Đài Loan là “điểm nóng” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ toàn cầu
Cập nhật: 19/08/2020
Hãy cập nhật thiết bị Apple ngay lập tức
Quảng cáo của Microsoft đang làm phiền người dùng Windows 10
VOV.VN - Đài Loan (Trung Quốc) đang được dự đoán sẽ trở thành “điểm nóng” tiếp theo trong cuộc chiến công nghệ toàn cầu.
Với sự phát triển rầm rộ của công nghệ, chất bán dẫn, chip siêu nhanh là những “nguyên liệu” bắt buộc. Trên thế giới hiện chỉ có ba công ty có thể sản xuất chip siêu tiên tiến gồm: Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Intel có trụ sở tại California (Mỹ) và Samsung của Hàn Quốc.
Sản xuất chip hiện đại là rất hiếm và chuyên dụng bởi vì nó cực kỳ tốn kém, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào một công ty Đài Loan về các chất bán dẫn tiên tiến nhất, sau cú “vấp ngã” của đối thủ Intel (sự tụt dốc của Intel trong quý 2/2020 – lần đầu tiên trong suốt 50 năm qua). Và TSMC đang cố gắng giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ khi căng thẳng địa chính trị leo thang nhanh chóng.
Chỉ có 3 công ty trên thế giới có khả năng sản xuất chip bán dẫn cỡ 3 - 7 nanomet. (Nguồn: CNN) |
Theo Bret Swanson, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cú “vấp ngã” vừa qua của Intel không phải là sự kết thúc của biểu tượng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Intel đã dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm và vẫn là một trong 3 công ty duy nhất trên thế giới có khả năng sẽ sản xuất 3-7 nanomet ở mức độ thương mại.
Nhưng thành công của TSMC, với vị trí là nhà cung cấp chip hàng đầu toàn cầu, đang biến nó thành một mắt xích cực kỳ quan trọng vào thời điểm này. Bởi lẽ Mỹ và Trung Quốc đang trong đua ai có thể phát triển nhanh hơn các công nghệ của tương lai và cả hai nước đều có quan hệ đối tác với TSMC để cung cấp cho mình các chip sử dụng trong các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, 5G và điện toán đám mây…
TSMC “gồng” mình giữa Mỹ và Trung Quốc
TSMC đã chi số tiền lớn để “lấy lòng” và tạo dựng mối quan hệ với Mỹ. Cụ thể, đầu năm nay, TSMC tuyên bố đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, Mỹ - nơi có thể sản xuất chip 5 nanomet năm 2024.
TSMC đang phải cố gắng làm vừa lòng cả Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Apple Insider) |
Thông tin này được xem là một chiến thắng cho chính quyền Tổng thống Donald Trump, khi sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ, bảo đảm chuỗi cung ứng cho chip được sử dụng trong các ứng dụng dân sự hoặc nhạy cảm.
Nhưng việc TSMC đang giúp Mỹ tăng cường khả năng sản xuất chip có thể khiến Trung Quốc thất vọng. TSMC đã đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đại lục. Nếu Bắc Kinh trả đũa TSMC và Đài Loan, điều đó có thể sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Đài Loan đã chia sẻ bí quyết kỹ thuật với Trung Quốc. Trong những năm qua, hàng trăm nghìn kỹ sư Đài Loan đã đến đại lục để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của Trung Quốc. Mặc dù có sự hỗ trợ lớn trong nước, ngành công nghiệp chất bán dẫn vẫn là nút thắt công nghệ quan trọng đối với Trung Quốc.
Theo thống kê của Eurasia Group, công ty sản xuất chip bán dẫn quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, vẫn chỉ giữ vị trí thứ năm sau TSMC, Samsung, Intel và Global Foundries. SMIC hiện mới có thể sản xuất chip 10 nanomet./.
Từ khóa: Mỹ Trung, Đài Loan, cuộc chiến công nghệ, TSMC, chip bán dẫn
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN