch đặc biệt quan tâm tới điện gió ngoài khơi.
Bằng bài học đắt đỏ trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào thập niên 70, Đại sứ Nicolai Prytz hy vọng Đan Mạch có thể giúp Việt Nam áp dụng kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
“Khi khủng hoảng dầu mỏ xảy ra vào những năm 1970, Đan Mạch mới giật mình trước sự lệ thuộc của mình vào dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch. Đó cũng là thời điểm Đan Mạch phải vượt ra khỏi sự phụ thuộc đó” – Đại sứ Nicolai nói.
Để làm được điều này, Đại sứ Nicolai Prytz cho biết thêm, Đan Mạch đã vạch ra một tầm nhìn dài hạn trong nhiều năm để đa dạng hóa và phát triển thêm các nguồn nhiên liệu khác ngoài nhiên liệu hóa thạch. Đây chính là lý do khiến Đan Mạch có nhiều nguồn năng lượng tái tạo như hiện nay.
Năng lượng rẻ nhất là năng lượng không dùng đến
Bàn về lĩnh vực thứ hai mà hai bên sẽ cùng thảo luận trong chuyến thăm của vợ chồng Thái tử, Tham tán Thương Mại của Đại sứ quán Đan Mạch Troels Jakobsen nhấn mạnh: Sử dụng năng lượng tiết kiệm là lĩnh vực cực kỳ quan trọng khi hai nước muốn giảm khí thải carbon.
Lý giải lý do lựa chọn năng lượng là lĩnh vực hợp tác mũi nhọn, người đại diện của Đại sứ quán Đan Mạch giải thích thêm: “Tuy Việt Nam và Đan Mạch là hai nước có những đặc điểm hết sức khác nhau nhưng cả hai đều chia sẻ một con đường, cùng có một mục tiêu tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050”.
Bắt đầu hợp tác từ năm 2013, Đại sứ Nicolai Prytz cho rằng, Việt Nam và Đan Mạch vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng.
Hai bên cũng đang thảo luận, bàn bạc để Hợp tác Chiến lược xanh. Đây là bản Hợp tác về năng lượng xanh mà Đan Mạch đã ký kết với một số quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi,…
“Tôi xin nhấn mạnh rằng, đây không phải là một Hiệp định hình thức, mà trái lại, bao gồm rất nhiều công việc, dự án, hoạt động cụ thể để Việt Nam (và cả Đan Mạch) có thể thực hiện được lộ trình đạt mục tiêu zero Carbon vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết trong COP26” – Đại sứ Đan Mạch nói.
Sau Lego, Pandora sẽ đến Việt Nam
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, Tham tán Thương Mại của Đại sứ quán Đan Mạch Troels Jakobsen cho biết, với số tiền 1 tỷ USD, Lego đang là nhà đầu tư Đan Mạch lớn nhất tại Việt Nam.
Dự kiến vào ngày 3/11, Thái tử và lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ dự lễ khởi công một nhà máy sản xuất Lego tại khu công nghiệp Bình Dương. Nhà máy này đặt mục tiêu sẽ sản xuất những viên gạch lego đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2024.
Sau Lego, Pandora – nhà sản xuất trang sức hàng đầu thế giới đã quyết định sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam, ngay cạnh nhà máy của Lego.
Pandora là một trong 36 doanh nghiệp lớn nhất của Đan Mạch sẽ đi cùng với Thái tử trong Phái đoàn lần này.
Nhận định về tình hình thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam, ông Troels Jakobs phân tích: “Tôi cho rằng thách thức của Việt Nam không nằm ở chỗ cần phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bởi Việt Nam có một vị thế tốt với tình hình chính trị ổn định. Đây là điều nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Vấn đề ở đây là làm sao để thu hút những nhà đầu tư có chất lượng, quan tâm tới các giá trị bền vững như môi trường hay con người tại Việt Nam”.
Với 135 công ty Đan Mạch có tư cách pháp nhân mở văn phòng tại Việt Nam, Đại sứ Nicolai Prytz nhấn mạnh rằng: Tăng trưởng, bền vững và quyền lợi của người lao động là 3 nguyên tắc then chốt mà bất kể nhà đầu tư Đan Mạch nào cũng phải tuân thủ khi đầu tư vào Việt Nam.
Sợi dây tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Nhắc về sợi dây liên kết đặc biệt giữa gia đình Thái tử với Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch cho biết, Hoàng thân của Thái tử Frederick là ông Henri de Laborde de Monpezat được mẹ đưa sang sống tại Hà Nội từ năm 1934 đến 1939 cùng với cha ruột của ông là một nhà kinh doanh đa ngành ở Đông Dương chỉ vài ngày sau khi chào đời.
Sau đó ông được đưa về sống và học ở Pháp một thời gian trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1950. Ông Henri de Laborde de Monpezat học trung học và lấy bằng tú tài ở Hà Nội năm học 1951-1952.
Bản thân Hoàng thân Thái tử trong những năm còn sống cũng sang Việt Nam rất nhiều lần. Do đó, Việt Nam chiếm một vị trí cực kỳ đặc biệt trong trái tim và trí nhớ của Hoàng thân.
“Tôi tin rằng tình cảm đặc biệt đó sẽ được truyền lại trong gia đình Hoàng thân, đặc biệt là Thái tử.
“Thái tử Frederick rất mong chờ lần quay trở lại này” – Đại sứ Đan Mạch nhấn mạnh./.
Từ khóa: Thái tử Frederick thăm Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch, chuyến thăm của vợ chồng Thái tử Đan Mạch, hợp tác năng lượng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN