Đại lễ Phật đản 2021: Đề cao tinh thần phòng chống dịch Covid-19
Cập nhật: 26/05/2021
Yếu sinh lý ở đàn ông và khả năng hỗ trợ cải thiện từ ĐTHT (23/11/2024)
Sức ảnh hưởng của nữ ca sĩ Rihanna trên thị trường âm nhạc toàn cầu (23/11/2024)
VOV.VN - Đây là dịp để tín đồ Phật tử thành tâm thể hiện sự tôn kính trước Đức Phật, để hiểu về các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà đạo Phật đem lại cho con người.
Tại Việt Nam, Đại lễ Phật đản đã trở thành lễ hội lớn của cộng đồng Phật tử và người dân yêu mến đạo Phật. Không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc, đại lễ Phật đản còn chuyển tải những giá trị đạo đức nhân bản của đạo Phật.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật đản
Theo Phật sử, Hoàng hậu Ma Da trở về quê ngoại an dưỡng khi bà mang thai gần đến ngày sinh nở. Vua Tịnh Phạn sai quan quân sửa sang con đường từ thành Ca Tỳ La đến thành Đề Bà Đà Ha để đưa Hoàng hậu Ma Da trở về cố hương.
Sau khi sửa sang xong con đường, Hoàng hậu Ma Da và đoàn tùy tùng vui vẻ trở về quê ngoại. Trên đường trở về, Hoàng hậu Ma Da ghé vào vườn Lâm Tỳ Ni để nghỉ ngơi và ngắm cảnh.
Trong vườn Lâm Tỳ Ni có cây Vô Ưu xòe tán rộng, hương hoa thoang thoảng, khiến hoàng hậu và đoàn tùy tùng vô cùng thích thú. Sau khi thưởng hoa, Hoàng hậu chậm rãi bước đến gốc cây Vô Ưu. Bấy giờ, dưới ánh sáng rực rỡ chan hòa, Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử. Trời Đế Thích đem hoa sen trải xuống. Thái tử nhẹ nhàng đặt chân lên cánh hoa sen và đi bảy bước rồi một tay chỉ trời, một tay chỉ đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Lúc này, từ hư không, Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát để tắm gội cho Thái tử. Vua Tịnh Phạn nghe tin Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử, lập tức đến vườn Lâm Tỳ Ni. Nhìn dung mạo Thái tử, vua rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, bảy ngày sau khi sinh Thái tử, Hoàng hậu Ma Da lìa trần. Vua Tịnh Phạn đưa Thái tử về thành Ca Tỳ La và đặt tên là Tất Đạt Đa.
Trong ngôn ngữ Pali, ngày Đức Phật đản sinh gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, ngày lễ Phật đản cũng là ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Do vậy, tín đồ Phật tử theo Phật giáo Nguyên Thủy tổ chức ba lễ gọi là Đại lễ Tam hợp.
Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, ngày Đức Phật đản sinh theo lịch cổ của người Ấn Độ chuyển sang lịch Trung Quốc vào ngày 8 tháng Tư âm lịch. Do đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thường tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày này. Vào năm 1950, tại Colombo, Srilanka, các đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất ngày Phật đản là ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.
Nghi lễ tắm Phật có nguồn gốc từ sự kiện Đức Phật đản sinh, Long Vương phun hai dòng nước ấm và mát tắm cho Thái tử. Theo quan niệm, thực hành nghi lễ tắm Phật chính là cơ hội để mỗi người tự quán chiếu nội tâm, để từng gáo nước gột rửa đi những tham lam, sân hận, si mê mà quay về với nếp sống chính niệm, quay về Phật tính trong mỗi người.
Tổ chức Đại lễ Phật đản trong mùa dịch Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, GHPGVN thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, không tổ chức các hình thức tập trung đông người; Khuyến khích thực hiện nghi lễ tắm Phật trực tuyến tại cơ sở thờ tự và tắm Phật tại tư gia; Phối hợp với các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở thờ tự; kêu gọi Tăng Ni, Phật tử chung tay đóng góp tài lực trên tinh thần tương thân tương ái, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội theo lời kêu gọi của Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQVN...
Năm nay, tại Việt Nam, thời gian tổ chức lễ Phật đản từ ngày 12/5 – 26/5/2021 (tức ngày 1/4 – 15/4 Tân Sửu), trong đó, tuần lễ Phật đản từ 19/5 – 26/5, chính lễ ngày 15/4 năm Tân Sửu (tức 26/5 dương lịch). Nhiều chùa trên cả nước đã tổ chức đại lễ Phật đản theo hình thức trực tuyến, không tập trung đông người.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban, Chánh Thư ký GHPG tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ Phật đản trực tuyến có một số ý nghĩa cơ bản, đó là: Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của tín đồ, Phật tử hướng về Đức Phật nhân ngày Phật đản; Khuyến khích các chùa, các tín đồ, Phật tử hạn chế tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; Kỷ niệm ngày Phật đản cũng là dịp để Tăng Ni, tín đồ, Phật tử cùng nhau ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thế Tôn, cùng nhắc nhau học theo lời Phật dạy, bỏ ác làm lành, đi theo con đường Giới – Định – Tuệ mà Ngài đã chứng nghiệm, mang đến an lạc, hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội”.
Trong tuần lễ Phật đản, Trung ương GHPGVN và mạng xã hội Phật giáo Butta cũng đã phát động chương trình “Tắm Phật online” từ ngày 19/5 đến hết 24h ngày 26/5/2021 (tức 15/4 âm lịch).
Đây là nghi thức tắm Phật mới, được ra đời trong mùa dịch để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người tham gia hoạt động tắm Phật online thông qua ứng dụng Mạng xã hội Phật giáo Butta (hoàn toàn miễn phí) đồng nghĩa với việc đã đóng góp 10.000đ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của GHPGVN. Số tiền quyên góp sẽ được GHPGVN gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQVN để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19./.
Từ khóa: Đại lễ Phật đản, nguồn gốc và ý nghĩa, phật đản 2021, GHPGVN, tắm Phật online, mạng xã hội Butta, Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật đản
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN