Đại học Stanford phát triển phương pháp điều trị khiến tế bào ung thư tự hủy

Cập nhật: 05/11/2024

VOV.VN - Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đang phát triển một phương pháp điều trị mới có khả năng tiêu diệt vĩnh viễn một loại ung thư cụ thể.

Nghiên cứu của Đại học Stanford vừa được công bố trên tạp chí Science mới đây tập trung vào việc kích hoạt lại quá trình apoptosis - một cơ chế tự hủy của tế bào xuất hiện trong các tế bào ung thư thông qua một phân tử sinh học được thiết kế đặc biệt.

Giáo sư Gerald Crabtree, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết ý tưởng này được ông nảy sinh trong một chuyến đi bộ đường dài qua Kings Mountain, California (Mỹ) trong thời gian đại dịch. Hợp chất mới sẽ liên kết với hai loại protein có sẵn trong tế bào ung thư, từ đó kích hoạt lại quá trình apoptosis và khiến tế bào ung thư tự tiêu diệt. “Chúng tôi muốn đạt được mức độ chính xác cao, loại bỏ 60 tỷ tế bào mà không làm tổn thương các tế bào không phải mục tiêu”, Crabtree nhấn mạnh.

Cách thức hoạt động của phương pháp điều trị ung thư mới

Hai protein được nghiên cứu là BCL6, một oncogen có vai trò ức chế các gen thúc đẩy apoptosis trong u lympho tế bào B, và CDK9, một enzyme xúc tác hoạt hóa gen. Các protein BCL6 đột biến thường chặn tín hiệu kích hoạt apoptosis, trong khi các phương pháp điều trị ung thư truyền thống thường nhắm vào oncogene để ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Nghiên cứu mới này đề xuất một cách tiếp cận khác mà theo mô tả của Crabtree giống như kiểu: “Bạn lấy thứ gì đó mà ung thư cần để tồn tại và biến nó thành thứ giết chết nó”.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hợp chất mới trên các tế bào u lympho tế bào B lan tỏa lớn trong môi trường phòng thí nghiệm và kết quả cho thấy nó có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư. Họ cũng tiến hành thử nghiệm trên chuột khỏe mạnh để kiểm tra tác dụng phụ đối với tế bào bình thường và không phát hiện bất kỳ tác dụng độc hại nào. Tuy nhiên, phân tử này có vẻ nhắm vào một loại tế bào miễn dịch cụ thể (tế bào B) cũng chứa phiên bản không đột biến của protein BCL6.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm phân tử này trên chuột bị u lympho tế bào B lớn lan tỏa để đánh giá hiệu quả trong việc tiêu diệt ung thư ở động vật sống. Kỹ thuật này dựa vào nguồn cung cấp tự nhiên của BCL6 và CDK9 trong tế bào, cho thấy khả năng chỉ tác động đến u lympho ung thư. Sau khi thử nghiệm với 859 loại tế bào ung thư khác nhau, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng hợp chất này chỉ có khả năng tiêu diệt các tế bào u lympho tế bào B lớn lan tỏa - một bệnh ung thư máu ác tính tiến triển nhanh.

Từ khóa: Đại học Stanford, nghiên cứu,ung thư

Thể loại: Y tế

Tác giả: ctv kiến an/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập